NNAF.5. Thơ2- DUY RÁC HẠT NHÂN LÀ MUÔN NĂM

 

Sông núi biến đổi

Triều đại chuyển đổi

Quốc gia dời đổi

Lòng người bấp bênh thay đổi không lường

Duy rác hạt nhân là vĩnh cửu.

(Phát biểu tại No Nukes Asia Forum, Taipei 2019)

 

ETERNALNESS

Rivers and mountains can change

Reigns can change

Nations can decline and recovery

The human heart changes unpredictably

Only nuclear waste is everlasting.

 

[nhà văn người Anh Tony Boys có đọc góp ý]

_____

 

Chú thích- XƯỞNG RÁC HẠT NHÂN

Cực nam Đảo, một cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân được xây dựng vào năm 1982. Dân Đảo không được hỏi ý lấy một tiếng. Rác hạt nhân từ ba nhà máy ĐHN từ đảo chính được công ty Taipower đổ về. Và ở lại.

Bốn chúng tôi trình giấy, bước vào.

Trước khi thăm xưởng rác, các bạn cần biết trước đây an toàn cỡ nào. Nghĩa là phải qua phòng chiếu video clip quảng cáo An toàn hạt nhân. Ừ, thì nghiêm chính chấp hành. Mà nó an toàn thiệt, chớ không giỡn. Độ phóng xạ chỉ bằng 0,0345, như ở Cơ sở Công an, hay tại sân bay của Đảo.

Tất cả chìm trong một màu xanh mát mắt. Hàng cây như loại cây “chang” vùng Cham với chòm lá xanh rì. Cả mươi vạn thùng rác cũng màu xanh nốt. Gió khu vực này thổi mạnh, và mát. Phía sau bọt sóng trăng xóa ven bờ là cả một vùng biển xanh mát.

Phiền nỗi là mới qua một phần tư thế kỉ, các thùng rác kia một lần bị rò rỉ thải phóng xạ ra biển. 80% dân Đảo bị vấn đề liên quan đến tam giác trong. Nguyên do từ đâu không biết. Mơ mơ hồ hồ vậy thôi.

 

Chú thích THƠ

[1] Triều đại nào bất kì dù mạnh tới đâu chẳng bao giờ muôn năm cả. Lịch sử thế giới, hay Việt Nam không khác.

[2] Chuyện một quốc gia thì có vẻ dài hơn, nhưng dẫu có to lớn hay hùng cường cỡ nào nó vẫn cứ vô thường.

[3] Tâm tánh con người thì miễn bàn. Hứng lên nó chơi tòa tháp đôi đổ rụm cái, hay làm tanh bành Hiroshima, Nagasaki như bỡn.

[4] Lạ, rác thải hạt nhân do con người tạo ra lại bất diệt, và vĩnh cửu mới khổ. Ngàn năm, vạn năm, và còn hơn thế.

Hãy ngó kĩ cái Xưởng rác hạt nhân tại Orchid Island này. Mấy câu hỏi đặt ra:

Công ty Điện Lực Đài Loan thuê 2ha đất, dựng lên công trình đồ sộ trong ấy, trả lương cho cả chục công nhân viên cao cấp canh giữ ngày đêm đống rác kia. Hỏi Công ty này có tồn tại vĩnh cửu?

Ngàn thùng chứa rác thải kia mới 25 năm đã rò rỉ phải thay thế, hỏi mươi vạn năm sau nó còn mấy ngàn lượt thay thế? Ai chịu làm công việc quái quỉ này?

Triều đại thay đổi [trên dưới 300 năm một lần], Đài Loan đổi chủ [có thể lên tới ngàn năm], vậy ai trách nhiệm tiếp quản cái bãi kia?

Chiến tranh, nước nhỏ bị ép tức nước vỡ bờ, vài tay không quân nổi hứng chơi bài liều làm cảm tử quân đâm thẳng máy bay vào nó, thì sao? Chớ Bắc Hàn đã chẳng tưởng tượng ra vụ ư?

Đó là chưa tính đến thiên tai: Động đất, sóng thần, mảnh thiên thạch rơi phải, vân vân thứ.

 

Phụ lục POWER POINTS

 

Tại No Nukes Asia Forum – Taiwan 2019, trả lời báo chí, cái tứ với cách diễn lạ: “Chỉ có rác hạt nhân là vĩnh cửu” của tôi được xem là một trong vài phát ngôn cộm ở diễn đàn. Đâu cũng vậy, tôi luôn có 1-2 ý kiến mới, lạ mang tính điểm huyệt, buộc hội trường quay lại, hoặc tỉnh ngủ. Hôm nay vui tạm lượt lại 9 vụ, theo thứ tự.

 

Trả lời báo Lao động, 2004:

Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ giỏi lập ngôn cả. Ta sáng tác cảm tính đã đành, ngay phát ngôn về nghề, nhà văn ta vẫn cứ cảm tính và tùy tiện mà nói.

 

Buổi giao lưu Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, 2005:

Bóng đá Đông Nam Á chịu phận vũng trũng của thế giới đã đành, văn học chẳng có gì dính dáng đến thể tạng cả, nhưng ta vẫn cứ là vùng trũng, là sao?

 

Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn mở rộng, 2008:

Hội Nhà văn có ngàn hội viên, có thể chia làm ba bộ phận: Sáng tác, Phê bình và Tổ chức tức Ban chấp hành. Cả ba bộ phận này đều lạc hậu. Tôi sẽ tuần tự chỉ ra cái lạc hậu đó.

 

Hội thảo của Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng Nai: “Nhà văn và hiện thực đời sống”, 2011:

Chúng ta nói bám sát hiện thực, nhưng đâu là hiện thực lớn nhất vài năm qua, một hiện thực lay động mạnh mẽ lên tâm thức người Việt trên toàn thế giới? Không phải là Hoàng Sa – Trường Sa sao? Xin hỏi hơn 60 nhà văn có mặt trong hội trường này, ai đã động cập đến nó? Có ai không, ngoài Inrasara?

 

Tại Cà phê thứ Bảy về Hậu hiện đại, 2013:

Đọc bài thơ “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát, tôi cho đó là bài thơ hay nhất trong năm, thậm chí là lớn nhất. Thế là hội trường phải nín lặng chờ đợi tôi diễn.

 

Tại Hội nghị lí luận phê bình của Hội đồng LLPB VHNT Trung ương, 2014:

Bùi Giáng là nhà thơ ngoại khổ. Vậy mà không ít người, cả nhà thơ lẫn người làm lí luận phê bình đã sử dụng kĩ thuật lẫn tâm thái cũ bình luận và phê phán ông. Phải là nhà phê bình ngoại khổ mới có thể tiếp nhận và minh giải được nhà thơ ngoại khổ.

 

Buổi nói chuyện về Minh triết Cham tại Đại học KHXN&NV Hà Nội, 2015:

Việt Nam không biết học. Có, nhưng ta không học lớn. Tiếp nhận văn hóa Cham, người Việt học làm mắm, còn ba kĩ-nghệ thật lớn của Cham là: Nghệ thuật dệt tơ lụa, nghệ thuật đóng tàu viễn dương, và nhất là nghệ thuật kiến trúc tháp Chàm tổ tiên Việt đã bỏ qua.

 

Hội thảo về Thơ Đổi mới, Đại học Văn hóa 2016:

Thơ Đổi mới kết thúc khi Văn chương mạng xuất hiện. 15 năm trôi qua, Hội Nhà văn vẫn chưa làm nổi cái tổng kết. Nguyễn Việt Chiến là hiện tượng của nỗ lực cá nhân. Tiếc, công trình ấy dày thì có dày, đã thất bại. “Cách tân”, nhà thơ này vẫn chưa cho nó một định nghĩa rõ ràng. Thế nên từ chọn người, tuyển thơ, cho đến bình luận không tránh khỏi tùy tiện và tùy hứng.

 

Thuyết tại Đại học Fukushima Nhật Bản, 2019:

Tôi là nhà thơ mà tôi chuyên lo làm thơ, dù nổi tiếng cỡ nào tôi chỉ mua vui cho bộ phận người thiên hạ. Tôi là nhà nghiên cứu, dẫu xuất bản nhiều công trình lớn cỡ nào, tôi cũng chỉ là chuyên gia không hơn. Chỉ khi tôi ấy lăn xả vào đời, hiểu và lên tiếng về vấn đề cộng đồng, tiếng nói hắn được cộng đồng chờ đợi và tin cậy, hắn mới là trí thức.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *