Inrasara: Nhận diện 6 khuôn mặt thơ Cham 3: Đồng Chuông Tử, đi & về

Tagalau14-PhThiet.11

Tagalau 14, 2013.

* Thi sĩ Đồng Chuông Tử đứng thứ ba từ trái sang – Photo Kiều Maily.

giữa Inrasara và Đời là một chuyến buôn. Chuyến buôn không vốn ở khởi thủy nên, đừng mong lãi ở chung cục. Ra đời là bắt đầu đi, đi hoài đi hủy, cô độc và đầy bất trắc. Để khi mãn cuộc buôn, ta phủi tay về nhà, không ngoảnh lại. Sống và không để lại dấu vết. Triết lí Ariya Nau Ikak tác động ngấm ngầm lên tinh thần bao thế hệ Chăm, hôm qua và hôm nay, quy định tư tưởng họ. Rõ nhất qua tâm hồn thi sĩ. Ở anh, ở tôi, và cả Đồng Chuông Tử.

Đồng Chuông Tử bỏ học dở chừng để làm cuộc buôn, đúng nghĩa của triết lí Chăm. Tôi thích kẻ nào dám từ bỏ, để hết mình vào công cuộc nào đó bất kì. Cháy hết mình cho ý nghĩa tìm thấy. Với Đồng Chuông Tử, là dám đặt tôi trần trụi trước thơ mình.

Tôi – hạt bụi cô đơn của trái đất…

Tôi bừng cháy

Một/ một vài ngọn nến cháy lên, dài/ ngắn hạn rồi tắt ngấm. Sau đó là bóng tối và quên lãng!

Đó là chuyến buôn lớn, thuộc chiều kích vũ trụ. Nhập cuộc chuyến buôn ấy, thi sĩ Chăm đã đi. Đi hoài đi hủy…

Ta xóc hành trang đựng đầy gió

lên

đôi vai gầy gã trai Chăm mơ mộng

cô độc đi…

Đó là thái độ thơ, thái độ sống của Đồng Chuông Tử. Nhưng dù đi bất kì đâu, mỗi chàng trai Chăm luôn mang quê hương trong lòng mình. Dẫu bạn đang quê nhà hay mắc kẹt xó xỉnh nào đó của đất nước, hay dẫu bạn lang bạt tận trời Tây, Mỹ đi nữa, bạn luôn mong trở về. Ra đi là để trở về – tôi gọi đó là chuyến buôn nhỏ, nó thuộc giai độ quê hương. Đất quê đang cháy khát, di tích văn hóa đang bị đối xử thiếu văn hóa, vụ mùa thất thu, vụ thơ thất bát… Anh phải đi. “Túi rỗng, tay không nhưng hồn đầy chất ngất” cùng trái tim mơ mộng. Và anh phải trở về, từ chuyến buôn xa. Một trở về đầy khiêm cung, trong tay tưởng như không còn gì cả:

Về

như cơn mưa nguyện cầu mùa hạn trút về…

Anh đi, dự tưởng một giấc mơ mới, giấc mơ sinh thành từ cái nhìn phóng chiếu về phía thế giới rộng lớn hơn, thuộc giai độ địa cầu:

trong giấc mơ xanh tươi của bầu trời tôi

trái đất đã cạn khô nước mắt từ những tiếng kêu nơi lịch sử tội tình trổ nụ

nhiều đời mây tí tách hiến thân vào nghi lễ cầu nguyện muộn màng

thế hệ bị doạ nạt cấp tính khát khan vòm vọng

một giờ cho trái đất

sự hưởng ứng hờ hững, qua loa, nửa vời.

 

một giờ cho trái đất

lồi lõm buồn vui không gian tôi.

(Đồng Chuông Tử, “Một giờ cho trái đất”)

 

Chuyến đi nhỏ hoặc cuộc đi lớn, dự tưởng thế nào hay hoài vọng tới đâu, con người thi sĩ cũng phải học biết chấp nhận hiện thực cuộc đời. Chấp nhận theo nghĩ cao cả của từ này, chứ không phải cúi đầu hèn mạt trước thực tế đầy dãy bất công xung quanh. Lần nữa, tôi thích Đồng Chuông Tử ở thái độ trí thức của anh trước thời cuộc. Các trang viết, các phản ứng quyết liệt của Tử qua những sự kiện cộm của xã hội Chăm [trong đất nước Việt Nam] thời gian qua, dù người này hay người kia có dị ứng thế nào, cũng phải nhận chân đó chính là con người chân thật của anh. Con người đó dù tâm huyết nhưng do còn chưa nhiều kinh nghiệm, nên ít nhiều thể hiện sự nóng vội. Nóng vội và có vẻ ngây thơ. Chỉ trong thơ và qua thơ, Tử mới thể hiện mình thoải mái nhất, và có thể nói – chín đầy nhất:

Ở quê tôi mỗi người là một số phận
côi cút, nhẫn nhịn và cam chịu
lom khom mót ân điển trên cánh đồng thể chế

(“Thán tụng”)

Tôi tin, Đồng Chuông Tử còn đi xa. Rất xa nữa là khác.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *