Hành trình Cham-26. DỪNG LẠI SUY NGẪM

[Đắc đạo Cham – Sống sót – Bài học]

Cuối mùa Đông năm ngoái, tôi hỏi một bạn thơ Việt: “Bạn có bao giờ nghe Sara nhận xét về sinh linh Cham nào chưa? Nhận xét nếu có, luôn tốt, còn cộng thêm điểm sắc tộc. Trong khi ngược lại – nhất là cánh khoa bảng hay văn thơ rất ưa xét nét Sara?”

– Đúng vậy, anh.

– Bạn hiểu nguyên do sao không? Bạn thơ im lặng.

– Không phải mình tốt, mà do đắc đạo… Cham.

1.

Tôi ĐẮC ĐẠO CHAM từ rất sớm. Tuổi 15. Từ đó tôi coi mỗi Cham như một sinh linh sống sót đầy thương cảm.

Tôi từ chối mọi tranh luận đúng sai với Cham, là thế.

Từ tuổi 15, tôi là Cham duy nhất không phúng điếu đám các loài. Từ đám cưới, nhà mới, kỉ niệm cho đến đám tang. Cũng có vài người làm thế, nhưng bởi nguyên do khác, như theo Tin Lành chẳng hạn.

Tôi không nợ nần ai ở vùng sinh hoạt này. Ngược lại Cham gặp nạn, tôi thường là người đến trước tiên, mãi khi họ “qua” thì thôi. “Hãy để người chết chôn người chết của họ” – Chúa Jesus nói, tôi đi làm việc khác.

Tôi có thể ngồi cả buổi với lão nông thất học hay trẻ chăn trâu, mà không chán.

Chơi kiểu ấy không thể gọi là cao ngạo. Tôi cao ngạo chỗ khác, chứ tuyệt không với Cham. Viết tiếng Cham Latin theo Quang Cẩn cũng là cách cho Cham ít học có thể đọc chữ mẹ đẻ được dễ dàng.

2.

Năm 2018, đi một vòng palei Raglai điều nghiên, tôi có dự cảm đau lòng: Không chóng thì chày, tộc người này bị diệt vong.

Raglai đa phần du canh và bán du cư. Giải phóng, ta bứng tất cả ra khỏi môi trường sống. Ta gom họ lại về một chỗ, nguồn sống từ rừng mất, đất cấp phát đem bán, bà con chưa thể hội nhập đời sống mới. Về đâu? Và làm gì?

Nhà nước bỏ bao nhiêu tiền của ra, nhưng càng cứu đói họ càng chết! Trong khi Australia chi phí rất ít cho công cuộc này.   

Sau đại nạn “Một thế hệ bị đánh cắp” (xem “Thời gian của một lời xin lỗi”, thơ Inrasara), Chính phủ Úc đã sáng mắt ra. Họ vẫn giữ nguyên hiện trường, tạo điều kiện cho các bộ lạc từ từ hòa nhập dòng sống hiện đại. Và các bộ lạc sống sót!

Làm sao CHAM SỐNG SÓT?

3.

Học KỸ NĂNG tồn tại thời hiện đại. Học đủ bài…

Năm 1985, gia đình tôi chuyển về Chakleng. Một chiều bên nhà bà Nội, nghe Japrang kêu điện giật, tôi phóng như bay hơn 20 bước để cắt cầu dao. Trong khi ở đó non mươi mạng không ai có phản ứng.

Sinh hoạt Cty Thổ cẩm tại Sài Gòn, ba nhân viên phụ trách chuyển hàng. Tôi buộc họ bọc đủ giấy tờ, số phon, và nhất là luôn thủ sẵn 500k trong túi phòng bất trắc. Vậy mà mỗi bận kiểm tra là mỗi bận sơ sẩy.

Cty có 4 căn trang bị đủ bình chữa cháy. Non 2 triệu/ bình, mỗi năm thay ga một lẫn, mỗi lần 100k. Vậy mà từ năm thứ hai bà xã mặc cho 4 bình nằm lăn lóc, nguyên do: “Công an không kiểm tra đâu”!

Thiếu hiểu biết là chết!

Cuộc sống đầy rẫy hố hang. Cần học biết để sống sót.

Tôi phân tách, và luôn kể lại chuyện chính tôi biết, tôi trải nghiệm, để ôn tập người nhà, bà con Cham, từ chuyện nhỏ đến vụ to – là vậy.

Từ tay không bắt loài dông hay mèo hoang đến buôn bán lẻ, mở Cty, từ nghiên cứu, sáng tác cho đến diễn thuyết trước đám đông hoặc giải quyết vụ việc cộng đồng, vân vân.

Kể, cho Cham có bài học, để sống sót.

Kêu khoe khoang ở đây thì không gì ngốc hơn.

Bởi, chỉ có ngu mới đi khoe mấy vụ này!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *