[Đối thoại Tagalau]
Cận Tết 2005.
Bạn thân lâu ngày gặp lại trong một quán bia hơi, tôi thao thao về Tagalau, về những cây bút đầy triển vọng của Tagalau và về tôi. Hi vọng Cham và kì vọng tôi. Chìm dưới tuyệt vọng đen rồi trồi lên đầy dũng mãnh của tôi, xuyên tạc tôi và lời khen tặng tôi, văn chương và văn hóa, hiện tại với tương lại… Đột ngột, anh bạn cắt ngang:
– Mầy chớ tưởng mình ngon, Tagalau chả có gì ghê gớm lắm đâu!
– Không có gì ghê gớm còn đỡ, mình thấy nó chả là gì cả!
– Không là gì cả à? Mầy nói thật?
– Ừ… thì mình có nói giả bao giờ đâu!
– Tao không hiểu quái mầy cả! Không là gì sao mầy bỏ cả công sức hay tiền bạc ra làm?
– Đấy, phi lí vậy đó. Cứ sống cho hết nỗi sự phi lí ấy, rồi hiểu!
Tháng 11-2006. Tại nhà một vị thầy cũ.
Một ông anh trách các vị khoa bảng Cham từ chối cộng tác với Tagalau, bị một tiến sĩ kêu:
– Tagalau chỉ do một nhóm chứ không đại diện cho Cham. Không phải đại diện… – vị tiến sĩ hai lần lặp lại.
Chúa tôi! Tôi có bảo Tagalau đại diện cho ai đâu? “Lời mở” Tagalau-1 nói quá ư là rõ ràng: “Tagalau là sân chơi để mọi người học hỏi, thể hiện và trao đổi”. Một việc làm vô vị lợi, ai muốn vào chơi thì tùy lòng. Có tạp chí nào mà chẳng do một nhóm người phụ trách? Ngay Inrasara, không ít nhà báo bảo hắn nhà thơ đại biểu dân tộc Cham, tôi gạt phăng. Nhà thơ là tiếng nói cá thể, hắn đại diện cho cá nhân hắn chưa nên thân, nói chi đại biểu cả một dân tộc?
– Tagalau chí đăng các bài báo khác chê… – lại vị tiến sĩ.
Tôi im lặng.
– Nếu ai cũng nghĩ như chú nó, thì Cham không tập trung được lực lượng, vì Cham chỉ có mỗi Tagalau thôi… – thêm giọng một ông anh khác.
Sau hồi lâu nói qua lại, tôi nói:
– Thôi bà con cho phép tôi nói xíu rồi bỏ quá đề tài này đi. Một tạp chí nào bất kì cũng có bài hay bài dở, có kẻ chê người khen. Chuyện thường tình. Dẫu sao, Tagalau ra đời và trụ vững suốt cả thập kỉ là điều lạ. Nhà thơ dân tộc Tày Y Phương rằng không ngờ giới trí thức và cộng đồng Cham đã làm được việc mang nhiều ý nghĩa đến thế, điều chưa dân tộc thiểu số nào trên đất nước Việt Nam làm được.
– Đó là người ta nhìn vào… – tôi kết.
– Tại sao cần giữ cho Tagalau sống?
Là câu hỏi thường xuyên được nêu lên. Câu hỏi nêu ra, là chỉ dấu sinh mệnh của Tagalau cũng bị đặt thành vấn đề. Tại sao cần hồi sinh Tagalau?
Sáng tạo, sưu tầm, nghiên cứu đã và sẽ xuất hiện trên Tagalau, hôm nay người đọc có thể tìm thấy dễ dàng trên mạng xã hội. Không phải bị cắt xén, không tốn kém, và nhất là rất kịp thời. Tiên ích đủ đường.
Dẫu sao, Tagalau vẫn cần có mặt. Như hòn đá kia đơn thuần là đá, chỉ khi nó được tạc nên hình, được nhiều thế hệ thờ phụng, nó mới thành linh thiêng.
Ba thế hệ đi qua và lớn lên từ Tagalau, vun xới Tagalau: Nguyễn Văn Tỷ, Phutra Noroya, Thuận Văn Liêm, Sử Văn Ngọc… Inrasara, Trà Vigia, Jaya Hamu Tanran, Phú Đạm… Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Kiều Maily… với hơn 300 tên tuổi Cham và ngoài Cham góp mặt, đủ làm Tagalau thành một BIỂU TƯỢNG.
Lẽ nào Cham cần thêm một biểu tượng nữa bị thất truyền!?