Một vấn đề nảy sinh không thể quyết toán bằng chối bỏ nó hay cho nó chìm xuồng, mà bằng phơi bày nó ra, đối mặt với nó, và tìm cách giải quyết nó.
Cham Việt sống xen cư và cộng cư, va chạm là chuyện thường tình.
Cham nói: Răng lưỡi sao tránh phải cắn nhau (Tagei dalah habar klah di kek gaup). Chuyện gây chú ý, bởi nó dễ bị thổi phồng từ va chạm cá thể thành xung đột tập thể. Vấn đề là, chính quyền địa phương có KỊP THỜI, CÔNG BẰNG & MINH BẠCH không?
Đề tài này tôi đã đề cập nhiều lần mươi năm trước, nay xin trở lại.
1. Vụ Kiều Minh Vũ bị đâm chết năm 2004, bà con Cham [phụ nữ và trẻ em] Cwah Patih kéo nhau vào làng Việt đập phá. Hậu quả, mình vừa mất người lại thêm vài mạng đi tù.
Vụ thanh niên Boh Bini bị đâm chết năm 2012, anh em nổi giận kéo nhau qua đốt trụi nhà người Việt kia. Hậu quả cũng tương tự. Vân vân.
Đá bóng, kẻ phạm lỗi bị thẻ đã đành, ngay người trả đũa cũng lãnh thẻ. Làm thế nào?
Thật bình tĩnh
[dù rất khó, khi ruột thịt mình bị nạn]
:
– Hãy thu thập đầy đủ chứng cớ,
– Đưa phạm nhân ra tòa,
– Đòi hỏi tòa xử CÔNG BẰNG, và CÔNG KHAI án kia cho bà con biết.
Cham không yêu cầu ưu ái, mà đòi công bằng.
2. Cham vẫn còn khờ lắm!
Chuyện Cham luân lạc sang đảo Sulu của Philippines, sau hai thế kỉ, lưu dân này đã dựng nên một thành phố giàu nhất ở đất nước tạm dung thời đó. Thông minh phải biết! Nhưng chỉ vì xung đột với người bản địa mà Cham NỔI KHÙNG đốt cả thành phố, rồi bỏ đi.
Người Tàu Chợ Lớn có làm vậy đâu, họ chịu NHÚN và chấp nhận hiệp thương để cùng tồn tại.
Mình là ‘khách trú’ mà!
[Dĩ nhiên so sánh Tàu/ Việt với Cham/ Việt ở đây thì có chút khiêng cưỡng, nhưng cần thiết].
3. Đó là va chạm cá thể, chứ vấn đề mang tính tập thể liên quan đến chính quyền thì sao?
Chuyện dân Vĩnh Tân huyện Tuy Phong biểu tình chống Nhà máy điện xả bụi xỉ than bằng cách làm nghẽn Quốc lộ 1 vừa qua; hay tháng 3-2014, vụ bà con Sơn Hải kéo nhau vào TP Phan Rang biểu tình chống nhiễm xạ nặng nguồn nước từ nhà máy khai thác Titan của Trung Quốc. xin miễn ý kiến.
Nhân đây tôi xin liên hệ đến cộng đồng Cham, để nói với bà con rằng, nếu gặp chuyện bất công, và đã đệ trình nhiều lần mà không giải quyết, phản ứng thế nào?
Cham không cần đập phá trả thù [khiến người bị hại thù oán, từ đó thù hận kéo dài], hay ném đá công an [cho lực lượng này có cớ đàn áp], không cần tạo ùn tắc quá dài ở trung tâm TP hay đường huyết mạch gây thiệt hại chung [khiến công chúng mất cảm tình]; thậm chí nếu công an có dùng bạo lực, ta cũng không phản ứng lại.
Ta bất bạo động toàn phần. Cham cần cho bên ngoài biết: ta đang bị đối xử bất công. Cần chụp nhiều ảnh, quay nhiều video clip. Bởi đây là thời đại của thông tin. Ta đưa tất cả lên, là đủ. Nhất là hiện nay, vào hoàn cảnh lúc này.
Còn lại tất cả đến sau đó…