Tinh thần Pangdurangga.2- PHÁ CÁCH, TỪ NGÔN NGỮ ĐẾN…

 

Hôm trước, qua “trao đổi”, một bạn FB Cham nói lời xin lỗi về vài hình dung từ hơi quá với tôi – karun! Sau đó vẫn quyết liệt, “về Akhar thrah, cháu sẽ tranh luận với cei tới cùng”. Đó là thái độ đáng quý! Nhưng với ai thì được, riêng Sara – không! Tại sao?

Nói như Lão Tử: Bởi ta không tranh [luận] với thế gian, thế nên thế gian không ai tranh nổi với ta. Có ai thấy tôi tranh luận NHƯ LÀ tranh luận với Cham bao giờ và ở bất kì đâu chưa? NHƯ LÀ tôi từng tranh luận với Việt về văn chương chữ nghĩa?

 

Tôi vừa viết ở LUẬN-2, xin tóm: HỌC GÌ? 3 thứ căn bản nhất:

Học, trước hết HỌC TƯ DUY. Pascal: Con người là cây sậy suy tư… Tiếc là nhà trường XHCN thiếu khuyết trầm trọng triết học. Có, nhưng là loại triết học Theo-ism. Xã hội VN hôm nay bệ rạc đến vô phương cứu chữa là hệ quả từ nền triết học Theo-ism phi nhân văn mụ mị ấy.

Thứ hai, con người tư duy qua và bằng ngôn ngữ, thế nên bộ môn cần học tiếp đến là NGHỆ THUẬT NGÔN TỪ. Cuối cùng, sống là sống trong tương giao, tôi luyện ngôn từ phụng sự cho TƯƠNG GIAO ấy: Cấp thấp nhất là nói chuyện, trao đổi giữa hai người hay một nhóm nhỏ người, cao hơn là khả năng thuyết trình, tranh luận trước đám đông, sâu hơn nữa là đối thoại với chính mình.

Khả năng thuyết trình và tranh luận đòi hỏi kiến thức rộng và sâu, chuyên ngành và liên ngành. Nghĩa là phải HỌC.

Hôm nay chúng ta lo “học kiến thức” [còn chưa đến nơi đến chốn nữa], mà bỏ quên “nghệ thuật ngôn từ”, nhất là “học tư duy”.

 

Về Akhar thrah, khi “chiến trường” này mở ra, tôi nói NO ngay từ đầu. Nếu có tạt qua nói, chỉ là nhân bàn chuyện lớn hơn. Nói là nói cho, nói vì, giải minh hay đính chính khía cạnh nào đó. Như…

4 chữ cái Ngưk, Nhưk, Nưk, Mưk tuyệt đối không tồn tại trong văn bản xưa [200 năm về trước]. Không tồn tại trong thực tế, cả nguyên tắc cấu trúc cũng không được phép. Các bằng chứng đưa ra không cần thiết, bởi đó là THẬT, đâu cần phải chứng minh.

Vậy tại sao 4 đứa Ngưk, Nhưk, Nưk, Mưk ấy có mặt trong Bảng chữ cái Tđ Aymonier (1906), rồi trong Tđ Moussay, và hầu hết các sách dạy tiếng Cham sau đó? Khi bập bẹ tiếng Cham đầu thập niên 1960, tôi cũng học trọn 4 đứa ấy?

Tại sao, xin tuần tự…

 

1627-1651, triều đại Pô Rômê, Akhar thrah ra đời.

Năm 1692, 5.000 gia đình Cham chạy loạn qua Cambodia. Đó là cuộc di cư lớn nhất kéo theo hàng loạt trận chạy khác. Đi, họ mang theo mình văn bản Akhar thrah.

Phú Yên mất, Champa còn lại chủ yếu là Pangdurangga. Akhar thrah phát triển sau đó chính là Akhar thrah theo tiếng nói của Cham Pangdurangga.

Dù Akhar thrah trong Kinh Agal, Sử thi Akayet, Tư liệu Hoàng gia vẫn còn giữ truyền thống cũ. Thế nhưng, sự phát triển tiếng nói của Cham Pangdurangga buộc ông bà Cham làm cuộc THAY ĐỔI.

Thay đổi này chắc chắn diễn ra thời gian dài trong thế kỉ XIX, để cuối thế kỉ Aymonier định vị chúng trong Từ điển. Ở đó trong Bảng chữ cái của Cham Pangdurangga lẫn Cham Cambodia [họ tuyệt đại bộ phận là HẬU DUỆ Cham Pangdurangga] có Ngưk, Nhưk, Nưk, Mưk.

 

Mà thay đổi đâu chỉ A/Ư, còn có cả A/U, I/A, vân vân. Cụ thể:

Chữ cái G, Tđ Aymonier (1906) GA: 126 từ – GI: 06 từ; Tđ Moussay (1971) GA: 82 từ – GI: 17 từ. Chữ cái L, Tđ Aymonier (1906) LA: 208 từ – LI: 95 từ; Tđ Moussay (1971) LA: 94 từ – LI: 112 từ. Chữ cái M, Tđ Aymonier (1906) MA: 56 từ – MƯ: 365 từ; Tđ Moussay (1971) MA: 05 từ – MƯ: 170 từ.

Như vậy, âm chính A biến thành âm chính I, Ư có xu hướng tăng vọt ở ngôn ngữ cộng đồng Cham Pangdurangga.

Rồi sau đó, cho dù Ngưk, Nhưk, Nưk, Mưk chiếm vị thế ưu tiên, dẫu sao Ngak, Nhak, Nak, Mak không phải là mất hết dấu vết. Nó vẫn tồn tại lác đác trong các văn bản chép sau này.

 

Vì THỰC TẾ ngôn ngữ đã diễn ra, thế nên cả 2 ông Tây và ông bà Cham xưa mới BUỘC PHẢI làm như thế để đáp ứng nhu cầu thiết thực, chứ họ không tranh ăn thua đủ với ai ở đó cả!

Tôi cũng đã chứng minh ở “Tinh thần Pangdurangga trong sáng tạo ngôn ngữ”, đó chính là Ý CHÍ LÀM KHÁC, hay PHÁ CÁCH cực ngang bướng. Rằng khi bạn viết A tôi biến thành I, Ư, còn bạn I hay U tôi biến chúng thành A, vân vân. Mà đâu chỉ có mỗi Akhar thrah! (xem chú thích về Haumkar.)

Đó chính là tinh thần Pangdurangga.

 

_____

Ghi chú

– Cham Thái Lan không còn nói tiếng Cham nữa, nói chi dùng Akhar thrah. Và nhiều Cham khác cũng thế, hay nguy cơ như thế… Theo P. Dharma, nhiều từ của Cham Hải Nam không thuộc ngữ hệ chung Nam Đảo, mà chung với Cham Việt Nam, do đó ông kết luận bộ phận Cham này không phải người bản địa Trung Quốc mà từ Việt Nam sang.

– Biểu tượng HAUMKAR bị/ được Cham phá cách ác liệt, đến Ấn Độ có qua Cham cũng không còn nhận ra bóng dáng hậu duệ của mình trong đó nữa là (xem Inrasara, Minh Triết Cham, 2016). Từ tượng chữ và tượng âm của Ấn Độ sang TƯỢNG HÌNH & TƯỢNG SỐ của Cham là cuộc cách mạng về nhận thức.

 

Comment:

Cần phân biệt rõ giữa Nghiên cứu Akhar thrah và Sử dụng Akhar thrah.

Ví dụ văn bản Kinh thánh A.J. Bible hay văn bản thơ Shakespeare và văn bản thơ Th. Stearns Eliot giữa thế kỉ XX, cũng là văn bản tiếng Anh, dù ở đó tồn tại 2 thứ tiếng Anh có những khác biệt nhất định. Nhưng lẽ nào hôm nay chính phủ Hoàng gia Anh buộc trẻ con Anh học tiếng Anh cuối thời kì cân đại ấy?

Cũng hệt, Cham hiện nay DẠY, HỌC & DÙNG Akhar thrah hiện đại [100 trở lại], chứ không thể là tiếng/ chữ Akhar thrah cận đại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *