“Hoàn toàn tìn theo sách, thà không có sách còn hơn” – Mạnh Tử.
Hôm qua tôi có dẫn đoàn Thư viện TPHCM về Phan Rang đi qua vài palei lướt qua tình hình sinh hoạt âm nhạc Cham, từ đó lên kế hoạch lưu trữ…
1.
Năm 2002 (?), tôi dự buổi bảo vệ luận án tiến sĩ về tôn giáo Cham. Xong, Hội đồng có mời tôi ý kiến, tôi xin kiếu. Luận án được chấm xuất sắc. Sau đó ở nhà hàng mừng tân khoa, tôi nói:
Luận án tiến sĩ nào bất kì phải có “phát hiện” cái mới. Về tôn giáo Cham, nghiên cứu sinh cần đứng trên ba chân kiềng:
[1] Tham khảo toàn bộ tài liệu các nhà nghiên cứu viết trước đó, tôi tin bạn làm được;
[2] Đi thực tế các vùng bà con dân tộc Cham, cũng vậy;
[3] Riêng chân kiềng thứ ba là đọc văn bản cổ [mà Cham thì bạt ngàn chưa ai đụng đến], bạn chưa. Một khi bạn chưa [hay không khả năng] đọc chúng, bạn thiếu mất một chân, đổ sập là cái chắc.
Ở đây nói cho bạn và Hội đồng biết để rút kinh nghiệm, chứ nếu dại dột phát biểu tại hội trường, tôi mất bạn là khó tránh.
2.
Đọc vào văn bản cổ, nhà nghiên cứu mới có phát hiện để đóng góp cái mới vào hành trình tìm hiểu tôn giáo Cham. Muốn hiểu tôn giáo Cham mà bỏ mất văn bản gồm ‘Agal, Danak, Damnưi’ (Kinh sách, Tụng ca, Thi lễ…) là thiếu khuyết lớn.
Nhưng không phải vì thế mà ta cứ mãi bám hay nệ, nô lệ vào chữ nghĩa.
Hôm qua một bạn trẻ có link cho tôi đọc tút của một tiến sĩ Cham. Vị này tìm hiểu tôn giáo băng cách tra… từ điển! Ô hô.
‘Awal’ là đầu tiên, ‘Ahiêr’ do chữ ‘Akaphiêr’ (ngoại đạo) mà ra, vân vân.
Chết thiên hạ rồi còn gì.
Vậy, cần phải thoát ra khỏi ngôn từ, mới mong đi vào thế giới tâm linh Cham.
3.
Tôn giáo Cham Pangdurangga có ba hệ, thuật ngữ Cham là:
‘Halau janưng Ahiêr’: Chức sắc Bà-la-môn thuộc hệ ‘Paxêh’,
‘Halau janưng Awal’: Chức sắc Bà-ni thuộc hệ ‘Acar’,
và ‘Halau janưng Ahiêr Awal’; Chức sắc Cham Bà-la-môn Bà-ni gồm ‘Mưdôn, ‘Kadhar’… phục vụ cho tín đồ hai hệ trên.
Đây là thuật ngữ và thực tế Cham, chứ không phải tôi bày ra.
‘Agal” Kinh Bà-la-môn và ‘Danak” hệ Kadhar thì không thể thay đổi, ông phải đọc chuẩn từng câu chữ cho mỗi nghi thức. Riêng ‘Damnưi’ của Mưdôn thì không những có thể, mà còn được khuyến khích sáng tạo. Các tụng ca ở mỗi lễ hay thời điểm khác nhau, thầy Vỗ có thể thay đổi lời lẽ, miễn câu chuyện vẫn giữ được phần cốt tủy và thần hồn (xem thêm Văn học Cham khái luận, in lần ba, 2012).
4.
Làm thế nào để gọi tên Minh triết Cham?
Mỗi giải thích là một diễn ngôn, vậy làm sao diễn ngôn tinh thần Cham và văn hóa Cham mà không rơi vào hổng chân. Thế nên, mỗi diễn ngôn cần đặt trên ba chân kiềng:
[1] Tài liệu nguyên ủy: sử liệu, nguồn tiếp nhận gốc. Thế nhưng nếu chỉ tập trung vào [1], bạn là tín đồ thuyết Duy sử không hơn không kém.
[2] Biểu hiện trong đời sống, tín ngưỡng… qua khảo tả chuẩn xác. Còn nếu tin vào khảo tả không thôi, bạn chỉ là nhà nghiên cứu thuần túy.
[3] Tri thức dân gian: qua tục ngữ, truyện cổ, Damnưy… Chỉ bám vào mục này, bạn trở thành đồ đệ của thứ Triết lí Hổng chân: suy diễn và suy diễn.
Thiếu một trong ba, diễn ngôn kia bị đặt vào thế chông chênh dễ đổ.
(trích Minh triết Cham, 2016)
Tạm đưa 4 chìa khóa chính để mở cánh cửa đi vào thế giới Tâm linh Cham.