Chiều 7-3-2018, tại Sài Gòn, tôi có buổi nói chuyện với 20 độc giả báo Distant Horizons đến từ Mỹ, Pháp… Ba câu chuyện của tôi:
Câu chuyện về một dân tộc sống sót
Câu chuyện về một đứa con của dân tộc đó
Và câu chuyện của một nền văn học sống sót
[& phụ lục: Câu chuyện văn học ngoại vi Việt Nam]
40 phút nói + 40 phút trao đổi + 10 phút tâm tình, sau đó là phone với email riêng, ý kiến chung: Có 3 điều làm cho thính giả bất ngờ.
1. Nếu Kiến trúc-điêu khắc là bề nối, thì ở phần chìm, chính Hải sử và Văn hóa biển Cham mới là đóng góp lớn nhất của người Cham cho Việt Nam.
“Tôi đã đọc nhiều về việc người Cham đi biển, nhưng đây là lần đầu tiên có người nhìn vấn đề toàn diện và rốt ráo như thế. Từ nền hải sử lặn sâu vào văn hóa biển thể hiện qua nhiều lĩnh vực và khía cạnh khác nhau của đời sống Cham cả về mặt vật chất lẫn tinh thần”.
2. Bất ngờ thứ hai là Tôn giáo Ahiêr-Awal mà tôi kí hiệu bằng công thức:
[Hinduism + Islam] x Cham = Religion Ahier-Awal.
Cũng là lần đầu tiên độc giả D.H. biết đến một tôn giáo lạ đời mà vô cùng độc đáo. Độc đáo, bởi Cham đã hóa giải được Islam thành BÀ-NI, sau đó Bà-ni hòa giải với Cham Bà-la-môn để thành loại tôn giáo đặc thù dân tộc này.
3. Cuối cùng là về phần Inrasara.
Câu hỏi, Sara một “quan văn” cũng hơi bị bự: Phó CT Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban LLPB Hội VHNT các DTTS, nhưng hoạt động văn học chính lại ở vùng ngoại biên, thế mà Sara tồn tại được trong chế độ CS, có bí quyết gì không?
Tôi nói, chả bí kíp gì cả, mà chỉ tin vào tục ngữ Cham:
Tapak Pô thwak: [Thành] thật thì Trời rút [tên].
Bà Trời còn rút tên, huống chi con người.
Tôi có thể nói về Nguyễn An Ninh hay Fulro, về Châu Văn Mỗ hay Lưu Quang Sang, trong nước hay hải ngoại, cánh an ninh hay dân thường, chính thống lẫn phi chính thống mà không vấn đề; có thể nói thoải mái về Nguyễn Quang Thiều hay Nguyễn Quốc Chánh, về Nguyễn Đăng Thường hay Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Hưng Quốc hay Hữu Thỉnh, về Lê Vĩnh Tài hay Mai Văn Phấn… vô ngại.