Hành trình Cham-62. CHÚNG TA HIỂU NGƯỜI VIỆT CHƯA?

Chuyện kể.

Tết 2018, chuyện bao đồng lai rai ở nhà thi sĩ Quốc Tổ Công, anh bạn của bạn thơ kể có thạc sĩ chuyên thuyết trình về tổ ong vò vẽ gì đó.

– Nổi tiếng lắm – anh nhấn, và liếc sang ngài Inrasara, mới tội. Hiểu ý người mới quen, tôi hỏi:

– Anh biết món diễn ăn khách nhất của tôi là gì không?

Anh bạn cũng lanh trí chán, đoán biết ý tôi [“ông tưởng hễ Chàm là chuyên về Cham sao?”], vội im lặng. Hơi ngột ngạt. Tôi tiếp:

– Thơ Việt đương đại, thiên về ngoại vi…

Dường anh không hiểu chữ “ngoại vi”, nên lảng sang chuyện khác…

Nhập cuộc về hướng mở. Mở, để hiểu; và hiểu cho mở tiếp diễn.

Chúng ta đã hiểu người Việt chưa? Câu trả lời thành thật nhất: Hoàn toàn chưa. Tôi chưa thấy ai trong Cham có ý định tìm hiểu, chúng ta càng chưa chịu suy nghĩ hay ngạc nhiên về cái “chưa” ấy nữa – mới lạ!

1. Cham mãi lo nghiên cứu mình, đưa thành tích “nghiên cứu” ấy đến với người Việt, và một ít với bên ngoài. Trong khi người Việt ở sát nách ta, chung sống với ta, ngày ngày ra vào “đụng” nhau, và là “đối tác” chính của ta, ta hoàn toàn chưa!

Là sai lầm mang tính… chiến lược, nói to thế.

Văn hóa và tập quán Việt, ta chưa; tâm hồn Việt qua cấu trúc ngôn ngữ và lối nghĩ của người Việt, ta chưa; người Việt nghĩ về ta thế nào – ta cũng chưa.

Làm thế nào?

Khổng Tử nói đại ý, qua âm nhạc có thể hiểu được lòng người, hay triều đại. Người Việt không mạnh về âm nhạc, mà văn chương, nhất là thơ ca.

Muốn hiểu tâm hồn Việt, cách hay nhất là đi sâu vào nền văn học Việt, nhất là THƠ – là thể loại ghi dấu ấn đậm nhất trong truyền thống văn hóa Việt. Nhìn từ góc độ này, dẫu hô “Việt Nam cường quốc thơ” cũng chẳng có gì là ngoa!

2. Không phải bởi thích, hay do có làm văn chương mà tôi tìm hiểu Việt, ngược lại tôi đến với ngôn ngữ và văn chương Việt đầy chủ động. Từ rất sớm, và có “ý đồ”. Từ Cổ điển, Trung đại, Cận đại lẫn đương đại.

Từ văn học sử, như: Dương Quảng Hàm, Phạm Thế Ngũ… đến phê bình, như Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh – Hoài Chân, Nguyễn Tấn Long và Phan Canh…

Từ tiểu thuyết: Nhất Linh, Khái Hưng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan thời Tiền chiến; Mai thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Chu Tử của miền Nam; Bùi Ngọc Tấn, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Viện… sau 75;

cho đến thơ: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Tú Xương… qua phong trào Thơ Mới, sang tận các trào lưu thơ hôm nay.

Hiểu, nhập cuộc qua hiểu và hành, vô hình trung tôi thành một chuyên gia về thơ Việt đương đại!

3. Hiểu, cần ném mình vào đời thực việc thực, và qua văn bản gốc, chứ không chỉ bằng những gì người ngoài hay chính người Việt nhận xét về mình. Tìm hiểu thơ Việt đương đại, tôi dấn trọn vẹn vào dòng chính lẫn ngoại vi. Từ thơ miền Nam trước 75, thơ Việt hải ngoại, thơ ngoài luồng, cả thơ của những người viết chưa nổi tiếng, vân vân.

Không dừng lại ở thơ hay văn chương, qua hàng trăm cuộc đi, trăm buổi nói chuyện trực tiếp hay trên diễn đàn trước nhiều bộ phận Việt khác nhau: Giới Đại học và chính khách, văn nghệ sĩ và thương gia, trí thức nổi tiếng lẫn sinh linh vô danh, đảng viên cộng sản hay cánh dân chủ… sự sự vô ngại, để qua đối thoại, song thoại hay tương thoại, tôi hiểu tâm hồn Việt ở nhiều góc cạnh vi tế hơn.

4. 20 năm lăn lộn trường kinh doanh, từ cấp làng đến cấp tỉnh, từ cấp quốc gia đến cấp “quốc tế”, tôi hiểu – qua quan sát người Việt ứng xử với hàng hóa, với tiền, với khách hàng;

Năm năm sắm vai Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ ở Hội Nhà văn Việt Nam, nhìn nhà văn đối xử với chữ nghĩa, nghĩ về nghề, đấu với nhau, hay đáp lễ với “trên” – tôi hiểu;

Một nhiệm kì Ủy viên Ban Chấp hành và Trưởng ban Lí luận Phê bình của Hội VHNT các DTTS Việt Nam, phần nào tôi hiểu tâm tư anh chị em người nhà trong hành trình “nhập cuộc về hướng mở”;

Tôi hiểu thêm người Việt qua mạng xã hội; hiểu – từ những còm lạc đề, mấy trả lời vòng vo, bao phản hồi gay gắt, và cả đống nhân nhượng phải đạo;

Lên tiếng về các vấn đề Cham, tôi càng hiểu người Việt hơn. Đồng cảm hay vô tình, ủng hộ và chống đối, hòa đồng hoặc định kiến, đủ cả.

5. Tiền đề cho mọi thông hiểu khởi nguồn từ và qua thái độ MỞ của tôi. Tôi mở, kêu gọi và gợi hứng cho mọi người cùng mở toang cánh cửa tâm hồn.

Bao hiểu ấy được thể hiện qua…

Tiểu luận: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, 2006; Song thoại với cái mới, 2008; Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, 2014; Nhập cuộc về hướng mở, 2014; Văn chương tan rã, 2019;

Phê bình: Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’, 2015; Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, 2019; 17 khuôn mặt thơ Dân tộc Thiểu số Việt Nam, 2017; Các khuôn mặt thơ mới, 2014.

Và ngàn bài báo về nhiều lĩnh vực khác.

Hiểu Cham và hiểu Việt, tôi làm cầu nối hai dân tộc đến với nhau, cho cả hai đả thông để cùng sống đầy hiểu biết, yêu thương và làm việc.

Tôi đã, bạn – tại sao không?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *