PADŌK PABÊN XAKARAI AGAMA Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL-1: Giáo chủ PÔ RÔMÊ.2 – Cuộc đời bí ẩn & Cái chết bi tráng

Khác với các đại Giáo chủ tôn giáo nhân loại:
nếu đời Muhammad là chuỗi hành động anh hùng: thu hút quần chúng, thuyết pháp, chiến đấu và – qua vài thất bại nhỏ ban đầu – đã chiến thắng oanh liệt để cuối cùng chết trong vinh quang;
nếu Khổng Tử là những năm tháng cùng học trò lang bạt hết nước này đến nước khác để truyền giáo: được trọng dụng hay bị coi thường có, thậm chí bị đóng cửa thành đuổi đi cũng chả chừa – nhìn chung, 20 năm chu du thiên hạ ông thành ít mà bại nhiều, đành cuối đời về quê soạn sách dạy học trò, để đời sau tôn là “Vạn tuế Sư biểu”;
nếu Tất-đạt-đa Cồ-đàm rũ bỏ vinh hoa phú quý để tìm thấy đạo rồi suốt 49 năm du thuyết, và dù bao trắc trở bởi thế lực Bà-la-môn lẫn ý định ám hại bởi người cùng máu mủ, chúng sinh vẫn tin nghe ông, từ đó Đạo Phật lan truyền mạnh mẽ;
lạ là cả ba người khai sinh tôn giáo lớn của nhân loại đều rất đời: lấy vợ sinh con đẻ cái, có người làm quan và cũng biết dùng đến mánh khóe chính trị đời thường;
thì Jesus Christ đã khác: Khác từ việc sinh ra do bà mẹ đồng trinh, sau đó biết làm các phép lạ khó tin, cả chuyện ông chết đi và sống lại, vân vân. Rất khác!

Nhưng dù khác lạ tới đâu cũng không bì được Pô Rômê nhà Cham.
1. XUẤT THÂN của Ja Kathot đến nay vẫn còn là BÍ MẬT. Chàng sinh ở miền đất/ palei nào không ai biết. Chàng người Churu hay Cham? Cham gia đình danh giá bị đuổi khỏi nhà/ khỏi làng bởi bà mẹ không chồng mà chửa hay từ gia đình nông dân nghèo cực phải đi ở đợ? Ja Kathot là Cham Bà-ni hay Cham Bà-la-môn mà sao vua Pô Mưh Taha [người Bà-ni] chịu gả con gái rượu, sau đó truyền ngôi cho?

2. ĐỜI PHỨC TẠP ĐẾN BÍ ẨN
Ông có đến 4 bà vợ, do ham gái, hay vì kế sách dài lâu?
– một Cham Bà-ni là công chúa nhà vua đương trị vì thì hẳn rồi;
– một Malaysia, để giao hảo tìm đồng minh bên ngoài;
– một Rađê, để phục hồi sức mạnh Champa xưa cũ hòng gây cơ đồ về sau;
– và bà vợ Việt là Công nữ Ngọc Khoa Bia Ut, như là kế hoãn binh để tái thiết đất nước, chờ thời…?
Thương thay! Người tính trời định. Champa ở giai đoạn mạt vận, cho dù Pô Rômê tài ba tới đâu cũng không chịu nổi sức như nước vỡ bờ của hùng binh Chúa Nguyễn quyết tìm đường sống ở phương Nam. Để cuối rốt,
– bà ở lại nơi quê nhà,
– bà chung thủy đến cùng đời theo ông lên giàn lửa về Thôr riga,
– bà có chối từ bổn phận [hay do bà người Bà-ni?] cũng được hưởng đám tang trang trọng trên đồi tháp mang tên ông,
– còn bà công “mở cõi” cho Đại Việt thì biệt tăm không còn ai nhớ, kể cả Sử Việt [tội không! Ở nơi ấy, bà có nhỏ giọt nước mắt nào khóc cho ông chồng Chàm không? – là câu hỏi đến hôm nay vẫn còn ám tôi].
Riêng tháp mang tên ông: Tháp Pô Rômê cũng chịu bao tang thương nỗi người(*).

Bởi đời ông quá phức tạp, thế nên không lạ khi xung quanh nhân vật này tồn tại bát ngát chuyện thêu dệt mang tính huyền thoại. Huyền thoại ông chặt Krek cây Lim thần biểu tượng cho sức mạnh Champa, rồi huyền thoại được tiếp tục sáng tạo và gán cho Ja Kathot [tên thật của ông] qua các Damnưi hát trong các Rija Lễ:
– Lễ theo Yang: ông là Pô Rômê,
– Theo Atau là Cahya,
– Theo Cei là Cei Xīt,
– Và Yang Birau, ông là Pô Gihlau.

3. CÁI CHẾT BI TRÁNG
Pô Rômê được sử Cham ghi nhận trị vì từ 1627-1651, sử Việt ghi tên ông là Bà Bì vị vua sau đó đã tự tử trên đường dẫn về Huế. Sau sự kiện này, Chúa Nguyễn vòng qua phía Nam Champa để xây căn cứ địa cho cơ đồ lớn: Champa bị cô lập từ hai phía thù nghịch.
Xung quanh cái chết của ông cũng được Cham sáng tạo bao huyền thoại; dẫu sao – đó là cái chết bi tráng, khi ông không chấp nhận để bị làm nhục.

4. CÔNG TRÌNH của ông thì trên cả tuyệt vời:
– Đập Marên tưới cho hàng ngàn mẫu ruộng khu vực huyện Ninh Phước hiện nay;
– Akhar thrah Chữ Cham phổ thông ra đời vào thời đại ông các thế hệ Cham sử dụng đến hôm nay;
– Và nhất là, chính ông chứ không phải ai khác đã HÓA GIẢI Islam thành Bà-ni, Bà-ni HÒA GIẢI với Cham Bà-la-môn để thành TÔN GIÁO AHIÊR-AWAL có một không hai trên thế giới, loại tôn giáo ỨNG VỚI ĐỊNH MỆNH CỦA DÂN TỘC NGÀI.

5. NGƯỜI CHAM VÀ PÔ RÔMÊ
Nhưng tại sao…
Các bà Cham mỗi bận rầy la con là réo tên ông ơi hỡi ra mắng. Tại sao?
Với mấy chàng có máu dê, tên ông còn bị mang ra nhạo qua cụm từ: “máu Pô Rômê”. Tại sao?
Ông bị tố là hám gái, chặt Krek dẫn đến mất nước, có oan không?
ĐỂ LÀM GÌ, 3 NỖI ẤY? – Là câu hỏi cực kì quan trọng. Cần phải nhìn qua “phía vô ngôn” của sự kiện mới thấy hết khía cạnh vấn đề? Có ai hiểu “quần chúng vô danh” thông minh thế nào không???

Bởi dẫu sao,
Cham vẫn xây tháp cho ông,
Vẫn lên tháp thờ phượng ông trong những mùa Katê, Cabbur, Pơh Babbang Yāng.
Vẫn hát tụng ca ông trong những lễ Rija, mà Cham thì có hằng hà sa số lễ.
Và hôm nay,
Ta tôn ông thành VỊ GIÁO CHỦ TÔN GIÁO AHIÊR-AWAL!

_________
(*) Xem thêm: Inrasara, “Các bà vợ Pô Rômê hiện ở đâu?”, Inrasara.com, 2001.

Comment
Một bạn thuộc thế hệ mới vừa Chat với tôi, tôi xin phép đưa lên đây.
Salam cei!
Người Cham ở lại được thừa hưởng công trình vĩ đại (Ahiêr-Awal) của Po Rome.
Thừa nhận ngài là đại giáo chủ, người sáng lập Agama Ahiêr-Awal.
Vậy để bảo vệ tôn giáo Ahiêr-Awal thì tín đồ cần làm những gì khi Nhà nước chưa công nhận tôn giáo này?
Mà muốn NN công nhận thì trước sau gì cũng được thôi. Nhưng agama Ahiêr-Awal cần đáp ứng đủ yêu cầu luật của NN thực tại?
Ahiêr-Awal chứng minh đc đại giáo chủ, có tín đồ hằng trăm nay. Nhưng về phần giáo lý Ahiêr-Awal sẽ không đc viết trôi chảy?
Có một thực tại nếu quy tụ lại agama Ahiêr-Awal dính đến Po Allah?
Sự chịu ảnh hưởng thì tôn giáo nào trên thế giới cũng có. Và Ahiêr-Awal cần một lối đi sáng suốt.
Có lẽ công trình vĩ đại của Po Rome cần sự góp sức mạnh mẽ từ các bậc tiền bối am hiểu sâu rộng về Ahiêr-Awal như cei Sara.
Cháu quan tâm vì cháu có Kut.
Hy vọng agama Ahiêr-Awal được bảo vệ vì ý niệm sống của agama rất trong sáng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *