1. … Không còn ai còn ai
khi Quê hương vắng mặt
người đi làm hành khất
ngày tháng rồi nguôi ngoai
… Khi đất khát mờ xa
người bạn bè mất lửa
hôm nay còn mình ta
ôm con đường, đóng cửa…
Bài thơ “Khi Quê hương vắng mặt” viết vào mùa Hè 85. Khi ấy tôi đang Ban Biên soạn sách chữ Chăm. Trước đó, bạn bè tôi vượt biên hụt và bị tù; rồi sau 3-4 năm, mấy sinh linh mang tâm hồn đẹp kia ra tù, và mất lửa.
Gần như tất cả! Không thể trách. Tôi chìm trong đáy sâu tuyệt vọng của tuổi trẻ.
Khi ấy tôi cùng gia đình nhỏ cư trú tại Cōk Hiếu Lễ. Jaka mới 6 tháng tuổi đang ngon giấc cạnh mẹ ở “phòng” trong dưới mái tranh rách [đúng nghĩa đen], Haly và J’Prang phòng ngoài. Nửa đêm, tôi lẳng lặng đi ra ngoài, nhìn vào sâu thẳm vòm trời.
Tôi thu tất cả “lửa” đã mất ấy vào lồng ngực mình, và hét lên một tiếng cuồng nộ vào khoảng trống trần gian. Qua tiếng hét, tôi NHÌN THẤY QUÊ HƯƠNG. Nhận mặt rõ NÓ như nhận ra người thương luân lạc từ kiếp trước trở về.
Đợi tiếng hét lắng xuống, tôi đi vào. Tôi hiểu, từ nay tôi phải chiến một mình.
Bài thơ được viết ra ngay sau đó, ở Phan Rang.
2. Hét thứ hai xảy đến 7 năm sau đó. Ở Sài Gòn. Khi chỉ sau một tháng vào Đại học “soạn” Từ điển Cham Việt, tôi nghe mình bị xa lánh và cô lập. Vô lí! Tôi, nông dân vô sản toàn phần, trong tay không mảnh bằng, không sự nghiệp, không gì cả. Tôi về quê nắm đuôi cày trở lại chăng?
Sau một đêm thức trắng [là lần đầu tiên trong đời], tôi vỡ ra sự thật.
Lúc đó tôi đang một mình với Jaya trong “biệt thự” cổ Pháp giữa khuôn viên rộng rinh đường Nguyễn Chí Thanh. Đứa con 4 tuổi đang thở nhè nhẹ, tôi lẻn ra ngoài, khép cửa lại. Tôi bước xuống góc sân, thu tất cả tuyệt vọng vào mình, và… hét.
Bác gác cổng già [vốn nặng tai] chạy trờ tới trố mắt nhìn tôi, tôi xua tay, bác quay đi. (Có lẽ bác méc với Trung tâm, tôi đã phải chuyển ra ngoài ở, sau đó).
HÉT, tôi nhận ra TIẾNG NÓI của mình.
Tôi biết tôi phải chiến đấu, qua tiếng nói vừa nhìn thấy kia! Dòng đầu tiên của Văn học Cham Khái luận được đặt xuống trang giấy ngay buổi sáng hôm đó.
Nếu HÉT1 là giữ lửa, thì HÉT2 chính là khởi động cho: Đốt lửa, nuôi lửa và truyền lửa. 24 năm chữ nghĩa, tôi đã làm đúng phần việc ấy.
3. Và mới nhất…
Sau non một năm “Thử đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr-Awal”, tôi rơi xuống đáy cùng của tuyệt vọng. Tai hại hơn là nó xảy đến khi tuổi mình đã xế chiều.
Tôi buồn đến tím mật thảm trạng của giới chức sắc cùng tín đồ Cham hôm nay [không trách – bởi đó là hệ quả của lịch sử], chán không thể ngửi nổi mấy mống trí thức ngu và tham nhảy vào đục nước béo cò; rồi tác động ngoại cảnh [mang tính riêng tư] như giọt nước làm tràn li đẩy tôi trồi lên, và ném tôi rớt trần truồng ngoài trời đêm. Tôi thấy mình như bị tước hết vũ khí!
Lúc ấy là khoảng 3 giờ sáng, tôi bước lên sân thượng lầu ba, nhìn sâu vào màu trăng mờ đục trời Sài Gòn. Tôi không hét [an ninh khu vực tó mất], mà là thu mọi âm thanh thành phố vào buồng phổi.
Thình lình một luồng ánh sáng vồ chụp lấy tôi: Ánh sáng Đạo Ahiêr-Awal.
Một ngọn lửa bùng cháy – trong tôi hay ngoài tôi, không biết nữa. Thứ lửa mạnh hơn mọi lửa tôi từng biết, phút chốc thiêu rụi tất cả BUỒN và CHÁN kia. Cả con người tôi thành mềm như nước, và đầy tràn tình yêu thương.
Tôi biết chính dòng NƯỚC này tôi sẽ mang đến cho đời, ngày mai.
Chỉ mình tôi, cô đơn trên hành trình của mình.
*
THAM KHẢO [chú thích cũ]. KHI QUÊ HƯƠNG VẮNG MẶT
Khi Quê hương vắng mặt
người tình ta lang thang
khối sầu soi tròng mắt
lối cũ mờ rêu phong
Khi Quê hương vắng mặt
bạn bè tay sần chai
nỗi áo cơm tất bật
mang vợ con bên đời
Không còn ai còn ai
khi Quê hương vắng mặt
người đi làm hành khất
ngày tháng rồi nguôi ngoai
Nơi miền đất vong thân
ngữ ngôn em cóp nhặt
không ánh lửa bàn chân
hơi thơ anh lịm tắt
Khi đất khát mờ xa
người bạn bè mất lửa
hôm nay còn mình ta
ôm con đường, đóng cửa
Ơi Quê hương lang thang
cuốn đời ta rong ruỗi
hôm nay mi dừng chân
giữa lưng chừng bóng tối
Soi bừng khuôn mặt mi
ơi Quê hương câm lặng
ta đốt cháy đời ta
cho vỡ ra bóng sáng.
Quê hương trong bài thơ không phải là tổ quốc hay đất nước, mà là quê nhà. Để con người cư ngụ, như là ở nhà mình. Bởi không ít sinh thể cư trú ngay đất nước mà vẫn làm lưu vong, sống như kẻ lạ. Không phải lưu vong thế sự hay do nguyên nhân nào bất kì, mà là lưu vong với tư cách là sinh thể mang tên con người. Họ không ở Quê hương như là Nhà mình.
Đó là thảm trạng chung của nhân loại hôm nay. Thiếu quê hương trở thành định mệnh của thế giới Homelessness is coming to be the destiny of the world – Heidegger nói thế.
Để tiếp cận Quê hương, kẻ tư tưởng đã phải rong ruổi cùng nỗi luân lạc của Quê hương, kiên trì giữ ngọn lửa âm ỉ cháy qua bao nguôi ngoai của tháng ngày biền biệt mà không bị khấu trừ bởi lợi lộc nào bất kì đến từ đời sống, không hãi sợ trước dọa nạt của thời cuộc. Nơi ấy kẻ tư tưởng cần dũng cảm cùng độ, một dũng cảm sẵn sàng phó mình, đốt cháy mình cho nỗi linh hiển của bóng sáng Quê hương.
Khi đã định, đã cư ngụ tại Quê hương như là ở nhà, kẻ tư tưởng dự phóng và hành động trong chân trời khả thể. Cư trú tại Nhà, khiêm cung với nhiệm vụ canh giữ “bóng sáng Quê hương”. Canh giữ, và tìm tiếng nói thích hợp nói lên với kẻ đồng hành.