– “Ban đầu có Lời, và Lời ở với Đức Chúa Trời, và Lời là thần” (Giăng 1:1).
– “Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Kinh đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Đảng. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng” (Inrasara, Tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1,2006.)
Gì cũng có thể nói được. Tại sao phải chừa trừ? Từ Chúa đến Phật, từ kinh sách tôn giáo đến tuyên ngôn chính trị, cả mấy taboo các loại, những thứ bị cho là nhạy cảm nhất trong cộng đồng. Quan trọng là ta tiếp cận nó từ đâu? Lên tiếng bằng tâm thế nào? Và ta nói điều đó ra sao?
1. Thuở bé, khi tôi hỏi mẹ hôm nay thứ mấy, mẹ kêu: “Ông khin”! Xakawi là công việc của Pô Adhya, người phàm không được đụng đến. Nhưng rồi, nửa thế kỉ qua, Cham đã bàn búa xua về nó, còn làm Lịch biếu tặng hay bán cho người nhu cầu nữa.
Kiêng kị đâu mà kiêng kị. Và có “ông khin” đâu!
Vừa qua khi tôi có ý định nghiên cứu Kinh Awal, một vị chức sắc kêu: Đó là lời của Pô Aulwah (Allah), kẻ trần mắt thịt không được bàn đến; ở phía khác, vị chức sắc phản bác: Chả có gì phải cấm kị cả. Ngoài kia người ta đã bàn, giải thích, tranh luận về Kinh Phật, Kinh Thánh ngàn năm qua rồi, ở ta – tại sao không?! Nếu ta kiêng kị mà Cham ngon lành hơn thiên hạ đi thì miễn, đằng này, ta đang kém – rất kém.
2. Tháng 5-2010 khi tôi đưa lên web Inrasara.com để bạn đọc thảo luận về “Sự cố Họa phẩm ‘Làng Chăm ơn Bác’ của nữ họa sĩ Chăm Chế Kim Trung” liên quan đến Bác Hồ, ông thầy đáng kính nghe tin hoảng lên hối hả phone cho tôi: Sara, đừng… Sara.
Tôi nói, không vấn đề gì đâu thầy ạ. Chả đụng gì đến Bác Hồ, mà chỉ bàn trực tiếp về họa phẩm có chi tiết liên quan. Tại sao? Bởi họa phẩm của CKT đã đưa ra xã hội, nó cũng cần đưa ra công chúng biết và bình luận công khai.
Sự thể thế này. Một câu trong ca khúc Amư Nhân: HỒ CHÍ MINH TRONG TRÁI TIM NGƯỜI CHĂM được CKT “bê nguyên xi làm khẩu hiệu gắn lên tháp Chăm, treo cả trên đầu thần Shiva” trong một tác phẩm của mình bị hầu hết Cham cho đó là phạm thần. Sau đó, mỗi người tùy tâm tính phản ứng mỗi giọng điệu khác nhau.
Ở đây, tôi không hùa vào phản ứng mọi người, mà là giải thích, điều tiết: Cuối cùng mọi việc ổn thỏa.
3. Mùa Thu vừa qua, nêu chuyện các vụ sinh linh Cham bị sát hại oan uổng suốt thế kỉ XX, một vị trí thức Cham can ngăn tôi đầy thiện ý, rằng mấy vụ đó nhạy cảm lắm, Sara ơi. Ông bảo ông là người chứng kiến, biết rõ ngọn ngành, và ông đã viết. Viết để cho con cháu đọc, sau khi ông đi theo ông bà.
Tôi hỏi, sao lại phải cực thế chứ. Ta sống hôm nay, thì hãy lo cho con người của hôm nay. Đợi ngày mai, thì bao giờ cho tới ngày mai?
Sinh linh Cham bị chết oan, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau: Từ cáo giác lẫn nhau do tư thù cho đến sai lầm về chiến thuật ở tầm vĩ mô, từ ngẫu nhiên lịch sử cho đến sự toan tính cá nhân… Cần nêu chúng ra, để ta có bài học kinh nghiệm.
Không học NGAY hôm nay, thì đến bao giờ học?
Quan trọng là ta nói thế nào. Ở đây tôi đặt cái tít: HIỂU ĐỂ GIẢI SÂN HẬN. Nói lên để biết, để nhớ, và dứt tiệt căm thù. Để sống, yêu thương và sáng tạo.
+ Như tôi nêu vụ Ghur Darak Neh. Ngay ở hội trường Khách sạn Phong Lan, Phan Rang, tôi được mời tham luận đầu tiên, và ngay câu đầu tiên, tôi nói:
– Mặc dù tôi không là Đảng viên, nhưng tiếng nói của tôi là giúp đỡ Đảng. Tại sao tôi dám khẳng định thế? Đất nghĩa trang Cham Bà-ni bị lấn chiếm, lấn tàn bạo đến mức nào đó và đến ngày nào đó, Cham không chịu nổi thì sẽ phản ứng. Điều gì sẽ xảy ra? Đổ máu – Mất “đại đoàn kết” Cham Việt – Xử lí sự cố sẽ tốn ngàn lần hơn phòng ngừa sự cố xảy ra.
Nhà văn là người thấy trước, sợ trước, và nói trước.
NÓI TRƯỚC, để cuối rốt sự thể được ôn thỏa – Không hay sao!?
Đó chính là PHẢN BIỆN XÃ HỘI.
KẾT. Cái gì cũng có thể nói được, là vậy.