Trầm Ngọc Lan: Chân dung đồng một vụ

Truyện ngắn.

Ông già nông dân mặt thoáng buồn, đổ ít rượu trong ly xuống đất, lẩm bẩm:
– Hai năm nay trời ác quá, mất liên tục mấy triệu, mới gieo mưa nó đổ xuống cào sạch… gieo lại… nắng đến hai tháng mới mưa, chết hơn phân nửa. Thằng con lên rừng kiếm ít bằng lăng lại bị kiểm lâm giữ, bò, xe hiện ở trên hạt… Ramưvan này không biết xoay sở sao…
Ông già lại đổ ít rượu xuống đất, miệng lại lẩm bẩm nghe không rõ. Trên khuôn mặt khắc khổ, đen sạm nắng mưa ấy, nỗi lo hiện rõ. Tôi đoán ông đang cầu khấn một cái gì đó- đương nhiên là lời cầu thỉnh thần may mắn phù hộ, cái may mắn bấp bênh như cái trời đất của đồng một vụ thất thường, may rủi. Lúc cần mưa lại nắng, lúc cần nắng lại mưa. Phong cách uống rượu Chàm, không biết tự bao đời, khi sắp sửa vào cuộc người lớn đổ ít giọt mời. Nhiều cái lí giải cho cách uống này, lứa già ít học thì nói rằng đất cho ta gạo lúa, cây làm nhà ta phải trả lễ, giới nặng về quá khứ, nặng về tình cảm cho là hình thức mặc niệm người từng sống, từng uống với ta đã khuất, kẻ láu cá, bợm nhậu nói rằng đó là cách bắt chớn, lấy thăng bằng trước khi vào cuộc. Thôi thì đủ điều…
Ông già gắp miếng mồi, miếng cá khô nục chiên với mỡ cừu ông xin được thằng làm ruộng kề bên, cha nó làm nghề mổ cừu, dê chở vào Sài Gòn bán. Nhà khá, thằng coi vậy mà tình nghĩa lạ, có gì cũng chia ít phần cho lão, nhất là lúc theo nước cao điểm khi lúa làm đòng, nó bao giờ cũng nhường cho lão, vốn lanh lẹ và tháo vát, mồm bao giờ cũng thưa dạ, tay làm chân chất. Nó coi lão như cha nó, có lẽ do lão thật thà, ít nói ham làm. Vậy mà mới hôm qua, đi rừng, không biết uất ức vì cái gì, nó đấm cho kiểm lâm mấy cú, tổn thương nặng, chuyện ấy chắc mệt, nó bị bắt giam ngoài công an huyện chờ xử.
Ông sinh ra và lớn lên ở trên đất này, đất trồng cà giang dầu, đất ở cà giang muối, nông nhàn đến chín tháng phải lên rừng chặt củi, làm gỗ, làm rẫy chờ mưa. Nghĩ mà lao đao, đến hôm nay thiên chẳng thời, địa chẳng lợi, phó mặc cho số mệnh, trời sinh voi sinh cỏ mà lỵ; trong làng trong xóm ông ít thân ai, một là bản tính thiên bẩm, cộng với cái mặc cảm nghèo. Cái định mệnh đeo đuổi ông từ thời ở truồng, bì bõm ao làng; làng xóm bây giờ đã khác, nhà ngói, nhà tôn; tranh nứa biến đâu mất. Những con nhà có Chàm kiều, nói gọn là Chàm vượt biên chạy cái khổ của cơ chế cũ đi xe đắt tiền, mở đại lý phân bón hàng trăm triệu kiêm cho vay nặng lãi, huê ngày, hụi tháng ăn chơi nhởn nhơ. Thỉnh thoảng làng xóm phao tin nhiễm sida, gây những cuộc cãi vã suýt đổ máu nếu không khéo giải quyết-đến khi vỡ nợ đánh điện qua tít trời tây xin xỏ, khóc lóc. Ông xót cho mấy đứa con ông: Hai thằng dự bị đại học, phải làm gia sư, chạy hàng cho hãng buôn đắp đổi qua ngày. Bốn đứa con gái đã lấy chồng, khổ ơi là khổ; mỗi đứa đẻ tới bốn, năm đứa, hai thằng trai cuối, học hết tiểu học kế thừa làm nghề nông như ông, mùa khô đi lượm phân bò gom bán.
Trong làng nảy sinh phong trào chăn bò mướn lấy phân; kế hoạch này coi thấp nhưng có hiệu quả lạ. Những nhà lãnh từ trăm con trở lên bắt đầu xây nhà, sắm xe nhưng đụng phải luật bù trừ, được cái này mất cái kia. Các con phải bỏ học để theo bò, định cư ngày tháng trên rừng núi, lạc hậu với thời thế phải chấp nhận, đổ cho số kiếp cho xuôi. Cơm áo nó đè lên lưng người như một món nợ truyền kiếp từ thời ông bà ông vải để lại.
Ông lão lại nhấm ly rượu, mắt đăm chiêu lạ lùng; lúc bấy giờ tôi mới thấy rõ khuôn mặt ông, da nhăn nheo đen sạm, râu lốm đốm bạc. Cái khuôn mặt từng trải của người nông dân cả đời ít sung sướng, lam lũ, cần mẫn như gà quanh quẩn cối xay, không dám đi xa, không có gì để đi xa. Tôi giật mình. Giọng ông xa xăm:
– Người Chàm mình khổ lắm – ông lại nhắc chuyện ngày xưa – người già thường sống với kỉ niệm; thời Tây tao chăn trâu cho người giàu trong làng để kiếm cơm nuôi mẹ, chưa biết mang dép, thích ngửi mùi ét-xăng khi xe Tây đi qua. Mùa mưa cỏ nhiều, tụi tao thả rong lên núi, rủ nhau hái me, trái rừng đổi lấy áo, khổ thế mà sướng tâm. Đến lúc gặp mẹ nó, tao vẫn còn ở đợ, sanh ra tụi mày, sanh nhiều, sanh dầy tao biết đâu là kế hoạch, là dân số. Bây giờ đổi đời rồi nhưng thời ấy đã qua; tao quen làm, không làm nó sinh ra bệnh. Nhớ năm dịch người chết không ai chon, bỏ làng chạy lên núi, trở về thì nhà cửa đã tan hoang… Tụi bây giờ sướng quá…
Ông lão lại trầm ngâm, tôi chỉ đợi có thế:
– Không sướng đâu bác ạ, đời vẫn là bể khổ, văn minh có khổ của văn minh, cái gì cũng thế, đều có hai mặt, cháu… cháu lại thích như bác, học rộng hiểu rộng, khổ càng rộng buồn càng nhiều…
– Thằng, lý sự giống thằng cha mày!
Lão cười, đến bây giờ lão mới cười, vầng trán giãn ra, hàm răng đen vì thuốc lá, đã rụng mấy chiếc. Hình như ông lại nhớ về thời trai trẻ, một thời ai cũng phải qua. Mặc dù ai chẳng giống ai, đôi mắt trũng sâu, mọng kéo mỗi lần tắm bằng xà bông lại đỏ lòm như một nỗi sầu giấu kín, chỉ hở khi có dịp. Đôi mắt mà các nhà nghiên cứu cho rằng đó là đôi mắt của một dân tộc có văn hóa đã định cư từ lâu đời, đã trở thành một hệ miễn dịch đề kháng mọi sự bất trắc, của tất cả sự tấn công từ bên ngoài, của mọi hình thức văn minh xô bồ, hỗ lốn, vong bản. Đôi mắt như một minh chứng lịch sử đã trở thành những môn khoa học: dân tộc học, sinh học, nhân loại học… mà giới trí thức đi tìm căn nguyên của sự sống, them khát, tham vọng. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, những linh hồn của một thời tan hoang, cố gượng, ẩn náu, hằn học len lỏi cố nhoi lên tìm một chút nắng hắt hiu soi lại đời mình; tìm chỗ đứng, chỗ tồn tại và có quyền tồn tại.
Ông già nhìn ra ngoài sân bâng khuâng, nắng đồng bằng duyên hải cực Nam Trung Bộ như cái lò bát quái ngộ nghĩnh nung cho người cái dày dạn, cái sẵn sàn chống chọi với mọi tai ương của trời đất, của thời thế và của chính bản thân mình. Gió, gió thổi tứ mùa, lẵn bụi bặm, lùa cả nắng ran… tung bụi mù mịt những thửa ruộng gặt đã lâu đói nước, chờ mưa đến trắng nhờ, mệt mỏi, xanh lét như một bệnh nhân sốt rét mới dậy suy dinh dưỡng chưa được bổ túc. Cái quy luật nghiệt ngã ấy vẫn bám cánh đồng này như một căn bệnh kinh niên thiếu thuốc. Tôi thấy long mình như se lại, thực tại như một cuộn chỉ rối, tương lai biết gỡ, chắp nối ra sao?
– Láo thiệt! Ông già hằn học.
Tôi giật mình:
– Láo sao bác?
– Ờ, ờ… chuyện ấy mà.
– Chuyện gì thế bác?
– Chuyện tiền nong, tiền xóa đói giảm nghèo ấy mà, nghe nói tao cũng có phần, tiền nhà nước cho dân vay, không biết lọt vào mồm thằng nào rồi…
– Mà sao bác không khiếu nại?
– Có hỏi, nó nói đợt sau, ráng chờ… chờ cái mẹ gì, lúc nào đỡ lúc đó, mình lo cho mình là chính, nhà nước mà có mấy thằng đó là hết khá.
Mặt lão, cái xa xăm biến mất hiện rõ trên khuôn mặt đã chuyển hệ hình sự.
– Tao mà là nhà nước, tụi nó chết với tao, khổ cái mình là dân cày, chữ nghĩa không bao nhiêu, cổ thấp miệng thì bé, lục đục kiếm ăn chưa xuể…kệ…trời có mắt…
– Thôi, tụi bây ngồi chơi, chớ mùa này biết làm gì, tao xuống thăm thằng Khô, nó bị sốt rét cả tuần nay…
Lão đứng dậy một cách uể oải, gãi sồn sột vào lưng, thở dài…rồi lom khom ra cổng, tôi nhìn thấy bóng lão khuất sau cây keo trái đang độ chín. Bốn đứa trẻ, đang dùng cây tre tranh kèo, cười đùa hồn nhiên, thỉnh thoảng có đứa khóc ré lên, chắc bị tranh mất phần. Tuổi thơ nhà quê lam lũ, bẩn thỉu, mằn mặn mùi biển lấn. Tiếng loa đọc danh sách những người thiếu thuế, lẫn tiếng nổ của máy xay lúa, tiếng hát từ máy karaoke cũ kỹ sền sệt như một dấu hiệu của cơ chế thị trường. Nó len lỏi ngấm ngầm, thách thức mọi thứ đang xâm thực vào vùng khô khan đến ngán ngẩm này.
– Hôm nay là thứ sáu, đi sám lễ chứ Aly!
– Thôi lỡ, miệng mùi rượu vào chùa khó coi, người ta nói kỳ, lỡ rồi chơi luôn, tao đi xách mấy xị nữa.
Thằng Aly đi một lát xách về ba xị, bảy con cá khô xuất khẩu đã nướng, một bị rau chua-ba chúng tôi lại tiếp tục cưa, vừa nói chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện tin tặc, Pônichê, NATO tấn công Nam Tư vì lý do gì, thử đoán chừng nào Irắc sẽ được mở lệnh cấm vận. Chợt thằng Aly hỏi:
– Đố tụi mày từ sáng đến giờ, chuyện gì mình nói trước.
Tôi cố nhớ:
– Ờ, bác nhà nói đến chuyện kiểm lâm giữ bò.
– Thế nhà bác tính sao?
– Tao tính lên huyện nhờ thằng bạn làm trong hạt giùm ổng, bớt chút đỉnh tiền phạt, đồng nào nhờ đồng đó, chớ mình phạm luật rồi biết sao bây giờ?
Rượu nóng ran ngực, với cái nóng ngoài tròi đến chín người-tôi thấy đầu mình nặng trĩu, trên mâm còn lại nắm rau chua, đầu xương cá. Chúng tôi nhìn nhau như cố tìm một sự giao cảm. Cuộc nhậu dân dã đã tàn.
Cơn say dẫn tôi đến giếng nước làng, giếng nước sạch mới thiết kế cách đây hai tháng. Sau khi tắm xong tôi thấy mình đỡ hơn, vẫn còn chếnh choáng tôi rảo bước về, suy nghĩ mông lung.
– Chào chú giáo, chú đi đâu mà ướt thế?
– Ờ, ờ ghé thăm rẫy nho thằng bạn (tôi nói dối).
– Nghe nói nho dạo này oải lắm mà chú?
– Ờ oải lắm, phải làm cầu may chứ sao!
– Chú xỉn à!
– Mắt tụi con siêu điện tử lắm.
Người con gái mặc chăn truyền thống, áo sơ mi, đầu phủ chăn trắng có hoa văn, lộ khuôn mặt nom rất dễ thương đang đứng trước mặt tôi, đầy sức sống và quyến rũ, phảng phất một cái gì đó xa xăm vừa hiện đại lại vừa tín ngưỡng.
– Sao chú giáo không vào đạo?
– Ờ, vô đạo à, mà chú đã vào rồi cơ mà?
– Chú lại đùa.
– Đạo trong tâm cháu à, thượng đế chỉ ngự trị ở nơi nào có chân, có thiện, đâu phải vào lễ chùa là trọn đạo đâu.
Người con gái sửa lại chăn, cười mỉm:
– Chú lại lý luận rồi, giới trí thức các chú bao giờ cũng lý luận, ít thực tế.
– Có lý luận, có thực tế, cháu à, cái nào cũng có lợi, làm một điều thiện nhỏ là đạo, làm một điều ác nhỏ là vô đạo…
Cô gái im lặng, thoáng đăm chiêu, đột nhiên cô nói:
– Sang năm cháu phải nghỉ học chú giáo ạ!
– Sao vậy?
– Khó khăn quá, nhà cháu lại đông người, thời tiết mấy năm nay như chú biết, vả lại cha mẹ cháu bắt cháu vào tận An Giang học chữ đạo.
Cái khổ là chỗ ấy, tín ngưỡng đã ăn sâu vào thâm căn cố đế rồi, mà cơm gạo đâu có buông. Tôi thở dài thầm nghĩ: Sao lại phải đi học đạo xa thế, ông cha ta không có đạo chắc!? Nhưng rồi cũng qua loa hỏi:
– Sao không ráng cho hết 12?
– Ráng hết nổi, nhà nhiều miệng, cha mẹ bắt cháu phải thế, đạo làm con mà, con gái học đến đó đâu đến nỗi gì, còn lại là phần của thượng đế.
Lại thượng đế, không biết có thượng đế hay không?
Trước mắt tôi là cánh đồng trắng, bạc màu khát nước, dấu hiệu của sự nghèo khó; lòng tôi dâng lên một nỗi buồn khó tả. Thế kỷ đã sắp chuyển giao, thiên niên kỷ mới đã khai mạc. Cái xó xỉnh rất nhỏ của quả địa cầu nóng bỏng này vẫn bám vào cái hư linh để mà tồn tại, tìm sự cứu rỗi, chờ sự mặc khải của hư vô như một thứ định mệnh oan nghiệt dai như đỉa trì níu những luồng gió mới đã thổi, đang thổi từ bốn phương trời.
– Thôi cháu xin phép, đã đến giờ sám lễ.
Người con gái bước trẻ trung qua hẻm nhỏ, xa tiếng trống chùa thôi thúc, tôi nghe thoáng một mùi hương…
Ngôi trường tôi dạy nằm sát con đường số Một. Đó là ngôi trường tách ra từ trường cũ, tọa trên một đám ruộng bạc màu, cây mới trồng còi cọc mọc. Học trò ở đây phần đông là con em dân tộc thiểu số, gốc rạ chính hiệu, quen với rẫy rừng, nhận biết tên gỗ, tên thuốc sát trùng hơn là nhận biết tác giả, tác phẩm. Nề nếp trường thì không loạn, cũng không nghiêm, có những họ tên nghe khá Tây. Đây là ngôi trường chịu nhiều thiệt thòi nhất xã, làng xóm ai, ai lo. Cái tư tưởng đó đã ăn sâu vào tiềm thức, cha chung thì không ai khóc, giáo viên thì thập cẩm bốn phương, gốc huyện thị, xã đều có cả. Ông hiệu trưởng là người địa phương, thâm niên quản lý. Ngôi trường rào chưa kín, giờ học dân theo nước, lượm phân bò, bò thả rong bình thản vào như là một thông lệ. Tôi đúng giờ đi, hết giờ về, có lúc xuống ruộng thăm lúa, mùa mưa làm rẫy cầu trời mà chả năm nào trời thương; vợ chồng giáo cả, bình bình.
– Chào thầy ạ!
– Chào em.
Đứa học trò cũ đã rời trường cách đây bảy, tám năm, tôi nhớ mặt mà không nhớ tên, tốt nghiệp Đại học Đà Lạt.
– Bây giờ làm đâu?
– Chưa kiếm ra việc làm thầy ạ.
– Ờ, bây giờ tìm việc khó lắm, mặc dù lương chẳng là bao.
Thầy trò tôi vừa đạp xe vừa nói bâng quơ.
– Thầy vẫn còn dạy?
– Còn, còn em à, nghề mà, ruộng bề bề không bằng một nghề trong tay, ông bà bảo vậy.
– Em tính nối gót nghề thầy.
– Nghề này bạc bẽo lắm, trên sách vở, miệng đời nói rất hay, chớ thiệt ra… em kiếm nghề khác đi… cho phù hợp với kinh tế thị trường.
– Lúc học chuyên gì?
– Dạ ngoại ngữ.
– Sao không dạy tư?
– Nhà quê dạy tư bấp bênh lắm, nộp tiền học oải lắm, em làm thử rồi, em tính vào thành phố làm gia sư, sẵn kiếm nghề luôn.
– Ờ, em còn trẻ, vào đó học thêm, chớ như thầy lỡ rồi, phải lo kinh tế, không muốn cũng phải lo, kinh tế vững thì khỏe, bệnh hoạn, học hành, đình đám, giao tế…cái gì cũng đụng đến kinh tế.
Người học trò cũ xin phép đi trước, tôi ghé lại quán bên đường mua một gói Mêlia hút tối nay. Tôi hút thuốc gần hai mươi năm, tính bỏ vì sức khỏe, lâu đâm nhớ, buồn lại hút và hút nhiều hơn trước. Ở nhà quê ngoài rượu đế, thuốc lá, đọc sách…không còn thứ giải trí nào nữa, tiền thuốc cả tháng tính đến bạc trăm.
Chiều xuống thật chậm, phía tây mặt trời màu vàng trắng, trâu bò cừu dê lũ lượt về, mang cả mùi đồng nội. Tiếng xe, tiếng người nói cười làm thành một âm thanh tổng hợp, mùi nông thôn đang độ chuyển mình. Đêm xuống nhẹ, vô tình, mấy quán nhậu dã chiến lác đác vài ông khách chệnh choạng. Quán xá độ này bán rất khó, nông nghiệp vẫn là gốc, nông nghiệp thất bát kéo hàng loạt vấn đề xã hội đi xuống. Từ đòi nợ đánh nhau, ăn cắp vặt đến ăn cắp lớn, giá nông sản lúc nào cũng chao đảo, lên xuống. Đêm ở đây ta có cảm giác như không có bụi, bụi đất cà giang sẵn sàng vẽ bản đồ cho những ai không làm đúng theo điều thứ tư Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng. Tôi về đến nhà thì hai đứa con đã ngủ, vợ thì đang soạn bài.
– Lại nhậu à?
– Có ít.
– Cơm để trưa giờ đã nguội.
– Đã sao!
Tôi thay áo ngồi vào bàn, ăn lấy lệ nghĩ bâng quơ.
Tin thằng Khô qua đời lan cả làng, ai cũng tội, thằng hiền như cục đất, cần mẫn như gà ta, quanh năm cắm đầu làm ăn, thoạt nhìn là biết dân ưa làm, có cái ưa cúng. Trâu bò bệnh cũng cúng, lúa bệnh cũng vái, trật cũng cúng mà trúng mùa cũng cúng. Cái ý thức hệ đó được truyền từ gia đình, ông bà tổ tiên không biết từ bao đời; kỳ bệnh cuối cùng này nó cúng mất mấy triệu. Nó khổ từ nhỏ, khổ đến nỗi phải lên cả khai sinh, khô tiếng Chàm có nghĩa là khổ, trông mặt mà đặt tên… nó bị sốt rét ác tính quật ngã để kại một vợ năm con… và một ít tài sản.
Tôi cùng bà con làng xóm tiễn thằng Khô về nghĩa địa. Nghĩa trang làng nằm ở phía đông, vùng cát hanh dễ đào. Nó hiền lành nên chuyến đi cuối cùng của nó người đưa rất đông, mặt ai cũng buồn; lúc hạ huyệt tôi vun đất cho nó. Một bà già ngồi cạnh nói nhỏ:
– Nó đi thế mà sướng.
– Thưa bác, để con cái bơ vơ thế mà sướng?
Bà cười:
– Thì nó phù hộ, kỳ này giết đến hai con trâu to đãi làng, thằng ăn ở có đạo đức, mất đi đủ cả, trách như thằng con tao đi mấy con gà, còn tao biết sao nữa!
Tôi im lặng. Dân quê mình vẫn thế, kiếp này chưa lo xuể đã tính đầu tư sang kiếp sau.
Đường trở về làng nặng nề, dài hơn…Con đường ai cũng phải đi đó đã in hằn trong tôi từ lúc còn đi học, đôi lúc đâm nản lại tự an ủi mình, mà phải có một mình đâu, đoàn người dài như một bầy ma đủ màu áo, đủ ý tưởng… trước mắt là một đám ma tốn kém phải lo.
Phía xa, cuối chân trời, ngọn Chàbang sừng sững, lì lợm. Mây đen hiện…trời đang chuyển qua mùa mưa. Cánh đồng một vụ chuyển mình vẽ nên chân dung màu tối.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *