[hay. Câu chuyện bị bỏ quên]
Hà Nội, ghé Hội Nhà văn. Có hai quan hơi lớn ở đó. Sau mấy chuyện bao đồng, tôi nói: – Thác Bản Giốc mất, lỗi nền tảng thuộc về nhà thơ.
Họ tưởng tôi đùa, cười cười. Tối, tôi phone cho một giảng viên Đại học, nêu ý đó, vị này kêu: Lỗi thuộc Bộ Chính trị, sao lại đổ qua nhà thơ. Sau khi nghe tôi minh giải, các anh mới à hén. Kể lại…
1. Câu chuyện ngoài kia.
Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng kể: Trong một cuộc họp với thổ dân da đỏ Canada, đại diện chính quyền tuyên bố vùng đất ở đó thuộc quyền sở hữu nhà nước. Vị trưởng lão hỏi:
– “Nếu đất đai là của quý ngài, thì quý ngài có câu chuyện nào kể lại cho chúng tôi nghe không?”
– Chúng tôi có giấy chứng nhận của Chính quyền Liên bang đây [tục gọi là Sổ Đỏ].
– Giấy chứng nhận là quái gì cơ chứ!
“Thế là vị này liền đọc một câu chuyện bằng thơ liên quan đến những sinh hoạt của người da đỏ hàng trăm năm trước bằng tiếng địa phương, để chứng minh rằng vùng đất đó là của họ. Dù bằng chữ viết hay truyền miệng, những câu chuyện bao giờ cũng sống lâu hơn cả trong lòng chúng ta, lưu giữ ở đó ánh sáng của mặt trời đã tắt”.
2. Thác Bản Giốc thuộc Việt Nam, mà ta [cả dân tộc bản địa ở vùng đất ấy] không có lấy một mảnh chuyện về nó. Hoặc có, nhưng đã quên. Kí ức không được lưu trữ, thiếu cội rễ, không gắn bó máu thịt với đất, thì việc bà con bỏ đất đi vào nam làm ăn, dễ như thể rời bỏ một nhà trọ…
Chính quyền điều bộ đội lên giữ, có cự lại với Trung Quốc không? Trong khi người dân mới gắn bó với đất, quân đội chỉ có nghĩa vụ đảm bảo an ninh. Giặc tràn vào, đánh không nổi, quân rút đi, dân ở lại. Khi giặc yếu thế, ta đuổi đi, dân còn với đất.
Có không những câu chuyện cũ về Bản Giốc?
Nếu không, sáng tạo câu chuyện MỚI, tại sao không? Nếu không, đâu là bổn phận của thi sĩ? Nhà thơ Hữu Thỉnh bốn nhiệm kì liên tục Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thủ trong túi áo hơn ngàn hội viên, trong đó 2/3 là nhà thơ – để làm gì!?
3. Cham, dù mặt trời Champa đã tắt, câu chuyện sống dai dẳng trong tâm thức. Mênh mông câu chuyện! Chúng sống còn mạnh mẽ hơn, sâu thẳm và dai dẳng hơn lịch sử thành văn. Là câu chuyện SỐNG nói lên sự có mặt của Cham trên mảnh đất ấy.
Sứ mệnh của thi sĩ là canh thức và kể các câu chuyện xuyên thế hệ. Câu chuyện có thể thay đổi, nhưng tinh thần thì không biến mất. Chúng tiềm ẩn và làm nên sức mạnh tinh thần dân tộc, cho đến khi nào dân tộc đó từ chối chúng, bỏ quên chúng.
Câu chuyện Cham Pangdurangga thì bạt ngàn, ai là người nhớ, và kể lại? Ta tranh nhau đi làm chuyện to con, vĩ mô mà bỏ quên điều tưởng như nhỏ nhặt ấy.
Làm gì?