Câu chuyện Cham-20. TỪ ĐỘT QUỴ ĐẾN ĐẮC ĐẠO

Tút về “Bà xã đột quỵ, làm gì?”, trong khi mọi người chia sẻ đầy cảm thông thì một bạn facebook Cham phê tôi: “không lo cho vợ đi mà còn chê”. Còn một bạn thơ thì khác: “Anh viết về chị rất xúc động, và thẳng thắn”; còn phần tôi kể về mình “sống với cả chuỗi thuật toán” để đi đến hồi kết: “Ở đó mà đột quỵ!”, bị bạn bình là tôi ẩu.

Đúng! Đó là một cách nói. Nhấn và tô đậm vào, để người đọc xem mấy thuật toán kia mà… gương sáng! Tôi ưa dùng lối viết đó, đùa mà thật, nhất là để… câu view. Cả lối đặt tít cũng hệt. Vài ví dụ: “‘Lai căng’ là sinh mệnh của văn hóa”, “Tại sao đội bóng Champa thua?”, “Hay tôi đã đắc đạo rồi mà tôi không hay?”, “Tại sao tôi giỏi ‘Akhar thrah’ đến thế?”…

Mới nhất, “Sao ta cứ mãi chiều người Bà-ni?”. Đặt tít cho cái tút kiểu ấy, tôi cố ý không bỏ trong ngoặc kép, có nguyên do của nó. Mọi người lâu nay nghĩ ông Inrasara đóng thùng nghiêm túc ghê lắm, kêu gào đoàn kết gớm lắm, sao bữa nay lại đổ đốn “kích động gây chia rẽ”!?

Họ đổ xô vào xem ông ta đang bị gì, rồi cuối cùng thấy ổng… “ẩu” thiệt! Tút có hai phần: Kể chuyện thật diễn ra trong Cham, và Hóa giải sự thể cho Cham nhận ra vấn đề, từ đó ‘Ahiêr Awal’ gắn bó và yêu nhau hơn.

Đọc-hiểu buộc sinh linh Cham suy nghĩ sâu hơn, hành động cẩn trọng hơn. Thây kệ ai đó vô tình hay cố ý không hiểu, để mà tố cáo ông Inrasara “kích động gây chia rẽ tôn giáo Cham”.

Đời có này có nọ mới vui.

Vui nữa, tôi kể rồi…

Hồi trai tráng còn sung, tôi lang thang các palei Cham kể chuyện. Từ lịch sử hay truyền thuyết xa xưa đến nỗi Cham hôm nay, hết Pô Rômê, Le Royaume de Champa đến Trường TH Pô-Klong… Anh chị em và cả người lớn xúm quanh chiếu, nghe. Khi thấy không khí ra mòi nghiêm trang, tôi bắt đầu pha trò.

– Chuyện nghiêm túc vậy mà mi có thể đùa được, – yut tôi cằn nhằn.

– Nỗi Cham đã thảm, yut muốn mình nêm ai oán, sầu não thêm vào à?

Thế là huề.

Thơ tôi buồn, bạn đọc cho là vậy, tôi cũng thấy vậy. Chớ văn xuôi tôi, cười suốt. Tôi khiến cho chính tôi cười, một cái tút ngắn thế nào cũng có cái để cười. Ừ, làm sao có thể kể một câu chuyện dù nghiêm túc tới đâu, mà không cười được, nhỉ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *