[trích]
Nguyễn Ái Kỳ: Các lĩnh vực văn hóa Cham nào ông đánh giá là có thể tiếp cận với giới trẻ hiện đại?
Inrasara: Dĩ nhiên, đó phải là ca-múa-nhạc. Văn hóa đương đại chủ ở nghe nhìn. Nhìn và nghe ở thế động. Bởi tuổi trẻ hiếu động, do đó thể loại ca-múa-nhạc Cham nếu biết khai thác, phát triển và truyền tải đúng mức, nó có sức hấp dẫn lớn.
Nhạc chẳng hạn, Cham là dân tộc của lễ hội. Lễ cả dân tộc, lễ thuộc khu vực, lễ tôn giáo, lễ dòng họ cho đến lễ gia đình. Có lễ hội là có múa. Có thể kể vài điệu múa tiêu biểu: Biyen, Tiaung (bắt chước dáng con công, trĩ), Patra (hoàng tử), Wah gaiy (chèo ghe), Mưmơng, Mrai…
Các điệu múa luôn là tâm điểm và là “tiết mục” được trông chờ nhất trong lễ hội. Các hồi trống Ginơng thu hút sự chú ý của mọi người về phía người nghệ sĩ múa. Tiếp sau đó là tiếng Xaranai, Baranưng cùng lời của Ong Mưdwơn hát các bài tụng ca tương ứng. Vũ công bước ra trình diễn: phẩy tay, phất quạt, quất roi hay lối chuyển gót chân khi khoan thai nhẹ nhàng khi thì hùng hồn mạnh mẽ theo nhịp khi nhanh khi chậm của tiếng nhạc. Người xem như bị cuốn hút theo từng động tác của người nghệ sĩ. Rồi cả tiếng khán thính giả bị kích động bởi tiếng nhạc, điệu múa mà hô vang… “ahei” (dô hò) cổ vũ.