CHAKLENG: HÀNH TRÌNH VỀ PHÍA ĐẸP, PHÍA TIẾN BỘ

04: VÀI CÂU HỎI CẦN ĐẾN LỜI GIẢI ĐẤP

1. Tại sao chuyện chi từ lớn đến nhỏ, từ cộng đồng Cham cho đến Chakleng, cũng cứ phải là cei Sara? Đó là câu hỏi bà con, các bạn FB đặt ra cho tôi mấy hôm nay. Qua phone, chat và phản hồi.
Các thắc mắc được viết ở mục phản hồi, tôi xóa đi, vì lưu lại sẽ không hay lắm. Không hay, bởi khi đặt ra câu hỏi đó, là có sự so sánh. So sánh thì mất lòng, để rồi sự việc cũng chẳng đi đến đâu.
Xin trả lời một lần cho trót: Tôi “đạp cứt” jwak eh ông họ nội mình: Ông Klơng Phú Thân. Ông Klơng không học cao, thế mà mỗi khi Cham có chuyện bà con nghĩ tới ông.
Dâng thư cho Nguyễn Cao Kỳ hay kêu gọi làm Thôn lộ Chakleng, chặn đường xe khách đóng thuế khi đi qua ngả Chakleng hay lên tiếng yêu cầu Quận trưởng Dương Tấn Sở được ở lại An Phước, cũng là ông. Hai, ba bận ông bị an ninh giữ cũng không chừa.
Tôi giống ông ở khoản ấy, có lẽ do khéo hơn nên chưa bị nạn. Tôi còn giống ông ở “giàu năng lượng” nữa: giàu gần như là thừa thãi ấy. Khác điều ông cực độc tài, còn tôi: dân chủ tuyệt đối.

2. Thắc mắc 1: Về chuyện Hầm Mỹ, có người cho rằng do Sara đã rời xa Chakleng, xa bà con nên nói thì thuận lợi hơn; trong khi anh chị em khác dù biết, do sợ va chạm khi mỗi ngày gặp mặt nhau, đã phải nín lặng, và nói… sau lưng. Đó là lợi thế người ở xa.
Không hẳn vậy. Tôi “nói” ngay thuở tôi còn sống chung đụng thường ngày với bà con. Nói và làm, lôi cuốn bạn bè mình cùng làm. Tôi không ngại mếch lòng, thậm chí oán trách, bởi tôi biết mình đứng ở phía lẽ phải: Hầu hết bà con ủng hộ tôi, bởi đó là quyền lợi chung.
Với Chakleng thì có thể viện đến nguyên do: Ở XA, chứ chuyện giới nhà văn với nhau tôi vẫn vậy. Làm Chủ trì Bàn tròn Văn chương của Hội Nhà văn VN, ông “phó chủ trì” đến muộn 10 phút, tôi xin ý kiến tập thể truất phế ngay, bầu phó chủ trì khác lên thay, để hội thảo khởi động đúng giờ. Ai khiến! Là điều trước đây chưa từng xảy ra. Tôi giải thích: Tôi sẵn sàng làm mếch lòng một người, để được lòng 59 người còn lại, vì lợi ích chung.

3. Thắc mắc 2. Ý kiến cho là do Sara nổi tiếng, quan hệ rộng nên dễ ăn nói, qua đó, tiếng nói đó được lắng nghe hơn. Nhận định đó vừa đúng vừa sai.
Sai, là tôi “nói” cả khi tôi còn vô danh, và từ rất trẻ: 22-24 tuổi cơ mà.
Quan hệ rộng và nổi tiếng có ưu thế là khi mình lên tiếng, tiếng nói kia được mọi người chịu ngồi lại nghe hơn thì đúng; chứ để người ta hay cấp trên nghe theo thì chưa chắc, nếu ta sai; nhất là khi ta không đứng về phía tập thể, mà nói.
Biết vậy, nên từ chuyện lớn cho đến vụ nhỏ, tôi cần điều nghiên thật kĩ, nhận thông tin từ nhiều nguồn, đối chứng… trước khi lên tiếng.
Tôi có cái may mắn là bà con tin tưởng, thế nên nhiều hiện tượng hay vụ việc đều được bà con thông báo, cho dữ liệu gốc, và gửi gắm nỗi niềm.

4. Tôi có sợ va chạm không?
Sợ quá đi chứ! Không sợ mới lạ. Với giới văn chương, tôi mang tiếng thẳng thắn, như ruột ngựa ấy. Sẵn sàng đối mặt, và đã từng nhiều lần trên nhiều diễn đàn khác nhau.
Ngược lại, với bà con Cham, tôi rất sợ làm họ buồn lòng. Người đồng hương Chakleng thì tôi càng cố tránh. Cố tránh, nhưng không vì thế mà ngại giáp mặt vấn đề, khi bà con nhờ đến tôi, đang chờ tiếng nói của tôi.
Có chuyện, là phải nói. NÓI – cố tránh tối đa xúc phạm hay làm tổn thương cá nhân. Do đó, CÁCH NÓI cũng là điều cần xét đến: Quyết liệt để đạt mục đích nhưng không quá khích; ngôn từ dùng chuẩn xác, rõ ràng và một nghĩa để ai đọc cũng có thể hiểu đúng ý mình.
[Cho phép tôi riêng tư xíu: Ở chuyện Hầm Mỹ, bà con biết tôi với Bs.Tuấn thân thiết thế nào: Tôi đã ăn dầm ở dề với anh suốt 2 tháng trước khi tôi vào Sài Gòn học; với Ông Klōk cũng vậy: ông là người cung cấp khá nhiều “tư liệu” cho tôi viết Văn học Cham. Cả chị Đính, em Nhàn nữa… Do đó, tôi xem Dĩnh như người em trong nhà vậy.
Tôi sợ mất lòng hơn ai khác. Nhưng vì chuyện chung, phải nói. Lẽ nào cứ đợi một AI KHÁC? “Không ai có thể hát thay chúng ta” mà!]

5. Một bạn FB khi thấy chuyện Hầm Mỹ đã yên, mới nhắc tôi: Thế Vụ Hamu Mưbhōk thì sao? Tôi trả lời rằng đó không phải phần việc của tôi. Không phải chuyện gì ông Sara cũng dính vào.
Ví dụ sau Vụ Ghur Darāk Neh, 5 hộ bà con Cwah Patih đưa đơn thư nhờ tôi can thiệp vụ tranh chấp đất ruộng với làng bên. Bà con rất tha thiết, nhưng tôi chịu và nói lời xin lỗi: Đó nằm ngoài tay với của tôi.
Tôi chỉ quan tâm, và lên tiếng về các ĐIỂM NHẤN, một khi đã nắm chắc sự vụ.

Tạm tâm sự vài lời như thế để hiểu nhau, rồi ta còn tiếp tục…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *