CHỈNH LỖI BÁO CHÍ NHƯ THẾ NÀO?

Tranh luận để giải tán ý kiến cá nhân [như phát ngôn tiêu cực về đốt nhang trong tháp vừa qua] thì dễ, vì nó chỉ liên can đến một cá nhân; còn đấu tranh buộc báo nhận lỗi, sửa sai, đính chính hay rút bài mới nhiều lần khó hơn.
Hi vọng thay đổi cả cơ chế báo chí hiện tại là không thể rồi, riêng chỉnh lỗi mang tính đơn lẻ, ta vẫn làm được. Thử nêu 3 kinh nghiệm cũ giúp các bạn trẻ có vài bài học nho nhỏ.

1. Tháng 10-2012, vụ nhà báo Mai Minh có cuộc phỏng vấn tưởng tượng với tôi thành bài “Huyền bí Tết Katê của người Chăm: Inrasara đã phát ngôn như thế?” với các sai lầm tai hại. Sau vài lần thư qua lại, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội đã: – nhận thấy lỗi, – cho gỡ bài, và – “cảm ơn ông đã phát hiện những sai sót”.

2. Năm 2014, một bạn Việt tập hợp nhóm múa nhạc trẻ Cham ở Sài Gòn, tập dượt rồi mở show hoàng tráng để “chào hàng”. Tờ quảng cáo có ghi: “Inrasara: cố vấn văn hóa”. Cụm từ này được dùng lại đăng ở bài báo trên Phụ nữ TP hôm sau.
Tôi hỏi bạn ấy: tại sao làm thế? Bạn nói: để báo chí biết đến chú. Tôi nói: mình không hiểu bạn nói gì! (bạn này nghĩ tôi vô danh, nên giúp chú Inrasara nổi lên).
Lần hai, tôi yêu cầu bạn ấy làm “đính chính báo chí”, bạn ấy tiếp tục [ra vẻ dọa tôi]: “làm thế chú sẽ bị thiệt”. Tôi nói: mình càng không hiểu bạn nói gì!
Quá tam ba bận, tôi forward 2 email kia đến tòa soạn. Đến lúc đó, bạn ấy mới biết thân biết phận. Và đính chính, nhận lỗi diễn ra sau đó…

3. Trước nữa, năm 2005, tin về giải ASEAN loan ra, một bạn thơ gặp tôi nói chuyện và muốn đưa tin. Tôi ngăn: thôi, đi về hẳn tính. Sáng hôm sau, bạn ấy nhắn tin cho tôi đọc tin vui ở báo Thanh niên. Tôi đọc: thôi, tiêu rồi. Một góc báo mà sai đến 3 lỗi. Tôi reply: Bạn sai đến 3 lỗi đó, thế thôi. Từ Bangkok về, một bạn thơ khác kể với tôi: “hắn ta la anh là mình viết về ông ta rồi mà ông ta còn trách mình nữa”.
Tôi email: “Bạn suy nghĩ câu này nhé: thằng em viết sai về ông anh, ông anh nó phải xin lỗi đến 3 người, vậy mà thằng em không biết lỗi mình, là sao?”. Bạn thơ này vẫn không chịu. Tôi đe: mình sẽ yêu cầu báo đính chính đó. Đến lúc này, bạn thơ yêu mến mới biết đến văn hóa sợ. Vậy là… xin lỗi. Tôi nói: không, bạn phải email lời xin lỗi cơ.
Và tôi forward cái “văn bản” [tang chứng] đó đến 3 vị trên. Hết!

KẾT. Chỉ quyết liệt thế mới hiệu quả. Quyết liệt và tới bến. Nhưng chỉ khi không xúc phạm cá nhân, đối tượng mới tâm phục khẩu phục.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *