HÀNH TRÌNH CHAM-1. TA LÀ AI?

Ta luôn mong tiến bộ, muốn đi, muốn “dọn đường cho mình lối đi mới” – như một bạn viết trên Chamyouth. Nhìn khắp xung quanh, thiên hạ tiến ầm ầm. Cường quốc hay các nước đang phát triển, cả dân tộc một thời lưu vong như Do Thái nhìn đâu cũng thấy từ cộng đồng đó bật lên nhân tài. Từ văn học, triết học cho đến tỉ phú, nhà khoa học.

Còn mình? Mãi khuôn nhà và rào làng với “hủ tục” cũ! Hỏi ai ưu tư về cộng đồng mà không đau lòng trước thực trạng ấy?

Dẫu sao muốn đi, ta cần biết ta là ai, đang ở đâu? Không gì sinh ra từ hư vô. Hành trang vật chất và tinh thần, thế nào cũng cần đến ít vốn lận lưng.

Có người thơ tấp tểnh đi buôn

Lận lưng ít nắng quê làm vốn…

(Inrasara, Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ Tân hình thức, 2006)

Tôi đã phác họa ông anh ruột mình, như thế. Nghèo, anh không mất gốc. Cả bao sinh linh Cham tha hương cũng thế:

Giấu chút nắng quê hương vào túi

Làm hành trang mai mốt tìm về

               (Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng, 1997)

Lấy “nắng quê” làm vốn để đi chưa lạ, quan trọng hơn là chính “nắng quê” ấy dọn đường soi lối cho ta tìm về – ngày mai, khi ta đã thành đạt. Không ít Cham ra đi, lúc công thành danh toại đã không về, không “biết đường về”.

Biết hỏi ta là ai? là điều tiên quyết. Bởi mãi hôm nay, ta chưa trả lời xong câu hỏi cốt tử này. Ta hãnh diện về văn hóa tổ tiên, về kiến trúc điêu khắc Champa, một trong những cái nôi của văn minh lúa nước, dân tộc có bia khắc tiếng Phạn đầu tiên, có chữ viết bản địa đầu tiên ở Đông Nam Á, vân vân. Còn nền văn hóa ấy to cỡ nào, rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn mù mờ. Thế nên, cần tìm về “cội nguồn cách xa”, như cách nói của Dohamide.

Về nguồn để hiểu ta là ai. Cần biết ta là ai, để kiêu hãnh. Câu hỏi đặt ra, giữa bao mảnh vụn (les ruines) của nền văn hóa văn minh kia, đâu là cái cần giữ, đâu là thứ đáng vứt đi? Phân biệt được là khó, khó thì học, khiêm cung học. Bởi chỉ có ta mới khả năng hiểu đúng ta.

Vài chục năm qua những “đứa con của Đất” đã thử nhai các món khô, khó nhằn để lần từng bước tìm về. Như anh, như tôi, như nhiều đứa con khác.

Nhặt nhạnh các mảnh vụn rơi vãi kia, dù bé mọn nhất…

Một câu tục ngữ – một dòng ca dao

nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ

tôi tìm và nhặt

như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ…

               (Inrasara, Tháp nắng, 1996)

Biết ta là ai, cho dù ta đi tận đâu ta vẫn còn biết lối tìm về. Không hiểu, ta dễ chối bỏ ta. Cha mẹ và tổ tiên ta, tiếng nói, và cả cái “họ” của ta, để cuối cùng ta chối bỏ chính ta:

Có nước da hơi sáng – em chối mình là Cham

mới ít tháng tha phương – anh không nhận Việt Nam

vì tự trọng – Karl Jaspers không cho mình người Đức

Henry Miller chối từ Mĩ – bởi chán ghét chiến tranh

giữa không nhận và chối từ kia cách nhau trời vực

                (Inrasara, Tháp nắng, 1996)

Tôi biết các bạn nóng lòng muốn Cham tiến bộ, nóng lòng khiến ta mất bình tĩnh, trong nghĩ, cả trong nói và làm. Ai mà chẳng! Công việc dài lâu đòi hỏi thời gian, phương tiện, và tấm lòng. Cần rất nhiều thứ để biết ta là Cham.

Tôi dẫn thơ minh họa, lại là thơ mình. Buồn cười, nhưng không thể khác. Bởi đó chính là hành trình tâm linh tôi trải nghiệm. Nữa, thơ vừa nhẹ nhõm đồng thời để thấy chức năng thi ca. Thơ không chỉ thuần giải trí. Vài câu thơ cũng đủ nói lên điều cần nói, trong khi văn nghị luận cần đến cả chục trang.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *