Tôn giáo Ahiêr Awal. Chuẩn bị cho LUẬN-4 & 5

Tôn giáo Ahiêr Awal. Chuẩn bị cho LUẬN-4. HỌC, VỀ HƯỚNG MỞ

 

Vào đời…

Tôi bạn vong niên với vài Cham ngoại hạng: Châu Văn Mỗ, nhà hoạt động xã hội nguyên thứ trưởng Bộ Phát triển Sắc tộc; nhạc sĩ Đàng Năng Quạ; trí thức lớn Nguyễn Văn Tỷ…

Tôi bạn thân của cả khối sinh linh Cham tài năng bạt mạng: Thính, Lệ, Ngạt, Cẩn, Cát, Thọ, Phăng, Tiến, Trăng, Ve, Thủ, và… Họ, ở những chặng đường cục bộ, đã là bạn đồng hành tôi đích thực. Dù sau đó, khi tôi đi xuống tầng cô đơn thứ bảy, tất cả họ rơi lại phía sau, để tôi cô độc với ngọn Xalatan cô liêu thổi từ tiền kiếp,

Tôi cha của mấy đứa con trai họ Tuệ [Inra] siêu cá biệt, siêu đến bố chúng ở tuổi hậu-lục thập vẫn chưa có nổi đất gối đầu, đến tôi thèm được mụn con gái còn quá bà bầu thuở trước thèm chua…

Tôi đánh bạn với vô số tâm hồn con người vô danh Cham, lặn sâu vào các miền thẳm của văn hóa dân tộc, vẫn còn là chưa đủ. Thâu thái mọi cái hay, đẹp gần gũi xung quanh, bạn cần MỞ. Về vùng đất khác, chân trời khác, khám phá thế giới khác.

 

Sau nghiên cứu văn học và ngôn ngữ Cham, tôi tập trung vào sáng tác. Viết, làm và in thơ, văn – tiếng Việt là chính. Tiếp, tôi viết tiểu luận và phê bình văn chương, nhấn về thơ tiếng Việt. Tiếng Việt, chứ không phải Việt Nam, nhấn về các sáng tác văn chương ngoại vi, trong đó có thơ của các bạn thơ Cham. Không dừng ở đó, tôi dấn vào tổ chức, thuyết trình, tranh luận – không chỉ về văn hóa xã hội Cham, mà là, và nhất là văn học Việt Nam.

Tôi gọi tất cả việc làm đó là “nhập cuộc về hướng mở”.

Đóng khung trong thế giới nhỏ bé Cham, mãi ru rú ao làng, ta chỉ nhìn thấy nhau mà không thấy ai khác. Ta muôn đời dòm liếc nhau, rồi cục cựa cắn xe nhau – thảm hại.

Học về hướng mở, học để mở. Bởi ta hiểu ta chưa đủ, ta cần hiểu Khác; khi ta hiểu Khác, ta mới mở lòng với những Khác the Others. Tâm ta rộng mở hơn, trí ta phong phú và sâu thẳm hơn, từ đó cuộc đời ta khả tính sáng tạo cao vời hơn.

 

Bài học 4.

Rời bỏ ruộng đồng quen thuộc, ngọn đồi thân thương

giong buồm vào hải đảo mù khơi bất trắc

người thủy thủ già không chở về mùa vàng thu hoạch

thấy bay lả trên cánh buồm khoảng nắng khoan dung

(Hành Hương Em, 1999)

 

 

Tôn giáo Ahiêr Awal. Chuẩn bị cho LUẬN-5. DẤN THÂN, VÀ YÊU MỆNH

 

Mở ra thế giới, thường thì công thành danh toại, lắm kẻ một đi không trở lại. Không ngoảnh trở lại dù chỉ một lần, cội nguồn, dân tộc. Tương tự, mở ra vũ trụ, các vị A-la-hán khi đắc đạo, đã tếch khỏi nỗi đời; khác hẳn với Bồ tát, quay trở lại bờ này, hành đạo cứu nhân độ thế…

Đó là hai thái độ muôn thuở của hai dạng người, từ trái đất có loài người biết suy nghĩ, biết tổ chức cho tận nhân loại biến khỏi hồng trần này.

Trở lại thái độ hai hiền nhân Trung Hoa cổ đại: Lão Đam và Khổng Khâu. Lão Tử đắc đạo, sau khi để lại cho đời Đạo đức kinh, đã thoát trần một gót. Đời không phiền ông, và ông cũng chả phiền đời. Ông được thế giới kính nhi viễn chi. Chấm hết.

Khổng Tử ngược lại, lê thân từ nước này qua nước nọ, soạn từ cuốn sách này sang tập sách kia, với mình thì “học nhi bất yếm”, với đời thì “hối nhân bất quyện”, vân vân. Ông [lúc ấy và cả hơn hai ngàn rưỡi năm sau này] bị đạn đồng thời được tôn vinh thế nào thì miễn nói.

 

Ở thế giới nhỏ bé Cham, Từ Công Phụng & Inrasara cũng hệt!

Sau khi đắc đạo nghệ thuật, như Lão Tử – nhạc sĩ họ Từ một đi không trở lại với Cham. [Ừ, thì có bạn trẻ chê rằng ích kỉ, chớ tôi: không. Tôi cho đó là một quan niệm, một chọn lựa.]

Dù chưa một lần nhận mình là Cham trên các diễn đàn và trước công luận, may – anh không chối Cham. Inrasara ngược lại, luôn vỗ ngực ta đây ở mỗi lần xuất hiện trước công chúng: “Tôi là Cham, nông dân thi sĩ Cham”, rồi mới thuyết.

Nhạc sĩ họ Từ chưa có một ca khúc tiếng mẹ đẻ, chưa nửa lần lên tiếng về vấn đề cộng đồng. Sara thì khác: Hai trường ca và cả trăm bài thơ tiếng mẹ đẻ. Sáng tác tiếng Việt của tôi, hơn nửa phần nội dung liên quan đến Cham, trực tiếp hoặc gián tiếp. Bên cạnh nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ, triết học và tôn giáo, hải sử và văn hóa biển Cham, tôi dấn thân và lên tiếng hoặc trực tiếp can thiệp về mọi mọi nỗi Cham.

 

Nhập cuộc chịu chơi thế, Cham được/ mất gì từ tôi, không biết.

Riêng tôi, đã nhận về bạt ngàn tiếng cảm ơn với vô số lời thị phi, bát ngát lời khen cùng bao la tiếng phê phán – phê phán đến cả từ phía thế hệ tuổi hàng con cháu tôi cũng không chừa. Ôi, nếu tôi CHỈ làm thơ thì dễ thương biết bao, đăng này… (xem, Inrasara: “Từ dễ thương đến dễ ghét, 2014).

Và hôm nay, khi tự mình mở “Chiến trường” LUẬN Tôn giáo Ahiêr Awal, mấy nỗi kia còn tăng đô theo cấp số cộng, là điều khó tránh. Tôi hiểu và chấp nhận. Hiểu mệnh và yêu mệnh. Vui vẻ nhận, cả hai, hiếm khi đáp trả. Phản hồi nếu có, chỉ là vài giải minh hay đính chính, không gì hơn không gì khác.

 

Bài học thứ 5. Hành đạo, và học biết chấp nhận.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *