Hành trình chữ nghĩa của tôi, Trà Vigia là anh em và là bạn, Nguyễn Văn Tỷ là thầy cùng là bạn vong niên; không lạ, khi tôi dành cho họ sự “ưu ái” đặc biệt.
Nguyễn Văn Tỷ: 1 bài giới thiệu sách, 1 bài viết dài [trong Urang Cham], một bài giải minh (“Nói giùm cho thầy Tỷ”), và bài “sơ kết” kỉ niệm năm sinh thứ 85. Trà Vigia: 2 bài thơ, 2 bài điểm sách và loạt bài “nổi trôi”.
Cả hai đáng được như thế. Xã hội Cham hiện đại, thầy Tỷ và Trà là hai khuôn mặt sáng giá, mỗi người mỗi vẻ, có ảnh hưởng đến cộng đồng. Và, khi họ đã kết toán sổ đời [Trà: mất; thầy Tỷ: hưu toàn phần], thì nhà phê bình làm cuộc “ngoảnh lại” là cần thiết.
1.
Sau bài về thầy Tỷ và Trà, ý kiến phản hồi qua các kênh khác nhau. Vì lí do tế nhị, nhiều ý kiến không hiện lên mặt chữ. Tôi đã đáp ứng đủ đầy, nay xin tóm.
NGUYỄN VĂN TỶ (đa phần là đồng thuận). Đối thoại qua còm:
– Ông Tỷ có làm gì lớn lối đâu mà ca nhau thế!
– Tôi nêu 6+1 vụ việc ông đấu tranh, toàn các vụ cộm trong cộng đồng Cham, rất cụ thể. Điều đáng bàn là, nó có sai sự thật không.
– Để độc giả hay người ngoài ca, sao mình lại khen ngợi nhau?
– Sara cũng là độc giả, sao tước mất của tôi quyền nhận định về người của công chúng [Cham]? Và tại sao Cham chỉ biết chê bai, chưởi bới nhau mà không thể khen ngợi, ca tụng nhau?
Im lặng.
TRÀ VIGIA (2 ý kiến trái chiều)
– Sáng tác chưa nhiều, đa phần tác phẩm ấy không đến được với độc giả;
– Trà chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu;
– Trà dũng cảm có thừa, lập luận thông minh không thiếu, nhưng do ít sâu sát cộng đồng, nên nhiều vụ việc Trà không biết để mà lên tiếng.
[Khác với Sara phản biện nhiều và đa dạng hơn: Tổ chức, lên tiếng trên các báo, tranh luận trên diễn đàn, trực tiếp gặp bà con lẫn với tổ chức liên quan hay cơ quan chính quyền].
Sara trả lời: Cả 3 “phản biện” trên đã có câu trả lời ngay trong loạt bài về Trà, cùng 2 bài điểm văn, thơ của Trà trước đó. Bạn đọc kĩ lại đi.
2.
Thầy Tỷ và Trà giống nhau ở CHẤT LỬA, nhưng khác nhau như mặt trăng mặt trời.
Thầy Tỷ THẲNG THẮN gần như tuyệt đối với tất cả. Thẳng như… Tây, nên theo quan sát của tôi, thầy rất ít bạn là bởi thế.
Trà chịu chơi chịu ngồi chịu uống chịu chiều [ngược hẳn thầy Tỷ] nên rất được lòng cánh trẻ; trong khi tính cách và văn phong yut lại tạo dị ứng với người cùng thế hệ, hay thế hệ lớn tuổi.
Nhìn tổng thể là vậy.
Sara khác hai “bạn” trên, hay nằm giữa 2 cực, nếu có thể nói thế. Ý niệm của Khổng Tử được tôi vận dụng xuyên suốt:
– Với “bạn” [cùng trang lứa cả Cham lẫn Việt, và thế hệ sau], tôi lấy TÍN mà xử. Nói theo chữ hiện đại: sự tin cậy. Tôi không việc gì phải phát ngôn hay hành xử lấy lòng họ cả, mà là làm sao cho họ TIN, và CẬY được. Còn ai yêu ghét mình thế nào, kệ.
– Với người già, tôi lấy sự AN VUI mà sống với.
– Riêng chức sắc Cham, tôi tuyệt đối không phê phán, mà tìm cách TIẾP CẬN [mãi hôm nay chưa xong phần “tiếp cận” này].
- 3. Kết
NGUYỄN VĂN TỶ
Chỉ có ông đứng khóc/ Dũng cảm và cô đôc [như] một kì quan!
(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)
… đó là một kì quan khiêm nhường ở cộng đồng nhỏ bé trong khoảng mênh mông trời đất và giữa lòng sâu thẳm nhân gian.
TRÀ VIGIA
Anh/ đến và đi/ chiếc ghế trống bỏ lại
(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)
“Cei Trà không có tác phẩm để đời hay cái gì đó vĩ đại, nhưng Chăm cần một hình ảnh, khuôn mặt tiểu biểu (không dám nói là thần tượng), nên cei Sara xây dựng một Trà như thế không quá đáng lắm. Rất OK”.
Tạm lấy nguyên văn nhận định của một trí thức “trẻ” làm cái kết về Trà.
INRASARA thì sao?
Tạm trích đoạn bài thơ “Chuyện tôi” (in trong Chuyện 40 năm…, 2006), từng nhận Tặng thưởng “chùm thơ hay” trong tháng của Tienve.org (Úc).
Tôi đang làm gì là gì
nhà thơ nhà nghiên cứu nhà kinh
doanh hay miếng giẻ rách. Kiếp trước
chắc chắn tôi là chim kiếp sau
làm loài ếch có lẽ kêu ồm
ộp ngoài mưa…
Kajap karô & Thug siam!
Chakleng, 13-3-2019