Tại sao cần giữ Tagalau?

1. Tại sao cần giữ Tagalau?

Đây là câu hỏi như đùa! Đùa, bởi đó là chuyện đương nhiên, không cần phải đặt ra câu hỏi kiểu đó. Như đùa, nhưng đó lại là câu hỏi rất cấp thiết.

Khi thông tin các loại đang tràn ngập sách báo, mọi khám phá hôm trước, hôm sau cả thế giới biết rồi. Thông tin về xã hội và văn hóa Chăm ít, nên cái biết kia càng gọn. Không việc gì phải viết thêm.

Khi website của người Chăm và về Chăm được mở ra hàng loạt, sẵn sàng cung cấp thông tin mới kia đến bạn đọc ở bất kì đâu trên đất nước Việt Nam và thế giới. Chưa kể blog, facebook…

Và nhất là, khi báo giấy đang mỗi ngày mỗi giảm số lượng in, cả trăm tạp chí giấy tiếng Việt ngày càng ế, rồi cả chính Tagalau cũng đang ế ẩm. Chưa nói vụ dân số Chăm quá ít, và người quan tâm đến văn hóa và sáng tác Chăm càng ít hơn.

Tagalau cần thiết phải tồn tại nữa không?! Hay nếu muốn, sao không chuyển qua hình thức khác?…

Gương sáng rành rành kia! Tạp chí Việt ở Úc, khi văn học mạng xuất hiện, BBT đã bỏ hẳn hình thức in giấy, để chuyển sang website Tienve.org, từ đó liên tục phát triển. Trong khi Hợp lưu quyết tồn tại bằng cả hai hình thức, ở đó tạp chí giấy đìu hiu thế nào ai cũng biết. Còn các tạp chí cố thủ, cố chấp đã chết thi vô số kể.

Thế nhưng, dẫu sao Tagalau cần phải có mặt.

Thứ nhất, bất kì ai cũng có thể mở được trang website, mở và đóng bất cứ lúc nào, nhiều quá thành loạn; Tagalau hiếm, nên là hàng quý. Thứ hai, website cũng có nhiều tác giả tham gia, nhưng đa phần sớm nở tối tàn, Tagalau tập hợp được nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau, ở đó đa phần là người viết và độc giả trung thành. Thứ ba, các trang mạng thường sao chép hay dễ bị sao chép lẫn nhau, Tagalau phần nào đó tránh được tình trạng này. Thứ tư, các website có thể bị tin tặc tấn công, lấy mất hết dữ liệu, khó phục hồi; Tagalau thì không. Thứ năm, đại đa số người Chăm sống ở vùng nông thôn chưa trang bị máy vi tính, Tagalau là phương tiện hữu hiệu. Thứ sáu, trở lại lí do ban đầu, Tagalau cần có khoản chi phí cao hơn website, cần thông qua vài thủ thục pháp lí, cần nỗ lực và hợp lực, điều đó nó nói lên giá trị ở tự thân. Cố gắng làm điều gì đó, ta sẽ vui hơn, khi ngoảnh lại nhìn thành quả đó.

Thứ bảy…

Đó là các lí do để Tagalau có mặt. Và tiếp tục có mặt…

 

2. Làm thế nào để Tagalau tiếp tục có mặt?

Dễ! Cần có nhiều người viết có tài và nhiệt tình tham gia (không nhuận bút), cần nhiều độc giả ủng hộ, cần Mạnh Thường Quân, cần có kế hoạch quảng bá, cần… Nhưng có điều tưởng nhỏ, không phải không thể xét đến. Đó là kẻ cầm chịch.

Bởi tôi sắp về “hưu”, cho nên bà con anh chị em cho phép tôi có vài giãi bày.

Hồi chủ trì Bàn tròn Văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đưa ra quy ước 3 KHÔNG: – không đọc, mà nói ý chính bản tham luận – không nói ngoài lề và lạc đề – không khen không chê mà hãy chỉ ra sự thể đúng đề tài. Cạnh đó, BTVC tôn trọng tối đa tính dân chủ: không phân biệt nổi tiếng nhiều hay ít, lớn hay nhỏ tuổi, ai cũng có thể nói lên ý kiến của mình. Sau BTVC kì 7, tôi nghỉ, BTVC chết. Tại sao?

Người cầm chịch BTVC cần: thứ nhất, có cái nhìn toàn cảnh văn học Việt Nam. Thứ hai, vô tư và vô vị lợi (chấp nhận mọi trường phái, vô tư và vô vị lợi trong chọn đề tài, bố trí tham luận, tranh luận), biết điều hành BTVC (nghĩa là vận dụng linh hoạt quy ước đưa ra).

Chú ý thêm: BTVC chỉ nhận của Hội Nhà văn mỗi kì 300 ngàn đồng!

Ở đây, ta liên hệ với các hội luận, hội nghị của người Chăm sẽ có sự đối sánh đáng suy nghiệm.

 

Cầm chịch Tagalau sắp tới, cũng cần đến các yếu tố tương tự.

– Không phe nhóm: dù xã hội Chăm chưa hình thành phe nhóm rõ rệt, nhưng Tagalau  lâu nay đã tránh được sự va chạm không cần thiết. Ví dụ chuyện chữ viết Chăm. Sau 2007, khi có sự cố, nhiều bài phản bác nhóm Champaka gửi tới Tagalau, tôi đều từ chối đăng. Tôi cũng đã từ chối bài viết của một nhà nghiên cứu ca tụng cá nhân tôi nhưng xúc phạm cơ quan, cá nhân khác.

– Đảm bảo tính dân chủ: Cũng về chuyện chữ viết, in thơ tiếng Chăm, Phú Đạm muốn viết theo lối sách Giáo khoa hiện hành, Jaya Thuksiam viết theo Từ điển Đại học Tổng hợp. Hai anh em ruột đó! Tôi in cả hai mà không vấn đề gì cả. Họ vẫn đọc được của nhau, vẫn yêu quý nhau, và tôi vẫn trân trọng họ và ý muốn của họ.

– Có ít nhiều uy tín, để người ngoài tin tưởng viết bài đóng góp, và để tác giả Chăm chấp nhận biên tập.

– Linh hoạt. Với các cơ quan nhà nước, với bà con anh chị em trong khâu chọn bài, biên tập và mọi chuyện liên quan đến bếp núc một đặc san, tạp chí.

 

(còn tiếp kì 2)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *