Thế nào là nghiên cứu?-5. THUYẾT, CÓ NGHĨA LÀ ĐỐI MẶT VỚI CÁI MỚI, NÓNG

Tôi được mời tham luận, thuyết giảng nhiều nơi, nhiều lần. Ở đó, nếu không có gì để nói, tôi từ chối không luyến tiếc. Nhận, tôi luôn có cái mới; nếu là cũ, là cách đặt vấn đề mới, hướng gợi mở mới. Mươi năm qua các buổi diễn của tôi đều xoay quanh các chủ đề nóng, của hôm nay.

Về Cham: Người Cham đóng góp gì vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam? Đâu Hải sử và văn hóa biển Cham? Minh triết Cham, Giải ảo các huyền thoại, vân vân.

Văn học Việt Nam, là: Chúng ta nợ gì văn học miền Nam? Nhà văn Việt Nam né tránh hiện thực, tại sao? Văn học ngoại biên Việt Nam ở đâu? Về đâu, thơ Tân hình thức Việt?

Hôm nay, “Việt Nam chưa thể có nhà tiểu thuyết lớn, tại sao?” cũng là một cách.

 

Ở Đại học Okinawa, một sinh viên Hàn quốc hỏi: Nhà thơ đi diễn thuyết nhiều, xin hỏi các cuộc kia có giải quyết được vấn đề không? Tôi nói:

Buổi diễn thuyết nào bất kì không phải nơi để giải quyết vấn đề nào đó, mà cùng gợi mở cách đặt vấn đề mới, khác về đề tài chưa được giải quyết rốt ráo, hay vốn được xem là đã có giải pháp hiển nhiên không phải thắc mắc nữa.

Nói như Heidegger: Suy tư lại cái đã được suy tư. Thế nên, các buổi diễn của tôi không hề thuyết một chiều, mà dành nửa thời gian cho thuyết, nửa còn lại cho trao đổi, thảo luận, thậm chí tranh luận ngay trên diễn đàn.

Diễn thuyết thuộc “động”, trực tiếp tương tác; nghiên cứu thuộc “tĩnh”, gián tiếp đối thoại.

Tĩnh, nhưng nghiên cứu không phải không có sức nặng tự thân, nếu ta biết đẩy tới cùng. Và nhất là biết tỏ THÁI ĐỘ.

Nghiên cứu, để góp thêm một tư liệu mới, một ý kiến mới, hay khiêm tốn hơn – một “cuốn sách” mới. Tôi muốn hơn thế: Nghiên cứu khả tính làm thay đổi cách nhìn, về hướng mới, phía tiến bộ.

Ở bài trước, tôi cho bộ ba công trình Văn học Cham đã thay đổi cách nhìn của thế giới bên ngoài về một mảng lớn của văn hóa-văn minh Cham. Bởi non thế kỉ trước, nhận định của Paul Mus nhà dân tộc tộc danh giá, rằng “văn học Cham có thể chỉ tóm trong vài chục trang sách là cùng, nghĩa là chẳng có gì đáng nói cả” đã ảnh hưởng tiêu cực đến giới nghiên cứu về Cham. Tôi làm đảo lộn nhận định vô bằng đó.

Ở lĩnh vực khác, dấn vào nghiên cứu Hải sử và văn hóa biển Cham, hay Tôn giáo Ahiêr Awal, tôi muốn thế giới bên ngoài hiểu rõ, sâu và khác hơn về Cham, nhất là nhìn nhận đóng góp to lớn của Tinh thần tôn giáo đặc thù này cho thế giới.

 

[Thay đổi cách nhìn, giai đoạn qua, Talawas đã làm được với trí thức Việt Nam. Cùng thể cách, Tienve làm được với văn học. Hay ở phạm vi nhỏ hơn hơn, Evan ở thời kì đầu làm được với thơ trẻ trong nước. Cá nhân tôi, qua sáng tác, phê bình, diễn thuyết, và cả tranh luận, phần nào làm thay đổi cách nhìn của độc giả Việt về sáng tác hậu hiện đại]

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *