Inrasara: THƠ ĐỒNG CHUÔNG TỬ LẦN NỮA DỪNG Ở ‘CHUNG KHẢO’

Nhớ năm 2009, tập thơ Mùi thơm của sự im lặng của Đồng Chuông Tử và Những giấc mơ đa chiều của Tuệ Nguyên là hai trong năm tập thơ được chọn vào chung khảo Giải thưởng Thơ Bách Việt. Lạ, hai tác giả là người Cham Bình Thuận và Ninh Thuận. Nhà thơ Ý Nhi người xét chung khảo phát biểu đại ý, khi chọn tác phẩm, chúng tôi hoàn toàn không biết hai tác giả trẻ này là Cham; biết ra chúng tôi mới thật sự ngỡ ngàng.

Nếu thơ Tuệ Nguyên là thứ thơ với ngôn ngữ thô tháp, trần trụi thì Đồng Chuông Tử là chênh vênh, đứt quãng khó nắm bắt ở đó tứ thơ luôn cư trú ở đường biên được và mất, có và không, hụt hẫng và thất thố. Nên không lạ, cả hai khi chịu “chơi” thì họ chỉ có thể lết đến cửa chung khảo, và không thể hơn. Bỏ thì tiếc, cho giải cao lại không đặng, Bởi Ban tổ chức khó lí giải khi bị độc giả bắt bẻ!

1. Lần này cũng hệt. Tham gia cuộc thi thơ 2017 – 2018 của tạp chí Nhà văn và Tác phẩm của Hội Nhà văn Việt Nam, Đồng Chuông Tử gửi đi chùm thơ, sau hai cú vuốt mượt mà dễ tiếp nhận, thì ngay sau đó anh đã trở lại với nỗi gồ ghề khó nhằn như đã. Và còn hơn thế, thì “đoạt” giải ba cũng… phải. Thử đọc bài đầu tiên: “Tự thú”.

TỰ THÚ

Tôi thường khóc mỗi chiều về nhớ mẹ

Cũng nhiều lần tự khóc nhớ quê hương

Mẹ của tôi đã về đến cội nguồn

Chỉ để lại nỗi mồ côi to lớn

 

Tôi mồ côi đành rồi không thể chọn

Sao mái nhà giếng nước cũng mồ côi

Hàng dừa xanh chao gió đứng ngậm ngùi

Cả lũ vịt cũng nhiều lần khóc thét

 

Ruộng lúa dòng sông nắng ngời trăng đẹp

Đã nhiều lần tôi thấy chúng quạnh hiu

Giống như tôi nhớ mẹ những buổi chiều

Nghe gió thổi vang tâm hồn tình mẹ

 

Tôi lớn rồi nhưng lòng tôi thơ bé

Cứ khóc hoài tôi không dỗ được tôi.

Ngay khi vào cuộc, Đồng Chuông Tử đã gột bỏ cái “tự do” không vần hay tân hình thức đầy dị nghị, và dẫu “rất cố gắng” gò mình vào quy cũ nề nếp thơ cũ với lối thơ 8 chữ đều nhịp, nó vẫn cứ bấp bênh và chênh vênh: “Cũng nhiều lần tự khóc nhớ quê hương…/ Cứ khóc hoài tôi không dỗ được tôi”. Ai dỗ? Ban Giám khảo một giải thưởng dù là thuộc Hội Nhà văn Việt Nam chuyên nghiệp cũng không thể, khó thể dỗ cái buồn với nỗi mồ côi ấy. Gạt nó ra thì không thể rồi. Thôi thì cho giải ba, để độc giả đừng chú ý đến nó, mà bàn vào cãi ra. Không lợi đôi đường sao!

2. Không dừng ở đó, nhà thơ dáng bước khẳng khiu thường trực tâm thế tàng tàng vốn có, dường để “lấy lòng” Ban Giám khảo mà anh biết khá hoài cổ ở “cuộc” này, nên đã chơi tiếp ngón lục bát cổ truyền ru em.

TIẾNG KHÓC CỦA NGỌN ĐỒI

 

Trưa qua ngọn gió đi chơi

Chợt nghe tiếng khóc trên đồi nắng to

 

Dừng chân nấn ná âu lo

Mở hồn vô lượng ra dò vô thanh

 

Đền đài thành quách bao quanh

Muôn ngàn thời đại rùng mình hiện lên

 

Phì nhiêu phong hóa thổ thiên

Mênh mang văn tự chung chiêng xã đàn

 

Chân người từ thuở nhân gian

Nhuộm đầy tiếng khóc trên tràn nắng mưa

 

Phúc âm nở

Ngát đời chưa?

Thu vào vô thủy đong đưa vô hình

 

Ngọn đồi đang khóc

Lặng thinh

Nhân gian chui tọt vô bình nhân gian

 

Bao nhiêu nức nở chứa chan

Mây trên đó gió trên ngàn và tôi.

3. Vẫn không tới đâu cả. Thôi thì trở về với giọng ta thôi. Đồng Chuông Tử trở về với chính mình như đã. Chả ngán, kệ, tới đâu thì tới, chơi luôn. Bài thơ thứ ba “Nhớ Chàm” biểu hiện rõ cái ý thức [hay vô thức] thẳm sâu đó.

NHỚ CHÀM

 

Em ở đâu Chàm ơi…

Em ở đâu Chàm ơi…

 

Tình yêu xứ nắng còn đen giòn ánh sáng, khóm cỏ đu đưa hơn trăm năm vẫn xanh thắm trên đỉnh tháp gầy mòn.

 

Em ở đâu Chàm ơi, áo ôm quần bó nước hoa chen trong hương gió ruộng đồng xô xát mùi thổ cẩm đặc sản.

 

Em ở đâu Chàm ơi, khung cửi Chakleng hoang lạnh bụi đầy, đất gốm Bàu Trúc mỏi mắt chờ bàn tay nghệ sĩ.

 

Em ở đâu Chàm ơi, mùa cà phê chín rộ đại ngàn cuộn bước tha phương vần vũ, co ro run rẩy trong các quầy lưu niệm tứ xứ.

 

Em ở đâu Chàm ơi, Sài Gòn sang trọng hào nhoáng, giảng đường trống đánh vang vang dạ dày, văn hóa phồn tạp luồn hẻm lách bờ tự do bay nhảy.

 

Em ở đâu Chàm ơi, ngôn ngữ mẹ cho giãy chết tưng bừng, câu ariya lai lạc tâm hồn sinh thái, miệng lưỡi đày đọa mùa tàn phai.

 

Em ở đâu Chàm ơi, lịch sử vùi sâu trong nỗi nhớ của núi rừng, hoai mục và hòa tan vào cánh đất khô bạc.

 

Em ở đâu Chàm ơi, bàn tay vô hình trì níu giấc mơ cơm áo, chia nhỏ nỗi buồ và nỗi buồn lại tự xé cỏn con.

 

Em ở đâu Chàm ơi, đường về địa phận quê hương không ở miền căn cước, tiếng hát thì đã xa lạ nghìn trùng, người yêu cũng mang màu mắt khác.

 

Em ở đâu Chàm ơi…

Em ở đâu Chàm ơi…

 

Có thể ngày mai anh chết vì nhớ Chàm không chịu nổi.

 

“Nhớ Chàm” trở về đúng chất Đồng Chuông Tử: Trăn trở và tìm tòi, tìm mãi tìm hoài không ngơi nghỉ. Tìm mà không biết tìm gì, tìm ở đâu, nhà thơ chỉ biết nó có mặt, nói như Henri Milletr: Dường như sứ mệnh chính của cuộc sống trên trái đất này là nhớ. Nên mãi nhớ, và tìm. Nhớ một nỗi mơ, “cũ như giấc mộng và mới như cái hiện tiền”; tìm về bản lai diện mục hư mất trong thế giới “người ta” giữa bôn chôn thường nhật.

Chính sự nhớ và tìm này làm nên hành trình thơ của nhân loại.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *