Hành trình Cham-61. THẾ GIỚI CHƯA HIỂU CHAM, TẠI SAO?-8

[hay: “Phân biệt” & “phân biệt đối xử”, tạm kết để chuyển hệ: Cham chưa hiểu thế giới?]

Hiện tượng Hotgirl Nguyễn Thị Phương gợi hứng cho tôi viết liên tiếp 7 tút. Vậy đó, một mắc mớ dù nhí cũng có thể cho ta tìm hướng giải quyết vấn nạn lớn trong đối nhân xử thế ở xã hội Việt Nam hôm nay.

1. Câu hỏi, ở thời đại này, có triệt tiêu hết phân biệt đối xử không? Không, đó là điều chắc chắn, cả ở cộng đồng được cho là văn minh.

Điều cần phân định rạch ròi là “tìm và nói lên cái khác biệt” với “tinh thần phân biệt đối xử”. Hai phạm trù cách nhau mong manh tơ trời, từ “khác biệt” bước qua lằn ranh là thành “đối xử phân biệt”.

Không nhận ra nỗi tế vi này, sinh linh có học tới đâu cũng có thể sa sẩy.

Ở tiểu luận so sánh thơ trẻ Cham với thơ trẻ dân tộc thiểu số phía Bắc đăng tạp chí Nhà văn, tôi nêu bật các khác biệt rõ mồn một, bị PGS-TS Phạm Quang Trung phê “Inrasara cái gì dân tộc ông cũng nhất”, là một ca trượt chân điển hình.

Trái đất cần đa dạng, đa dạng lối sống, văn hóa, sinh thái. Cần hơn nữa là con người học biết tôn trọng những CÁI KHÁC THE OTHERS đó.

Serie “Thế giới chưa hiểu Cham, tại sao?” là một nỗ lực đưa ra những khác biệt lớn của Cham so với Việt và các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Những khác biệt xứng đáng được tôn vinh, và tôn trọng.

2. Bước lên diễn đàn bất kì đâu, tôi nói ngay: “Tôi là nhà thơ Cham”, nghĩa là có phân biệt. Vậy mà non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi chưa một lần bị phân biệt đối xử. Với Việt hay Tày, Thái… và ngược lại.

Tôi không phân biệt đối xử với KHÁC, KHÁC cũng hành xử hệt thế với tôi. Ví có nỗi ấy ở đó, làm sao tôi có thể chủ trì Bàn tròn Văn chương, hay Cà-phê thứ Bảy Văn học… giữa thế giới chữ nghĩa nhiều bất trắc!

Tự ti hay tự tôn dân tộc, thứ mặc cảm yếu nhược ấy hãy đi chỗ khác chơi.

Thuở sinh viên, lớp trưởng điểm danh đọc sơ yếu lí lịch: Phú Trạm dân tộc Cham, thì nhận ngay vài tiếng rúc rích; đến mục tôn giáo Bà-la-môn, gần như cả lớp vỡ cười. Tôi cũng cười theo, bởi tôi biết thế kỉ XX có một sinh linh theo thứ tôn giáo cổ sơ này giữa mênh mông Sài Gòn như thể phát hiện gấu con trên đồi cát Nam Kương.

Đắc đạo Cham, tôi xem đó như chuyện bất đắc bất nhiên, chả tí ti phiền hà. Còn nghe khoái nữa là khác!

KHÁC với xung quanh, ta sợ cô đơn, từ sợ dẫn đến mặc cảm, sanh phản ứng tiêu cực.

Mặc cảm về HỌ lạ đời, ta xài đến “dao lam” để Trượng thành Trương, Hán thành Hàn… Hà cớ không nhân nỗi khác biệt ấy, mà nhấn vào rồi dấn tới? Tại sao cứ muốn thành Việt, mà không ở lại với Cham, rồi tìm cách vượt lên?

Tìm về nguồn cội là NHU CẦU thẳm sâu nơi tiềm thức con người. Họ CHẾ, TRÀ sau mấy trăm năm, vẫn ngược dòng tìm về. Tôi lên tận Thái Nguyên truy tìm dòng máu họ THUẬN, hay đọc bút kí bạn thơ Bạch Văn Thanh để moi ra gốc gác họ BẠCH của Cham. Có gì mà mặc cảm!

3. “Chúng ta vỡ lòng mốc bụi dĩ vàng”, một nhà văn viết.

“Nhà văn là kẻ lưu trữ kí ức dân tộc”, tôi từng viết thế.

Từ mốc bụi mờ mịt kia, ta lần tìm, bóc tách, đối chiếu qua phát hiện từ liên ngành và đa ngành: Sử học chính thống và Oral history, Dân tộc học và Khảo cổ học, Di truyền học và Địa chất học… làm thành bảng lược đồ để lưu trữ kí ức cho dân tộc, đất nước.

Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn nho, Tàu nhiều lần truy quét sách vở Việt, Việt đốt của Cham, cả Việt đốt của nhau cũng không chừa. Có sạch bách đâu! Vẫn xuất hiện vô số sinh linh chôn giấu, rồi nẩy ra khối kẻ bới tìm từ “mốc bụi” ấy.

Để cho loài người biết…

Tháp Chàm là của Cham, Vũ nữ Chàm Trà Kiệu là của Cham, Giếng vuông Hời là của Cham, Lúa Chiêm là từ Cham…

Có dòng máu Cham chảy mạnh trong huyết quản người Canh Cụ ở Bình Thuận, người Churu trên Tây Nguyên; chảy trầm lắng nơi con cháu làng Chèm, Đắc Sở, Ngã Tư Sở ở Bắc, hậu duệ dòng họ Trà, Chế ở miền Trung.

Văn học Cham và tôn giáo tín ngưỡng Cham, 72 điệu múa Cham và hơn nửa trăm làn điệu dân ca Cham, gốm Bàu Trúc và Jih Dalah Chakleng là của Cham, Rija Nưgar Cham và Katê với Ramưwan Cham…

Là những đặc trưng không thể lẫn.

ất cả góp phần làm đẹp, giàu và sang nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *