CHÚNG TA BỎ LỠ CƠ HỘI NHƯ THẾ NÀO?

Chuyện 4 sinh linh thân&thương của tôi: A. Đạm & a. Bộ, yut Trà & yut B. Ôi, nếu họ nghe tôi – chỉ một lần thôi, thì nơi mênh mông đất Sài Gòn này, tôi đã có hai người bạn tài năng; và ở quê nhà, tôi có được hai ông anh làm chốn nương náu linh hồn lạc loài. Và định mệnh họ có khi cũng khác đi…

*
Tôi hiếm khi giúp đám cưới [& đám mừng] các loại, dù là của anh em gần gũi. Giúp nhiều, họ tiêu nhiều, tiêu nhiều cộng hưởng đẩy cộng đồng tán gia bại sản. Đó là hiện tượng của Cham hôm nay. Rất, rất nhiều người đau, túng, rối mà không cách nào thoát được.
Tôi GIÚP CƠ HỘI. Và đã giúp khối cơ hội cho bộn người…

1. A. Đạm & a. Bộ.
Sông Pha với khoảng 300ha đất nông trường giải thể, ông Quản lí tính đường về Bắc, muốn nhường lại cho bạn là Đại tá hưu, kẹt là Đại tá thiếu vốn để tiếp quản.
Anh họ Hàm Bộ chơi thân Đại tá, kéo vị này đến tôi lúc đó đang thủ Quán Cà-phê Haly’s ăn nên làm ra. Tôi sắp vào Đại học làm việc, mới mang chuyện bàn với ô anh ruột Phú Đạm đang thất nghiệp.
– Anh lên đó thủ đi: Phân thuốc, xăng dầu anh độc quyền khai thác. Cạnh đó, em sắm cho cái xe tải trung chuyển nhu yếu phẩm lên xuống. Một năm thôi hai anh đủ giàu. 5 năm thì giàu khẩm, nhường nó lại cho Đại tá…
Cơ hội ngàn năm có một ấy ông anh không nắm lấy, lại đi tranh cử “trưởng thôn”, và… nghèo hoàn nghèo. Định mệnh xui anh [bệnh hiểm], trước đó là a. Bộ [tai nạn nghề nghiệp: chích bò] đi theo ông bà sớm, bỏ tôi cô đơn. Buồn không!

2. Chuyện yut Trà Vigia, đã kể nhưng chưa phân tích khía cạnh cơ hội.
Yut năng khiếu âm nhạc, thích học nhạc. Sáng tác ca khúc cho Cham, sau Amư Nhân là khoảng trắng. Từ Thái Lan về, tôi tạo cơ hội, nếu yut biết nắm lấy nó thì yut đã khác, rất khác rồi. Nhưng không…
Chuyện ở Đài Tiếng nói Việt Nam cũng hệt. Tôi mở cơ hội, Đài tạo điều kiện ngon lành. Dĩ nhiên có cơ quan nào “trúng ý” ta hết đâu, vậy mà chưa đầy năm yut đã chán, rồi bỏ [hay xin] về. Các nỗi không trúng ý ấy Trà có kể cho tôi, tôi nói:
– Nếu chuyện yut kể là thật thì nhằm nhò gì, vượt qua dễ như ăn ớt. Yut thấy, làm Từ điển ở Đại học với mình có thú gì đâu, rồi thì cả đống vạn “trái ý” diễn ra ở đó, Sara còn chịu được, sao yut lại không. Nó chỉ là nền cho bạn phóng về hướng khác.
6 năm ở Đại học, Sara luyện công để làm nhà văn – một nhà văn rất được. Còn yut, nếu chịu trụ ở Đài 3 năm, coi nó như là đất tạm dung để nhắm vào âm nhạc, yut thành nhạc sĩ lớn dễ hơn cầm tay điếu Jet kia…
Thế nhưng, người tính Bà Trời định…

3. Chuyện yut B [xin ẩn danh]
Yut B có nhiều biệt tài. Khi dân Chakleng còn thắt lưng buộc bụng đưa từng sợi tơ qua lại làm nên tấm thổ cẩm khốn khổ, thì yut đã cải tiến kĩ thuật dệt cho thao tác nhẹ nhõm hơn, nhất là hàng hóa tăng năng suất gấp 7 lần. Tôi nói:
– Hàng đẹp và nhiều kia em mang đâu tiêu thụ? Vài ba chị em gùi nó lên Churu có kịp hôn? Trụ là chị họ, sao không thể kết hợp: Người làm tốt nhất + Kẻ bán giỏi nhất = Cả hai Giàu là khó tránh.
Yut không nghe, để rồi không bao lâu hàng tồn chất đống, và dẹp tiệm.

Cũng là yut, bác sĩ giỏi, đang bó thân về với triều đình bệnh viện Huyện.
Bác sĩ D tiếng Sài Gòn. Hành nghề thầy thuốc lại mê thơ, mê đúng thơ cái ông Sara lúc ấy còn vô danh [chính anh hỗ trợ tôi in tập đầu tay Tháp Nắng]. Anh có phòng khám tư khách vào ra nườm nượp, bởi tội mê thơ, anh làm 2 tiếng là chuồn, trong khi bệnh nhân còn xếp hàng. Tôi nói:
– Sara có thằng em tay nghề rất oách, anh cho hắn ngồi ké phần tiếp vĩ ngữ đi. Anh vừa tránh tiếng “bỏ bệnh nhân”, vừa giúp thằng em lên đời…
Anh “yes”, vậy mà thằng em lại “no”: Đợi 3-4 năm nữa, anh Trạm à, – hắn nói.
Hãy nhớ, nếu chớp cơ hội ấy, B sẽ là bác sĩ Cham đầu tiên hành nghề ở Sài Gòn.

Cơ hội ít, cơ hội đẹp càng ít nữa. Nó ghé thăm ta 1-2 lần rồi đi, và khi đã đội nón ra đi là bái bai vĩnh viễn cái sinh linh muôn đời chần chừ và trì hoãn đó…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *