Câu chuyện Cham-12. HÓA GIẢI CƠN BÃO TRONG AO

“Hãy yêu, hãy yêu như ta chưa từng

những đứa con đi xa bỏ hoang làng mạc

mang bụi đất quê hương về miền xứ khác

Và hãy yêu hơn con người chân chất

sống một đời ôm mang đất – phù du” [Tháp Nắng, 1996]

Sinh viên dân tộc bản địa Okinawa về Việt Nam ghé palei Cham, năm sau cũng nhóm đó khi nghe tôi thuyết ở Đại học Nhật Bản, đã ngạc nhiên vô cùng rằng, sau hai thế kỉ sống xen cư và cộng cư với người Việt, bao phen chịu áp lực đồng hóa [cụ thể là thời Minh Mạng và Ngô Đình Diệm] mà một dúm Cham vẫn tồn tại. Đầy bản sắc nữa là đằng khác. Lạ! Trong khi họ mới đấy mà đã…

Tôi nói, đó là do “sức mạnh nội tại của tinh thần văn hóa Cham” (xem Văn học Cham khái luận, 1994). Cụ thể hơn, tinh thần Pangdurangga: ngang bướng, đau khổ và kiêu hãnh hun đúc nên.

Cham Pangdurangga đi bất kì đâu chưa bao giờ để mất bản sắc: Lịch sử và Akhar thrah, Tôn giáo với Pô Yang, vân vân. Cả khi bà con “lưu lạc” đến nửa vòng trái đất: Hoa Kỳ, cũng hệt. Bảo tồn bản sắc đã quyết liệt, mà “cắn xé” nhau cũng dữ dội [và buồn cười] không kém. Tại sao?

Xem nè…

1. Vụ Cham đánh đấm nhau chí mạng nơi “Chiến trường Akhar thrah”, nhìn ở khía cạnh tích cực, là cách khiến sinh linh Cham và ngoài Cham ngoảnh về cộng đồng nhiều hơn, để tâm đến mảnh di sản văn hóa ông bà hơn. Ở đó nếu xảy ra bao chia xé cũng là do lòng người còn nuôi sân hận, chớ bản thân tinh thần Pangdurangga thì không.

Ba anh em tôi chẳng hạn, anh Phú Đạm viết Akhar thrah theo Ban Biên soạn sách chữ Chăm, Jaya Thuksiam theo Từ điển Moussay, tôi viết La-tinh theo kiểu của mình in chung tập thơ: Thơ Ba Anh Em, mà ba sinh linh ấy có bao giờ bất hòa, nói chi to tiếng?

Hay thuở ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm, tôi viết chữ Cham theo Từ điển Moussay, quý thầy ở Ban có ai phiền tôi đâu, tôi cũng chả có nửa lời khích bác họ.

Hoặc tiết mục MA/MƯ vừa trình diễn trên sân khấu mới đây. Tôi viết ‘Ramưwan’, ‘Mưnux’, còn bạn: ‘Ramawan’, ‘Manus’ thì cứ việc. Tôi chả phiền bạn, chứ nếu bạn nổi hứng ba gai la ó tôi thì dễ có chuyện. Chẳng phải sao!

Vụ này to không kém: Vụ ở “Hội đồng Sư cả Awal Ninh Thuận”, hai “trí thức” hàng đầu đụng trận, lôi cuốn cả cộng đồng dồn cái nhìn về phía ấy, mà bỏ quên vụ căn cốt hơn: Đất Pô Riyak, để rồi Cham mất trắng (đã kể).

Các ngài do không học Inrasara: dám CHỊU THUA.

“Chiến trường Akhar thrah”, tôi từ chối lâm trận ngay từ đầu, và 10 năm sau đó. Tránh xa nhất có thể. Ở Cham mấy chục bận bị đánh đấm xoa bóp, tôi đầu hàng và “bỏ chạy” ngay khi các vị khai chiến, thì làm gì xảy ra xô xát?

Cũng vậy, hôm nay tiến sĩ Sáng Putra Podam một hai đòi tôi thượng đài, ngó đi ngó lại biết phận mình hạng nặng còn bên đối tác mới hạng ruồi. Lên đài, nhỡ có chuyện gì thì làm sao mà nói năng với bà con. Chuồn là phải…

Tôi gọi đó là chấp nhận thua vài bàn, để thắng cả trận.

Không sướng sao?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *