Inrasara: Làm thế nào để cắt đuôi khuyết tật hội thảo?

Đã đăng báo Nhân Dân chủ nhật, 4-11-2012

Một tác phẩm, một tác giả, một trào lưu văn học nào bất kì đều xứng đáng nhận được sự quan tâm của dư luận, khi nó có ‘tính vấn đề’. Sự quan tâm có thể là một cuộc Hội thảo khoa học, Bàn tròn Văn học hay Cà phê Sách vân vân… Đó là sinh hoạt rất cần thiết trong môi trường xã hội mở.

Ngoảnh lại hội thảo hay bàn tròn văn học thời gian gần đây, ta thấy chúng để quá nhiều dư âm buồn. Hội thảo có hội mà không thảo. Tuần tự, các đại biểu được mời lên bục, cắm cúi đọc, xong, chậm rãi bước xuống rồi người khác đủng đỉnh đi lên. Cứ vậy cho đến hết buổi. Như thế, thà gửi kỉ yếu cho đại biểu ở nhà đọc còn hơn. Vừa đỡ tốn tiền cả đỡ mất thời giờ. Không hiếm hội thảo lạc đề. Do sự cả nể của ban tổ chức, nhất là bởi người chủ trì thiếu khả năng điều hành hội thảo chuyên đề.

Đó là chuyện hội thảo “khoa học”, còn Cà phê Văn học thì rất… nghiệp dư. Nghiệp dư nên lan man. Vui là chính. Năm ngoái, Cà phê Sách ở một thành phố lớn giới thiệu một tập thơ của tác giả uy tín. Phòng ốc sang trọng, không khí lịch sự, ấm cúng không bù nổi sự chưa bài bản về cách thức điều hành. MC thuyết về tập thơ mất 20 phút, trong lúc nhiệm vụ của người dẫn chương trình chỉ cần gói gọn trong ba từ: gợi mở và gợi hứng và cắt, khi cần thiết. Tiếp sang tiết mục nhà thơ nói về thơ mình cũng chiếm mất chừng ấy thời gian. Nói, không phải về hệ mĩ học sáng tạo mà là, chính các bài thơ: Xuất xứ với đại ý, hoàn cảnh ra đời, tâm trạng khi sáng tác. Rất… vui! Rồi thì ý kiến phát biểu của các vị khách cũng đầy tính sắp đặt: MC chỉ định những người uy tín về văn chương, trong lúc đa số người trẻ và khách thính yêu văn chương (chính họ là độc giả chủ yếu) bị lãng quên. Nếu ban tổ chức xén bớt đi thời gian để dành cho các độc giả nhiệt tình kia, buổi ra mắt sách chắc chắn thành công mĩ mãn.

 

Người ta vẫn có thể làm hội thảo hay về tác phẩm trung bình. Bàn tròn Văn chương năm 2007-2008 đã làm được như thế. Có bạn đọc hỏi: Thơ CD, NTH có cái gì mà Hội Nhà văn Việt Nam làm hội thảo? Tôi trả lời: BTVC không mở ra để ca tụng hay PR cho tác giả hay tác phẩm nào đó, mà là bàn về chính nó. Lắm lúc BTVC bàn về tác phẩm của một tác giả mà không cần thiết có mặt tác giả ở đó. Còn nếu đó là tác phẩm trung bình, BTVC sẽ bàn về cái trung bình đó, xem nó trung bình như thế nào, trung bình so với ai, tại sao nó trung bình, và cuối cùng làm sao cắt đuôi cái trung bình đó.

Điều quan trọng không kém là, mỗi kì BTVC, chúng tôi chỉ nhận của Hội Nhà văn Việt Nam đúng 300.000 đồng, vừa đủ để thuê văn phòng Hội Nhà văn TPHCM với mỗi thành viên tham dự một li trà đá. Vậy mà nó được dư luận [và cả ở Ban Chấp hành Hội Nhà văn] đánh giá là “hấp dẫn và rất chuyên nghiệp”.

 

Làm sao cắt đuôi được sự vô bổ của hội thảo các loại?

Năm 2011, tôi được mời ra Hà Nội làm 3 kì BTVC. Tại đó, tôi đưa ra Quy ước 3 KHÔNG:

Không ‘đọc’ tham luận. Bạn chỉ có thể ‘nói’ tham luận trong 5 phút, dành 15 phút cho thảo luận. Điều này hơi khó, nhưng mọi người vẫn chấp nhận được. Riêng một nhà văn đã “xin chủ trì cho phép tôi được đọc”. – Vâng, bạn đọc. Mất 12 phút, tôi nói: – Bàn tròn là nơi gặp gỡ để tương tác và đối thoại, chứ không độc thoại; bạn muốn độc thoại, vậy hội thảo tạm cho qua, không thảo luận về tham luận này.

Không ngoài lề và lạc đề. Mọi người ừ, vâng. Nhưng thế nào rồi cũng có vị lạc đề và nhất là ngoài lề. Tôi quen anh này ở đâu, tôi đã rất cảm kích về nỗ lực không mệt mỏi của anh, tôi cho rằng đây là tài năng cần tạo điều kiện giúp đỡ, vân vân… Không thấy đâu tác giả tác phẩm mà chỉ toàn câu chuyên cà kê nhảm nhí. Thế là: cắt.

Không khen không chê. Đây là quy ước khó thực hiện nhất. Bởi không khen không chê thì làm gì? Có vài cánh tay thắc mắc đưa lên. Tôi nói: – Bạn hãy định tính, định danh và đưa ra dẫn chứng cụ thể để thuyết phục người nghe chấp nhận lập luận của bạn.

Vậy mà ở đó, riêng tiết mục này, không ít người đã phạm quy!

 

Tóm lại, hiện tượng văn học nào bất kì tồn tại đều có lí do chính đáng của nó. Trào lưu hậu hiện đại, thơ tân hình thức, văn chương nữ quyền, văn chương mạng, thơ trình diễn… đều có thể làm hội thảo. Không phải vì thành tựu của chúng, mà là ở tính vấn đề chúng gợi ra. Lâu nay chúng ta ưa nói: Thơ Việt có mặt bằng mà chưa có đỉnh cao. Giữa mặt bằng và đỉnh cao ấy, biết đâu tính vấn đề của “mặt bằng” đáng được chọn để làm hội thảo hơn là “đỉnh cao”. Vân vân… Văn học Việt Nam hôm nay đang ứ đọng khối ‘vấn đề’, cho nên việc tổ chức hội thảo để mổ xẻ con bệnh có khi còn quan trọng hơn đánh giá để ghi nhận một thành tựu. Miễn sao chúng ta dám làm và biết làm…

Điều cốt yếu là hội thảo được đặt tên như thế nào? Ta thảo luận nó ra sao? Và cuối cùng, cơ quan hay ban tổ chức rút ra được bài học gì từ hội thảo đó cho đời sống văn học?

 

3 thoughts on “Inrasara: Làm thế nào để cắt đuôi khuyết tật hội thảo?

  1. Bài này tưởng đơn giản nhưng quan trọng vô cùng. Anh Inrasara luôn có ý nghĩ mạnh bạo. Tôi thấy anh có 3 đóng góp quan trọng cho văn học Việt Nam:
    – Thay đổi cách xét kết nạp Hội viên, là rất quan trọng. Nhiều người biết ơn anh về vụ này.
    – Thay đổi cách tổ chức hội thảo và bàn tròn văn học.
    – Phê bình để giới thiệu các tác giả ngoài lề: gồm nhà thơ dân tộc thiểu số, Việt kiều, nhà thơ vùng sâu vùng xa, nhà văn in ngoài lề…
    Đó là 3 điều đáng giá nhất anh làm được, theo tôi – 3 điều ít có ai trong hội nhà văn làm được trước đó.

  2. Không ‘đọc’ tham luận. Bạn chỉ có thể ‘nói’ tham luận trong 5 phút, dành 15 phút cho thảo luận.
    Rất đồng ý với anh Sara, khổ nhất là đi dự hội thảo, mỗi người đã được phát cho 1 tập kỷ yếu rồi, lại phải ngồi nghe người ta đọc lại nó, rất mất thời gian (chẳng khác gì ..hát nhép) đến thời gian thảo luận lại…hết thời gian. Vấn nạn hội thảo…

  3. Hay lắm! Hoan hô ông Inrasara!!! Sáng kiến tuyệt vời! Sau sáng kiến đó ông còn làm được rất tuyệt chiêu. Muốn ca tụng ông ngất trời luôn đó.
    Cắt đuối khuyết tật hội thảo…
    Cắt đuôi hậu tố thơ nữ…
    Cắt đuôi lối làm ăn mù mờ của HỘI NHÀ VĂN lâu nay…
    Ông làm được tất. Xin hỏi ông Inrasara một miếng: Bao giờ ông cắt đuôi được cái vụ cãi vả ỏm tỏi đáng xấu hổ của mấy ông trí thức Chăm? Ông làm được sao ông không làm? Việt Nam bát ngát thế mà ông còn không ngán, ông còn làm được. Vậy mà Chăm…
    (Mấy bạn Chăm chớ nói tôi xỏ xiên nhé, tôi nói là trách nhiệm đó)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *