Glang Anak [5] KHỞI ĐẦU LẠI TỪ CÁI NHỎ NHẤT

Bài học 5. Khiêm tốn không bao giờ thừa

1. Đại biến động đã xảy ra. Cả dân tộc bị đẩy vào thảm trạng. Ta với “họ”, và cả ta với nhau. Lam sao hiểu, sống với, và vượt qua thảm trạng?

Glang Anak [câu 58]

Rai drei tha pajiơng rei saung nhu

Ralô ginoong pôic ôh hu, rabrei janưưk mai ka drei

Đời ta [lỡ] sinh ra cùng thời với họ

Lắm giận nói chẳng được, người ta [lại] mang tội lỗi đến cho mình

Bao nhiêu vụ việc xảy tới, nói có được đâu! Nhiều trí thức cảm nghe bất lực, đã im lặng. Vài tiếng rên yếu ớt cất lên, rồi chìm. Kẻ có vẻ dũng cảm hơn, lên tiếng, và bước đi đầy bất trắc. Có thể đẩy tới cùng không? – Cũng không thể.

“Lắm giận nói chẳng được, người ta [lại] mang tội lỗi đến cho mình”. Có thể trách oán nhau không?!

Câu 35:

Bbwah kar duix ruup min likei

Than trách nhau chỉ mang tội vào thân thôi em.

Biết người, biết ta, biết dừng lại đúng lúc. Và gì nữa?

2. Hiểu thảm trạng và học biết yêu thương, đùm bọc nhau, bao thân phận dưới đáy xã hội. Cả cấp Halau janưng xưa minh triết là vậy, nay cũng đang chung phận “dưới đáy”. “Nhìn trước ngoảnh sau còn ai” để bàn bạc? Người xưa đã bỏ đi, người nay thì mong an thân, toàn mạng.

Glang Anak [câu 105]

‘Mưyah pap ra mưtui thong gila

Jôi limuuk jôi ba gak pagan gơk katơk’

Nếu gặp người côi quả hay kẻ dại khờ

Đừng ghét, đừng hùa theo làm khó dễ mà đè ép

Hiểu thảm trạng, để cùng bắt tay khởi đầu lại cuộc sống mới “từ con số không, từ con số âm – có lẽ” (thơ Inrasara)

3. Glang Anak [câu 111-114]

‘Ngap ridêh paga waal roong kabao

Bilimưk khang di nao, pajiơng jađun thong hatam

Pabơk banơk pakôic riboong bidalam

Gan agha gan ram, tha prưn tha hatai

Hadang hajan ia xwa lek mưrai

Liwa hamu draak padai, liwa puh pala tangơi

Bloh pala njam paya thong plôi

Yah ơk caang thrôi, bbang plôi thong daak’

Đóng xe, dựng chuồng nuôi trâu

Cho thật béo mập để dùng vào việc chuyên chở

Đắp đập, khai nương cho thật sâu

Băng rừng băng sông, chung lòng chung sức

Đợi khi mùa mưa kịp xuống

Cày ruộng gieo lúa, cày rẫy trồng ngô

Rồi trồng bí đỏ, trồng khổ qua

Ăn qua vụ đông, đợi mùa lúa chín

Chỉ qua một đoạn thơ, với cái giản đơn í thơ, của ngôn từ và lời lẽ, Glang Anak nói lên được cả một tấm lòng. Là tấm lòng bao dung của người cha.

Hãy tưởng tượng, khi tất cả bị đảo lộn, khi thân cây đạođức đã trụi lá, khi tâm thiện chí mất đất đứng, khi bóng tối lan tràn và tất cả đã tuyệt vọng, một giọng nói chân thành và đầm ấm vang lên – khiêm cung nhưng dứt khoát, một bàn tay cứng cáp và nồng ấm đưa ra trong cơn hoảng loạn chung!

Ariya Glang Anak mở ra cho Cham – trước không khí ngột ngạt của lịch sử, một sinh lộ khiêm tốn nhưng thiết thực, hé cho ta thấy, trong đêm tối đen mò của thời cuộc, một tia sáng yếu ớt của niềm hi vọng.

Đây không đơn thuần là lời khuyên đạo đức của nhà luân lí trong một xã hội đã rã mục. Đây là một lối nhìn, một quan niệm sống, một chiến lược hành động của nhà đại trí thức ưu thời mẫn thế, một con người còn bình tâm đi tìm con đường sáng khả dĩ đưa dân tộc thoát khỏi vũng lầy lịch sử.

Con đường trở về bản thể mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *