Hiểu biết để sống sót. BẠN CÓ HIỂU TÔN GIÁO BẠN KHÔNG?-5

[hay: Đặt vấn đề về “giáo chủ” Pô Rômê]

Bạn còm: Có tài liệu nào chứng minh Pô Rômê sáng lập Tôn giáo Ahiêr Awal không? là câu hỏi đáng đặt ra. Cũng như ba năm trước: Làm sao cei Sara cho rằng Pô Rômê là giáo chủ Tôn giáo Ahiêr Awal?

Đòi hỏi chứng cứ cụ thể khoa học thì bất khả. Chỉ có thể “liên văn bản” và “diễn ngôn” từ nhiều nguồn, mới thuyết phục “tín đồ” Ahiêr Awal về đức tin ấy.

Thế kỉ XIV, văn hóa văn minh Ấn Độ suy thoái trên toàn cõi Đông Nam Á, Champa kì vọng vào Islam, nhưng rồi chính Islam lại là tác nhân tạo xung đột. Champa suy yếu càng suy yếu thêm. Đến  đầu thế kỉ XVII, Champa trải qua biến động lớn, ngôi vua đổi liên tục, đất nước đòi hỏi sự thay đổi toàn diện, và cấp bách.  Hai cuộc cách mạng nền tảng diễn ra, nhằm tập hợp lực lượng đáp ứng nhu cần của thời cuộc:

Akhar thrah chữ Cham phổ thông được sáng tạo thay thế hệ thống chữ cũ chỉ được dùng ở thượng tầng xã hội,

– Cham hóa giải xung đột Bà-la-môn và Hồi giáo, để tạo nên một hệ thống tôn giáo tín ngưỡng mới.

Giai đoạn này nhân vật Pô Rômê xuất hiện và nổi lên như một hiện tượng. Chắc chắn không phải mọi cải cách chỉ do mỗi Pô Rômê tạo nên, mà người Cham muốn gán cho Ngài. Bởi Cham cần một BIỂU TƯỢNG mới.

Pô Rômê hội đủ yếu tố đó. Cụm tháp bề thế cuối cùng được dựng lên thờ Ngài, và Cham hư cấu vô số huyền thoại phụng sự biểu tượng ấy.

1. Cuộc đời bí ẩn và cái chết bi tráng

Xuất thân của Ja Kathot đến nay vẫn còn là BÍ MẬT. Chàng sinh ở miền đất/ palei nào không ai biết. Chàng người Churu hay Cham, vẫn còn mơ hồ? Cham gia đình danh giá bị đuổi khỏi nhà/ khỏi làng bởi bà mẹ không chồng mà chửa hay từ gia đình nông dân nghèo cực phải đi ở đợ? Ja Kathot là Churu hay Cham Bà-la-môn mà sao vua Pô Mưh Taha [người Islam] chịu gả con gái rượu, sau đó truyền ngôi cho?

Đời tư phức tạp đến bí ẩn. Ngài có đến 4 bà vợ, do ham gái, hay vì chiến lược dài lâu?

– một Cham Bà-ni là công chúa nhà vua đương trị vì thì hẳn rồi;

– một Malaysia, để giao hảo tìm đồng minh bên ngoài;

– một Rađê trên Cao nguyên, để phục hồi sức mạnh Champa xưa cũ hòng gây cơ đồ về sau;

– và bà vợ Việt là Công nữ Ngọc Khoa Bia Ut, như là kế hoãn binh để tái thiết đất nước, chờ thời…?

Người tính trời định. Champa ở giai đoạn mạt vận, cho dù Pô Rômê tài ba tới đâu cũng không chịu nổi sức như nước vỡ bờ của quân Chúa Nguyễn đang tìm đường sống ở phương Nam. Để cuối rốt,

– bà ở lại nơi quê nhà,

– bà chung thủy đến cùng đời theo Ngài lên giàn lửa về Thôr riga,

– bà có chối từ bổn phận [hay do bà người Bà-ni?] cũng được hưởng đám tang trang trọng trên đồi tháp mang tên Ngài,

– còn bà công “mở cõi” cho Đại Việt thì biệt tăm không còn ai nhớ, kể cả Sử Việt [tội không! Ở nơi ấy, bà có nhỏ giọt nước mắt nào khóc cho ông chồng Chàm không? – là câu hỏi đến hôm nay vẫn còn ám tôi].

Riêng tháp mang tên Ngài: Tháp Pô Rômê sau đó cũng chịu bao tang thương nỗi người.

2. Huyền thoại

Bởi đời Pô Rômê quá phức tạp, thế nên không lạ khi xung quanh nhân vật này tồn tại bát ngát chuyện thêu dệt mang tính huyền thoại.

– Huyền thoại ông chặt Krek cây Lim thần biểu tượng cho sức mạnh Champa, rồi

– Huyền thoại được tiếp tục sáng tạo và gán cho Ja Kathot [tên thật của ông] qua các Damnưi hát trong các Rija Lễ: Lễ theo Yang: ông là Pô Rômê, theo Atau là Cahya, theo Cei là Cei Xit, còn Yang Birau, ông là Pô Gihlau.

Pô Rômê được sử Cham ghi nhận trị vì từ 1627-1651. Ngài từng qua Kelentan học Kura-ưn (kinh Koran) mong tìm phương cách phục hưng đất nước, từng giao hảo với Malaysia, Indonesia và vài nước Tây phương khác để tìm đồng minh.

Sử Việt ghi tên ông là Bà Bì, vị vua Champa bị cai cơ Hùng Lộc đánh bại tại trận chiến thuộc vùng bắc Phan Rang, sau đó đã tự tử trên đường dẫn về Huế.

Sau sự kiện này, Chúa Nguyễn vòng qua phía Nam Champa xây căn cứ địa cho cơ đồ lớn: Champa bị cô lập từ hai phía thù nghịch.

Xung quanh cái chết của ông cũng được Cham sáng tạo bao huyền thoại; dẫu sao – đó là cái chết bi tráng, khi vị vua của một vương quốc không chấp nhận để bị làm nhục.

3. Công trình được gán với tên tuổi Ngài thì trên cả tuyệt vời.

– Đập Marên tưới cho hàng ngàn mẫu ruộng khu vực huyện Ninh Phước hiện tại;

Akhar thrah chữ Cham phổ thông ra đời vào thời đại Ngài được các thế hệ Cham sử dụng đến hôm nay;

– Và nhất là, ở thời đại Ngài, Cham đã HÓA GIẢI Islam thành Bà-ni, Bà-ni HÒA GIẢI với Cham Bà-la-môn để thành TÔN GIÁO AHIÊR-AWAL có một không hai trên thế giới, loại tôn giáo ỨNG VỚI ĐỊNH MỆNH CỦA DÂN TỘC NGÀI.

4. Người Cham và Pô Rômê

Nhưng tại sao, các bà các mẹ Cham mỗi bận rầy la con là réo tên ông ơi hỡi ra mắng. Với mấy chàng có máu dê, tên ông còn bị mang ra nhạo qua cụm từ: “máu Pô Rômê”, tại sao? Ông bị tố là hám gái, chặt Krek dẫn đến mất nước, có oan không?

Để làm gì, 3 nỗi ấy? – Là câu hỏi cực kì quan trọng. Cần phải nhìn qua “phía vô ngôn” của sự kiện mới thấy hết khía cạnh vấn đề. Có ai hiểu “quần chúng vô danh” thông minh thế nào không!? Cũng như có ai hiểu tại sao Ngài bày ra vô số nỗi tập tục để Ahiêr Awal phải lệ thuộc vào nhau không? Chưa thông hiểu mà chống, tội không?!

Dẫu sao, Cham vẫn xây tháp thờ Ngài, vẫn lên tháp cúng tế Ngài, vẫn hát tụng ca Ngài ở các lễ Rija, mà Cham thì có hằng hà sa lễ. Thế nên, ta tôn Ngài làm vị giáo chủ tôn giáo Ahiêr-Awal chả trật tí nào cả, một “giáo chủ” cũng chả giống ai!

P.S. Xung đột Hồi giáo và Bà-la-môn thể hiện qua văn chương Cham.

– Sử thi Akayêt Um Mưrup

Hoàng tử Um Mưrup vừa tiếp nhận ánh sáng Islam, đã mang quân về cố quốc chống lại quân đội triều đình vua cha. Chàng chém giết lính vua cha không chút nương tay:

Nhu tak bol gah amư yau ra jah

Darah đôic daup arong atheh mưtai yau ra pabbuuk

Chàng chém quân phía vua cha chết như rạ

Máu chảy ngập lưng ngựa, thây chất thành đống

Rồi là phá nát thành quách, đền đài: “mưthuh tayah mưdhir gilang”, “jalơh kalan takaprah”, và cười ngạo nghễ trên chiến tích ấy.

– Trường ca Ariya Bini Cam

Công chúa La Mecca đi vào Champa truyền giáo Islam khiến Champa phân hóa trầm trọng: Sự tan rã của vương quốc hùng mạnh này là không thể tránh:

Limưưn kanai dang tha gah

Atheh kau tha gah, ia tanưh liin tapiin

Jagug ba bol pabblong kaliin

Voi em đứng một bên, ngựa anh về một ngả

Đất nước ngập chìm trong tối tăm

Thừa cơ giặc mang quân xâm lăng

– Trường ca Ariya Cam Bini

Dù chỉ là xung đột đời thường nhưng cấp độ gay gắt không hề kém, để cuối cùng là cái chết bi đát của cặp tình nhân Cham Bini trên giàn lửa đám thiêu.

– Trong Văn học dân gian, không khí u ám đó cũng không thiếu. Tục ngữ:

Cham thong Bini karei ia

Cham [Bà-la-môn[ với [Cham] Bà-ni khác nước.

Ca dao [mang tính mỉa mai]:

Cam coh ajah coh klao

Ajah đôic nau, Cam pah tada

Cam coh ajah coh klơi

Lingiik laic lơi, rabbah lô di kloong.

Chăm đào dông, miệng cười khì

Dông chạy đi, Chăm đấm ngực

Chăm lại đào trong căm tức

Ơi trời đất, khổ lắm thân con.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *