I. Giáo chủ PÔ RÔMÊ – 1. Huyền thoại

[chỉ là một trong những – trích tiểu thuyết Chân Dung Cát, 2006]

Lửa xung đột tôn giáo luôn âm ỉ, chỉ cần cơn gió nhẹ cũng đủ làm bùng cháy. Chính ở thời điểm nghiêng bếp nghiêng nồi này, một nhân vật kiệt xuất cuối cùng trong lịch sử vương quốc xuất hiện: Pô Rômê.
Sinh trong một gia đình khá giả ở Pangdurangga bởi người mẹ đồng trinh, mẹ con Pô Rômê bị ông bà đuổi khỏi nhà lang thang từ làng này sang làng khác. Lớn lên đi chăn trâu thuê, cậu bé cũng bị chế nhạo tại các nơi biết lai lịch của mình. Cuối cùng định mệnh đun đẩy chàng làm mục đồng cho vua Pô Mưh Taha. Rômê có tài bắn cung, mỗi chiều chàng mang về những thỏ, sơn dương… Trưa nọ, ham mê theo dấu chân nai, chàng đi mãi vào rừng đến mệt lả rồi nằm nghỉ dưới gốc cây cao. Đang thiu thiu ngủ, mở mắt ra chàng nhìn thấy hai cục than lửa đỏ lựng giữa tàn lá: một con rồng khổng lồ đang nhìn đăm đắm mình, chàng hoảng hốt bỏ chạy và lạc đường, mãi tối mò mới tìm đến nhà. Thần sắc Rômê hoàn toàn đổi khác khi sáng dậy: phương phi, oai vệ lạ thường. Lúc này, Pô Mưh Taha đã già nhưng chưa tìm được người nối ngôi. Một hôm, nghe thấy tiếng Rômê đuổi chó sau nhà, vị chiêm tinh bảo đấy chính là giọng vua tương lai của Champa. Khi xem kỹ tướng mạo Rômê, vị chiêm tinh tiến cử chàng lên nhà vua và được chấp thuận. Công chúa Than Cih được gả cho Rômê. Vài tháng sau Rômê lên ngôi vua trị vì đất nước.

– Một tư liệu lịch sử mới phát hiện cho rằng Pô Rômê là người Cru.
Câu chuyện của chúng ta bị ngắt bởi nhà nghiên cứu trẻ tuổi. Giọng tự tin quá đáng. Đính kèm cái rung đùi.
– Chi tiết đó thì mỗ này chưa được hân hạnh biết.
– Champa cần đến tài năng xuất chúng của tộc thiểu số này nên người ta đã mơ hồ và huyền thoại hóa nguồn gốc của người để hợp thức hóa ngôi vua.
– Mỗ này có cãi ngài đâu. Đây ta đang thò hai cẳng xuống dọ dẫm trong sương mù dòng sông huyền sử.
Một cuộc cải cách lớn được phát động. Pô Rômê cho lập thủ đô Krōng Ala ở Bal Cōng, xây đập Mưrên dẫn thủy tưới cho đồng Krōng Biuh hàng vạn mẫu, củng cố triều đình, trao chức tả tướng quân, hữu tướng quân cho Xah Bin, Palāk Bin. Rồi thân hành qua Kelantan bảy năm dùi mài kinh Coran lẫn kabal rūp phép thuật gồng mình hầu hóa giải mâu thuẫn tôn giáo đang ngày càng trầm trọng trong vương quốc. Trước khi lên tàu về nước, ông vua hào hoa này không quên để lại hai hạt giống quý hóa ở xứ người.
– Ông anh đang chuyển qua chính sử và sắp bỗ bã rồi. – Nhà nghiên cứu trẻ tuổi nghiêm túc.
– Ậy, ậy! Đừng vội cụ non thế. Tới đâu vãi hạt giống đến đấy phải công nhận Cham ta ghi-nét. Cậu đâu tay vừa, chỉ tội giống cậu là giống ma thôi. – Tôi cười lớn, vỗ mạnh vào vai nhà nghiên cứu.
Nhà nghiên cứu trẻ đỏ lừ mặt bởi hiểu tôi biết tỏng lí lịch trích ngang của cậu ta. Truyền thuyết kể hoàng hậu không con nên nhà vua tiếp tục lặn lội sang tận Lào tìm thuốc (hệt Inra Patra thơi xa xưa vậy). Có sang đến xứ sở hoa Champa không chả hiểu, chỉ thấy tháng sau chàng trở về kèm theo phụ tùng là cô gái Rađe xinh đẹp, nghĩa là cả tiềm năng con cháu.
– Anh lại nghĩ bậy rồi. Một đồng minh trên vùng cao cần được tranh thủ.
– Hượm đã. Đấy là Cham nghĩ chứ phải mỗ này đâu. Thứ hậu Bia Than Can đã tặng cho Pô Rômê mấy đứa con kháu khỉnh. Vụ này càng làm cho ông Hoàng Phīk Cơk, ông anh rể thất sủng thêm sôi ruột. Chính ông anh rể lão làng này đã mách Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên hay cái hau háu khi nhìn thấy gái đẹp của Rômê. Ngay tức khắc Chúa Sãi cho Công chúa Ngọc Khoa giả dân buôn qua cửa ải Champa rồi nhanh chóng cô gái Việt được tiến cung và làm choáng váng ông vua quá tứ tuần phong độ còn dạt dào này. Lịch sử vương quốc rẽ bước ngoặt quyết định. Nói không ngoa rằng Champa tan rã ngay bước đầu tiên của Ngọc Khoa rón rén nhưng quyết đoán giẫm lên bậc thềm dinh Pô Rômê.
– Một nhà sử học uy tín viện kế hoãn binh để giải thích chi tiết này. – Nhà nghiên cứu gân cổ.
Hoãn binh đâu không biết, chỉ hiểu chân ướt chân ráo vào dinh, Bia Ut với nhan sắc tuổi trẻ thừa thãi trí khôn đẩy hai hoàng hậu Cham với Rađe vào hậu trường, để rồi hai tháng sau nàng lăn ra bệnh.
Tất cả trí tuệ của vương triều đang ngoi ngóp được huy động tìm cách cứu chữa. Nhưng bệnh tình Ngọc Khoa ngày càng trầm trọng, từng đốt xương sống kêu rào rạo mỗi khi cựa mình (người đẹp để bánh tráng dưới lớp chiếu mà ông vua si tình này đâu hay). Khi nhà chiêm tinh được vời đến khám (phải đứng xa một bước mà xem mạch – tục lệ Việt thế, nàng bảo) tâu rằng hoàng hậu không bệnh hoạn gì cả thì nhà chiêm tinh thâm niên này được cho về làm ruộng (còn may) và thay thế bởi một nhà khác cao đạo hơn do Phik Cơk bố trí sẵn. Chính chiêm tinh gia dỏm này bày nhà vua phải triệt đi Krek – cây lim thần biểu tượng sức mạnh của vương quốc thì hoàng hậu mới khỏi. Không chút ngập ngừng, Pô truyền lệnh chặt Krek. Nhưng lạ, từ mỗi phát rìu rút ra, cây lim phun vọt tia máu giết chết đám lâu la, vết thương được liền da ngay sau đó. Ba ngày liên tù tì thế. Nhà vua nghe báo, nổi giận, phăm phăm vác rìu đi. Chỉ qua ba nhát, thân Krek to lớn đổ nhào, tiếng đổ nghe vang cả nửa đất nước, máu Krek tuôn chảy suốt bảy ngày đêm.
Pô Rômê lảo đảo về dinh. Nhìn thấy Ngọc Khoa đã tắm rửa sạch sẽ, châu thân thoảng trầm hương, miệng nở nụ cười tươi quá hoa Champa, đôi mắt óng ánh long lanh tròng trành đứng cửa chờ thì hằng hà sa ưu tư trăn trở của vị vua nắm hơn triệu sinh mệnh con dân bay đâu mất. Hương tình lại đượm, đượm cho đến khi Bia Ut bịn rịn chia tay để về xứ sở thăm mẹ già cũng vừa lâm trọng bệnh ngoài ấy.

Thế là quân Chúa Sãi ào ào thác lũ vào Champa. Xah Bin, Palak Bin đẩy lui mũi tiến công từ đồng bằng. Ba lần Rômê lệnh ngưng động binh, ba lần hai Bin bất tuân. Mỗi chiến công là mỗi bị khiển trách. Mối giao hảo Việt – Champa đang quá hảo hiệp ngon lành. Khi Pô Rômê biết mình mắc mưu thì đã muộn: hai lương tướng bỏ lên núi biệt tăm. Ngài giơ hai tay lên gầm một tiếng làm lạnh cả bầu trời. Máu anh hùng sôi sục, Pô Rômê sai xẻ gỗ Krek đóng thuyền và chính ngài thân chinh chỉ huy thủy chiến. Thuyền Krek ào ạt lướt sóng đánh tan tất cả mũi giáp công của thuyền địch. Đến Lamngư Dil, đánh hơi thấy phía trước có nguy hiểm, nó ngưng. Làm đủ mọi cách nó vẫn không chịu nhích lên một bước. Nhà vua nổi giận chặt phăng mũi thuyền, nhảy sang tàu khác, tiếp tục tiến công. Trong cuộc hỗn chiến, Pô Rômê bị bắt và xử tử. Thủ cấp nhà vua Champa trước khi được xách đi trình Chúa Sãi còn ngoái lại dặn thân: ngươi hãy về trước, ta đến ngay trước lúc trời sáng. Lợi dụng tối trời, thân bước thật nhanh qua đồng ruộng, đụn cát. Cô độc và bất trắc. Tảng sáng thì đến bãi Cwah Patih. Bọn chăn trâu thấy lạ quá réo nhau ơi hời lại xem:
– Tụi bây ơi người không đầu mà đi được nè, bây ơi! Tủi hổ, thân ngã xuống cát lạnh mà chết.
Đã vậy, sau khi thoát khỏi cũi sắt, thủ cấp về tới dinh thì đã khuya. Nó lên tiếng gọi. Lâu la nghe tiếng chủ mừng vui khôn xiết, chạy ra mở cửa: một cái đầu lơ lửng! Họ hốt hoảng la lên, đóng sầm cửa lại. Thủ cấp nhà vua tội nghiệp rớt bịch xuống đất vỡ đôi.

*
Câu chuyện ông anh họ kể lúc tôi mới lớp Hai hay Ba gì đó. Chúng tôi đang trên rẫy dưa. Anh trỏ về hướng đồi cát nơi thân Pô Rômê ngã đổ, rồi trỏ sang kinh đô Krōng Ala – Gần thế sao? Tôi hỏi. Chưa tới ba cây số. Anh nói:
– Nếu thân bước nhanh hơn để đến kịp trước khi trời sáng thì đâu đến nỗi.
Tôi tin anh. Anh biết nhiều quá.
Nhà Champa học trẻ tuổi xa rời làng nghèo từ đầu cấp III đã hoàn toàn bốc hết hơi cái gọi là hồn vía văn hóa quần chúng vô danh Cham trong máu, kịch liệt phản đối câu chuyện huyền sử này. Hắn hùng hồn chứng minh có đầu đũa hẳn hoi cho tôi biết tài thao lược và ngoại giao của Pô Rômê qua liên minh với thế giới Mã Lai, cùng các thuyền chiến Bồ Đào Nha đi qua Biển Đông… chuẩn bị cho quật khởi mới. Lí lẽ gân guốc xì ra đồng lúc với hai mép sùi bọt rất không đáng có về đề tài nghiêm trọng này.
– Tôi cãi cậu đâu. Cham chả đã xây tháp thờ ông là gì!
Công ông là đã gắn kết vết đứt tạm bợ của phân hóa tôn giáo trong giai đoạn khốn quẫn của lịch sử dân tộc. Chứ tài thao lược để làm gì (cứ cho vậy đi) khi đất nước qua tay ông đã bị đánh cho tanh bành xí quách. Chính thế mà Cham kính ông, phụng ông chứ chả phải chi chi khác đâu nhé. Nên khi vương mão vàng pha đồng đen nặng hai cân bảy bị xơi mất vào mùa xuân năm 1980, gần sáu vạn bà con Cham đổ nước mắt. Dù một đạo chích đã biệt tăm, một bị thộp cổ nhốt chung thân, Cham vẫn nghe uất ức mỗi lần nhắc tới. Nhưng thôi, vương mão dẫu là của vị vua tài ba đến đâu hiện hữu qua dạng vật chất thì nó cũng biến thiên dưới dạng vật chất. Chỉ tinh thần tồn tại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *