Tôi & chánh trị-21. 5 QUAN ĐIỂM LÀM BẠN SUY NGHĨ LẠI

1. “Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Việt đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Chính phủ. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Như thế, nếu không sợ những điều không đáng sợ, giới trí thức Cham vẫn có thể làm nên nhiều chuyện” (tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1-2006).

2. “Nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn cặm cụi đi điền dã lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ, hay sẵn sàng mở cuộc điều tra nạn trộm cắp gà tại quê nhà để giúp chính quyền địa phương dẹp tệ nạn xã hội” (Tienve.org, 3-2009).

3. “Người Việt ở Ninh Thuận số dân nửa triệu mà chỉ 4 người kí; trong khi Cham có 74.000 mà số người kí tên vào Kháng thư phản đối Dự án Nhà máy Điện hạt nhân lên đến 68. Tại sao? Cham có mặt ở mảnh đất này trên hai ngàn năm, hiện phân nửa dân Cham sống ở đó, với hơn trăm điểm/ khu tôn giáo tín ngưỡng đang được thờ phụng. Không phải Cham dũng cảm hơn, mà là do họ có nhiều cái để sợ hơn: văn hóa, sinh mạng và nhất là, đời sống tâm linh gắn chặt với đất mẹ của họ” (Inrasara.com, 4-6-2012).

4. “Chuyện Nam tiến là thật. Đại Việt mở cõi không phải là miền đất hoang, mà là đất có chủ, và chủ nhân ấy đã dựng ở đó nền văn hóa và văn minh phát triển. Chuyện Champa mất về tay Đại Việt, cũng là thật. Việt Nam hôm nay cần nhận ra và nói lên sự thật lịch sử đó… Không phải để khơi dậy tinh thần dân tộc hay tạo sự hiềm khích, mà là để hiểu biết lẫn nhau. Chỉ khi làm được điều đó thôi, chúng ta mới có thể nói đến việc hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc.

Nếu ta giấu đi sự thật lịch sử, đừng nói là sự thật hôm nay, mà là sự thật hôm qua, thì chỉ thiệt hại cho đất nước. Chẳng những ta không nhận diện được sự thật toàn vẹn của lịch sử Việt Nam, mà ta còn lừa dối cả thế hệ con cháu. Và một khi Cham biết mình đang bị lừa dối, thì đòi hỏi họ đặt niềm tin vào chính quyền, là điều không tưởng” (RFA, 3-5-2013).

[Tham khảo thêm:

Người Việt “mở cõi”… và thừa hưởng di sản ấy. Dù di sản kia đa phần chỉ còn là phế tích cùng những mảnh vụn, nhưng chúng là vô giá. Nhận diện được điều đó, chúng ta cần học biết cảm tạ bộ phận nhân loại từng tạo dựng nên chúng, để cùng trách nhiệm. Trách nhiệm bảo tồn, không chỉ bản thân chúng, mà còn bảo tồn cả môi trường tự nhiên, và không gian văn hóa quanh chúng nữa. Để con cháu ta sau này còn được thụ hưởng lâu dài. Không thể khác.

Công khai hóa lịch sử Champa có mấy cái lợi?

Nếu ta dạy đúng và in công trình chuẩn xác về lịch sử Champa, ta tránh bị “kẻ xấu” viết xuyên tạc; hơn nữa càng giấu thì người Cham càng tò mò muốn biết. Ta biểu lộ lòng thành thật để tránh được cái tiếng che giấu sự thật. Ta biết ơn một dân tộc đã để lại nền văn hóa – văn minh cho các dân tộc Việt Nam hôm nay thừa hưởng. Cuối cùng, cứ liệu lịch sử [Champa làm chủ Biển Đông là một ví dụ] đấu tranh cho chủ quyền đất nước.

Công khai hóa lịch sử không phải để khơi dậy sự hận thù, mà là chứng thực bốn điều lợi trên. Chỉ vậy thôi chúng ta mới có thể nói đến hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc thực sự (Inrasara.com, 2014)

5. Ở hội thảo về Báo chí và Biển đảo do báo Dân tộc và Phát triển TW tổ chức ở Phan Rang vào giữa năm 2014, tôi là người được mời tham luận đầu tiên. Và ngay câu đầu tiên, tôi nói:

– Tôi biết vài quan chức cho tôi chống chính sách của Chính phủ. Là một ngộ nhận đáng tiếc. Dù tôi không là Đảng viên, tôi nói là nói giúp Đảng. Tại sao? Một ví dụ, chuyện Ghur Bini, không chính quyền nào bất kì muốn dân tham lấn đất công cả. Lấn hoài thì Cham sẽ bứt, Rồi khi sự vụ đổ bể, ta mất rất nhiều. Mất tiền chữa trị, mất công chính quyền can thiệp, và nhất là mất tình đoàn kết dân tộc là điều ta rất ngại.

Nhà văn thấy trước, lo trước, và nói trước. Kêu nói giúp Đảng, là thế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *