Nhà thơ Hồ Dzếnh thì vậy, chớ tôi chả có nổi mảnh tình dang dở nào được gọi là đẹp. Ở đó hoặc là tôi được, hoặc mất – mất theo thể cách buồn cười không biết cất vào đâu.
Riêng vụ dang dở về chữ nghĩa, thì khác: cực đẹp. Bởi nó buộc ta nhớ nhung, tơ tưởng mà không thể chắp nối. Chắp nối, nó mất đi cái đẹp của thuở ban đầu lưu luyến ấy.
1.
Mùa Đông 1990, buôn bán thất bại te tua từ miền Nam, tôi quy hồi cố hương làm lại từ con số âm, để nuôi sống gia đình 7 miệng ăn thời buổi giá-lương-tiền. Làm hàng xáo, trồng rau muống, chích heo, câu cá… tranh thủ giờ phút rỗi, viết. Trên tập kẻ ngang vàng ố dưới ánh điện leo lét cuối palei. Lại đụng tiểu thuyết sử thi, mới ớn.
CON ĐƯỜNG VÔ TẬN, 3 phần 9 tập, dự tính hơn ngàn trang.
3 tháng tôi làm một lèo 2 tập của phần I.
Tết, bà xã đấu thầu quán tạp hóa Chakleng, trúng. Tôi xắn tay áo vào thủ, ngày đêm túi bụi với con số. Thế là mối tình đầu văn chương dang dở.
2.
Mùa Hè 2005, hưng phấn với món Tân hình thức do nhà thơ Khế Iêm chào hàng, tôi tếch về quê, tính làm nguyên tập thơ 40 “chuyện đời thường Cham”. Ngày đánh 3 bài; được 18 bài thì bà xã [lại bà xã] kêu vào Sài Gòn giải quyết khủng hoảng Cty. Câu chuyện đứt mạch. Sau đó tôi rặn thêm được “Một ngày trong đời Trần Wũ Khang”, rồi thôi, không cố thêm.
Tập thơ Chuyện 40 Năm… thay vì 40 mà chỉ được 18+1 bài thơ Tân hình thức, là từ cuộc tình dang dở ấy.
3.
Đầu tháng 10-2015, bị va quẹt nứt xương cẳng chân nằm nhà, chả biết làm gì, tôi mang “Hồ sơ Biên bản so sánh” ra lập, đăng Văn Việt. Đang nổi hứng và ngon trớn qua 19 biên bản, thì anh Đạm trở nặng, tôi vội vã thu xếp lên xe đò về. 3 tháng sau ông anh mất. Và mình cũng mất hứng luôn.
Trong khi chi tiết hồ sơ đã đâu vào đấy, mà không cách gì trở lại được. Đành dang dở ở con số 19 [Ồ, phải chạy ra chợ đánh số đề 19 thôi].
Tạm kê khai ba cuộc tình chữ, nhớ mãi, và dù trở lại cũng được, nhưng không. Cứ để cho nó dang dở. Và đẹp.