Sống minh triết 07. HAY TÔI ĐÃ QUA BỜ BÊN KIA RỒI MÀ KHÔNG HAY?

Tháng trước, cà phê cóc ở Phan Rang, ông anh Bá Văn Trinh nổi hứng khen Sara:
– Công nhận Sara chịu đựng giỏi thiệt, người ta công phá dữ thế, mà thằng em cứ là tỉnh bơ.
Cảm ơn ông anh đã khen, dù là lời khen hơi bị… sai. Tôi nói lửng:
– Sara có chịu đựng đâu, mà là cái khác cơ.
Ngay ở Stt “Viết Đầu Năm”, tôi nói rõ nguyên do, và đã kết rồi: “Tôi không thể hiểu, làm sao một Cham hiểu biết có thể thù ghét một sinh linh Cham nào đó được?”. Nay, xin kể mấy chuyện vui, để minh chứng thêm, như cách trả nợ lời khen của ông anh quý mến.

1. TỰ ÁI & MỈA MAI
Mấy rày từ chuyện đẩu đâu chả dính dáng tẻo teo tới mình, không dưng tôi bị ám chỉ, để rồi mỉa mai rằng là “sáng tạo”, rằng là “hàng đầu”, là “đại biểu tiếng nói Cham”, vân vân. Mỉa mai từ các bạn thuộc hàng con cháu, mới ẹ chứ!
Nghe – đọc phải, không buồn mới lạ.

Nhớ năm kia kìa, do lơ ý [nghĩ là chả gì nghiêm trọng] tôi đăng một bài bình luận về một bài viết về văn chương cô bạn trên web nhà, một anh bạn Cham tự ái lập ngay FB ảo “chuyên trị Sara”. Trận trị kéo dài nghe nói suốt 3 tháng, mới thôi. Nghe méc, tôi có liếc qua, rồi ngoảnh đi không nửa lần ngoái lại.
Chuyện nhỏ con mà làm đại to cồ thế, hỏi có đáng chán không?
Nhưng rồi buồn & chán ấy qua nhanh lúc nào không biết.
Tôi đã nhảy phóc sang bờ bên kia rồi còn gì!

2. NGỘ NHẬN & PHIỀN TRÁCH
Ca sĩ Chế Linh bị một trang mạng Cham hải ngoại tố cáo một rằng “đầu hàng chế độ”, hai rằng về hát “ca ngợi Đảng và Nhà nước”, để sau đó một blogger Việt nổi tiếng trích lại để xỏ xiên. Xỏ xiên anh, nhân tiện xỏ xiên lây lan sang cả bà con Cham.
Tin từ Tuệ Nguyên, tôi mới biết và vặn hỏi blogger ấy: Trích đăng, chị có kiểm chứng thông tin chưa? Rằng danh ca này hát ca ngợi Đảng với Nhà nước ở đâu? Hát bài gì?
Nói là nói cho, nói giúp: Bênh vực Chế Linh ba, minh giải cho Cham mười. Để người ngoài biết rằng Cham không đến nỗi tệ thế.
Vậy mà ông anh mình nghĩ Sara đang chê ông anh! Hỏi có chán hôn? Chán lắm chứ. Rồi nỗi chán trôi qua nhanh.
Tôi đã qua đến bờ bên kia lúc nào không hay nữa!
[Vụ này 100% các bạn trẻ còm kêu: bác Chế sai rồi, cei Sara nói là nói bênh vực bác đó].

3. KHIÊU KHÍCH & LÊN ĐÀI
Rồi có ông anh Cham ở tận trời Mã xa xôi không biết trời xui biển khiến sao cứ lâu lâu nổi hứng thách Sara lên đài… đấu. Tôi nói: Dạ, em xin chịu thua trước, thua từ lâu rồi mà. Thế là ông anh kêu om sòm cho làng trên xóm dưới biết, còn bố cáo với cả thế giới hay là Inrasara-trí-thức-hèn. Hỏi có kì hôn? Và có buồn không? – Buồn lắm chớ.
Rồi niềm buồn cũng qua mau. Mở mắt ra, tôi bỗng thấy mình ngồi tận bờ bên kia rồi; quay ngó lại chả thấy bóng ông anh đâu.
[Thế nên tôi mới có Stt nhắn những người quen gởi đến ảnh: Thôi đừng thách nữa, anh mới hạng ruồi, ông Sara hạng siêu nặng, khích quá giây phút ổng mất bình tĩnh nổi khùng nhảy lên đài giập cho lép xẹp, ổng ở tù thì chẳng còn ai lo cho Chàm mình nữa đó].

4. XUYÊN TẠC… HỐ
Vụ này mới ghê. Tôi viết ở BBC:
“Sau này 1975, 5 vạn người Cham chạy trốn cuộc thảm sát của Pôn Pốt qua Mã Lai sinh sống, và không có ý quay lại Campuchia” (G. Moussay).
Ông anh khoa bảng ở tít hải ngoại phản bác tôi trên mạng như sau:
“Sau năm 1975 có rất nhiều người Chăm Campuchia chạy sang Mã Lai lánh nạn, nhưng người ta không biết số lượng là bao nhiêu. Thêm vào đó, G. Moussay không bao giờ viết bài về người Chăm chạy sang Mã Lai. Tại sao Inrasara lại GÁN CHO G. Moussay về TỘI này, có thể làm cho G. Moussay ĐAU LÒNG DƯỚI ĐẤY (síc) MỒ hoang vắng ở nghĩa địa.”
Bà con đọc các chữ tôi viết hoa cói, giá tôi có viết sai là SAI lầm học thuật, chớ làm gì mà kêu: “gán cho”, rồi “tội”, rồi “đau lòng nơi chín suối”! Mà tôi có sai đâu mô. Xem nè:
Nguyên văn Moussay: (Grammaire de la Langue Cam, MEP, Les Indes Savantes, Paris, 2006): “Một nhóm khá đông người Chăm Campuchia (khoảng năm chục ngàn người) đã rời bỏ xứ sở vào năm 1975 sau khi quân Khmer đỏ chiếm chính quyền; nhóm này hiện đang tị nạn tại tiểu vương quốc Kelantan, Mã Lai”.
Chính các anh ấy in tác phẩm ấy, và đoạn ấy nằm ngay ở “Phần dẫn nhập” mà các anh quên béng đi. Nếu trí nhớ có suy tàn thì hỏi lại, rằng thằng em Sara moi ở đâu ra thông tin ấy, để Sara nhắc vở cho, đằng này…]
Hỏi bà con có ớn không? – Ớn chớ bộ!
Ớn, và tôi lên đò đáo bỉ ngạn sang tít bờ bên kia.

Thế nên sau tất cả nỗi ấy, tôi chỉ “đính chính”, “minh giải” nhẹ nhàng, dịu dàng. Dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi. Là vậy!

Còn nhiều chuyện tếu ở làng chữ nghĩa Chàm mình nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *