Hành trình Cham-47. THẾ GIỚI CHƯA HIỂU CHAM, TẠI SAO?

[về người Pháp]

1.

Năm 2007, một FBker Cham viết đại ý: Các nhà nghiên cứu Pháp là những người mở cánh cửa đi vào văn hóa-văn minh Cham, nếu không có họ thì hôm nay Cham không biết nhận diện mình ra sao.

Thử xem xét vấn đề.

Có ít nhất 10 cánh cửa đi vào thế giới văn hóa-văn minh Cham, ở đó Pháp đã mở bao nhiêu cánh cửa, và mở tới đâu? Bao nhiêu cánh cửa nữa còn im ỉm đóng? Làm sao để người ngoài hiểu Cham, và CHAM HIỂU MÌNH?

Người Pháp đã khai phá tốt 3 (ba) lĩnh vực: lịch sử, ngôn ngữ và kiến trúc-điêu khắc; còn lại thì rất sơ sài, hoặc chưa làm được gì cả. Có thể kể:

Văn hóa Cham tổng quát, Dân tộc học, Sinh hoạt đời sống như nông nghiệp, ngư nghiệp, ẩm thực, gốm, thổ cẩm… là các mảnh đất vẫn còn bỏ hoang.

Tôn giáo, phong tục tập quán, họ chi lướt qua hời hợt.

Văn học, Pháp mới có vài truyện kể nhỏ, ở đây họ còn không cho Cham có văn học, P. Mus: Văn học Cham chỉ tóm trong vài chục trang sách là hết.

2. Ghi nhận, CẢM ƠN và tiếp bước, nhưng không thể không nhận định.

Người Pháp hiểu Cham qua VĂN BẢN là chính. Viết sử, chủ yếu qua văn bia và sử liệu Trung Quốc; tìm văn bản ngôn ngữ để làm Từ điển, và sơ lược về Ngữ pháp tiếng Cham; còn kiến trúc – điêu khắc, là những gì lộ thiên.

Còn chiều sâu, bề tối, mặt sau của con người Cham và tinh thần văn hóa văn minh Cham, gần như chưa. Trong khi về dân tộc Cao Nguyên, họ làm được nhiều, rất nhiều qua các tên tuổi và công trình lớn. Vài ví dụ: 

Georges Condominas với Nous avons mangé la forêt de Génie (Chúng tôi ăn Rừng)

Jacques Dournes: Forêt, Femme, Folie (Rừng, Đàn bà, Điên loạn)

Henri Maitre: Les jungles Moi (Rừng Mọi)

3. Làm sao để người ngoài hiểu Cham?

Tâm hồn Cham ẩn sâu trong văn chương cùng những câu chuyện Cham, bàng bạc trong ngôn ngữ đời thường, chìm khuất trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, vân vân, chứ ít khi hiện thể qua những “văn bản chết”.

Tâm hồn và tinh thần văn hóa Cham kết tính trong Minh triết Cham, chính là “kho sáng khôn cầm tay” giúp con người tồn tại và sống đẹp, sống có ý nghĩa.

Văn học Cham, tôi đã làm được gì?   

Trước 1975, Trung tâm Văn hóa Chàm in 3 tác phẩm cổ điển bằng ‘Akhar thrah’, Thiên Sanh Cảnh dịch nguyên 2 tác phẩm, và một phần sử thi Dewa Mưno. Các thành tựu ấy gợi hứng cho tôi hoàn thành bộ Văn học Cham, đảm bảo cái nhìn toàn cảnh và tính khoa học, nhất là tường minh tâm hồn Cham qua ngôn ngữ văn chương.

NÓ giúp người ngoài hiểu Cham, và cả Cham hiểu mình hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *