Chữ & Nghĩa 23. HIỂU THÌ CÀNG YÊU HƠN

Bên kia cõi lặng

tiếng lướt đi của bàn chân

hắt hơi của loài côn trùng tiền sử

nín thở của nhà sư  ẩn  tu

cánh tay vãi gieo vào vô hình

xào xạc của gạch nung triều đại cũ

bốc mùi của đất mục

cạ lên trang giấy của câu thơ chưa viết

gầm của biển chết

lửa vỡ vào thành đêm

vạc 300 tuổi thọ thình lình kêu xé không gian

khóc vừa hạ sinh một giọng nói

 

Niềm vui bất ngờ vang lên trong lễ hội

Cái cuối cùng có thể cứu vớt chúng ta:

TIẾNG HÁT.

(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

 

Câu chuyện

“Hành vi, cử chỉ, cuộc đời Dhan Than vừa làm xa lạ đồng thời lôi cuốn và gây cho tôi nỗi hứng thú đau đớn.

Không một ai hiểu ông. Có lẽ ông cũng không cần ai hiểu mình, chia sẻ cái mình sở đắc hay tin tưởng. Khi hành vi, lối xử sự của ông bị thế hệ đàn anh những năm sáu mươi đưa lên sân khấu nhà quê bỡn cợt (sự vụ gây cho mẹ tôi không ít tủi hổ) hay khi Cao Xuân Hoang tự tuyên đồ đệ chân truyền của ông qua khoa xem gò bàn tay hướng nghiệp, họ cũng không tí ti nào hiểu ông. Cả khi vào mùa xuân năm 1979 ông bỏ ra miền Trung trôi giạt ăn xin cho đến khi thân tàn ma dại trở về tháng 11 năm 1984 để chết vào cuối năm đó, cũng không một ai hiểu ông. Chắc chắn đây là hiện tượng siêu cá biệt trong xã hội Chăm. Mẹ, các dì tôi đã khóc và tức tốc chạy tiền xe giục ba ông anh họ tôi lục tìm ông khắp mọi xó xỉnh mấy tỉnh thành đến khi bắt gặp và cho ông biết ý định thì bị ông cầm roi mây dài đến bảy sải đuổi chạy thấy ông bà.

Ăn mày! Đấy là khái niệm gây kinh hoàng, nghĩ tới thôi cũng đủ khiến chế độ mẫu hệ Chăm tái mặt chứ đừng nói làm. Mà ông lại là Thầy pháp cao đạo của một dòng họ lớn nhất làng. Tại sao? Quần chúng Chakleng đã không tự hỏi mà vội quy kết. Chăm không còn khả năng cảm thông nhau”.

Những năm Trung học ở Phan Rang, khi học biết qua triết lí Yoga, tôi mới lờ mờ hiểu ông. Đến tuổi mười tám, tôi dám chắc là đã hiểu đúng như ông là. Tôi dần nể trọng đứa con bị hất hủi này. Khi bỏ Đại học về quê, tôi nhờ ông bày cho vài thế võ Chăm. Nhưng cả tôi cũng không chịu nổi tính khí ông. Ông bỏ làng ra đi. Môn võ Chăm thất truyền, vĩnh viễn. Ông mất sau thời gian dài đi hoang. Va li sách tiêu biến. Hay ông hủy nó? Tôi hỏi chú Chương chồng dì Bề, nơi dung dưỡng ông những ngày cuối đời, không ai biết.

Tôi hiểu hành vi ông biểu hiện lối hành đạo quái dị. Ông được bí truyền từ người cha. Là môn đệ trung thành của Yoga thực hành sai phương pháp, bị tẩu hỏa nhập ma. Đây là nhà Yogi Chăm cuối cùng, có lẽ. Hiểu ông, tôi quý và yêu ông hơn. Thời xa xưa, ông được phong thánh nữa không chừng.

(Chân dung Cát, 2006)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *