12. Trở lại chuyện Pabblāp Birau
Serie bài NGƯỜI CHAM VẪN CÓ THỂ LÀM GIÀU, trong đó tôi rất bất ngờ khi: Stt “03. Làm gì để Pabblāp Birau ổn định?” nhận được rất nhiều quan tâm: like, share, nhất là ý kiến tham gia bình luận. Karun rất nhiều!
Bình luận về Xây dựng làng nghề Thuốc nam Phước Nhơn, đa phần là: bất lực và phó mặc. Rồi bên cạnh ý kiến mang tính xây dựng, cũng có vài ý chủ bại. Có thể rút thành 3 ý chính:
– Khó lắm, không thể làm nổi.
– Thuốc là nghề đặc thù, không thể so sánh với làng nghề Thổ cẩm hay Gốm.
– Chính quyền phải là người đi đầu.
Thử hóa giải tuần tự 3 ý trên.
1. Khó, mới thử thách sự sáng tạo. Cái khó không bó cái khôn, mà là làm LÓ cái khôn. Và khi ta vượt khó được, thì thành quả mới xứng đáng.
Bảo khó lắm, không thể làm nổi, thì coi như hết đường rồi còn gì. Vạn sự khởi đầu nan, ngày trước Chakleng hay Bàu Trúc cũng “Bắt đầu từ con số không, từ con số âm – có lẽ” (thơ Inrasara). Và họ đã làm được.
2. Thuốc là nghề đặc thù, đúng lắm. Đặc thù thì chúng ta có cách ứng phó một cách đặc thù với cái đặc thù đó: nghiên cứu và tìm phương cách đáp ứng thích đáng.
Ví dụ: Làng nghề Thổ cẩm, xưa bà con Mỹ Nghiệp cũng:
– làm hàng thô – nay đã biết chế tác thành sản phẩm.
– làm bằng tay – nay đã lên bán công nghiệp.
– đi Cru bán dạo – nay vừa có Cty ở Sài Gòn, vừa có cơ sở ở quê, và cũng không bỏ lối đi Cru bán dạo cổ điển.
Từ đó Thổ cẩm phát triển, và nổi tiếng, dân Chakleng giàu lên.
Làng nghề Gốm:
– trước đây gốm Bàu Trúc chỉ có vài kiểu mẫu cổ – nay hàng trăm kiểu dáng xuất hiện.
– trước làm xong đội đi dạo palei Cham, xe chở cồng kềnh qua tỉnh khác bán – nay khách hàng tìm tới mua tận nơi, hay đặt hàng.
Hai palei kia làm được, tại sao 2 palei Pabblāp thì không?
3. Chính chuyền [địa phương] hiếm khi đi đầu lắm, nếu Trung ương hay Tỉnh chưa bảo đi. Ở Chakleng thấy rõ nhất. Nhiều thay đổi là do các thế hệ trí thức mở đường, và dẫn đường, Chính quyền mới làm theo. Họ chịu làm theo là còn may đó.
Có bạn cho biết: Từ mươi năm trước, ở An Nhơn 5 sào đất trồng thử nghiệm thuốc vẫn là làm cho có đó thôi!
Vậy yêu cầu là palei phải có nhóm trí thức hiểu biết: Trước tiên 4-5 người cũng đủ. Họ có khả năng, thành tâm xây dựng palei, và biết thuyết phục chính quyền và bà con theo. Phải làm thật, và dám đi những bước đầu tiên.
LÀM GÌ?
– Thuốc tự nhiên khan hiếm, nhất là loại thuốc quý; nhiều loại thuốc palei Pabblāp phải đi mua ở tiệm thuốc Bắc, vậy muốn có thuốc không còn cách nào khác là phải trồng: Ít nhất là các cây thuốc thông dụng, sau đó tiến tới nhân giống các loại hiếm hơn. Trồng trong nhà, ngoài vườn, và lập rẫy nữa. Nước đã đủ đầy, bỏ công chăm sóc là ổn.
– Mở tiệm thuốc tại làng cung ứng cho người bán thuốc: Bà con cần thì có ngay thuốc để mua, hoặc các “thầy” đi xa khi hết thuốc, chuyển tiền về đặt hàng, ta gửi qua bưu điện – như Thổ cẩm vậy, rất tiện.
– Pabblāp có vài thầy thuốc uy tín, đã lập trạm [chứ không phải dạo hay ngồi chợ] tại các tỉnh khác: Nguyễn Hữu Tào, Lượng Thị Dãnh, Tai Rai Tài Rài, và cả bác ở Pabblāp Klak mới mất nữa. Có các “tiệm” ở phương xa, vừa mở tiệm ngay tại quê càng tốt. Khám tại chỗ, bốc thuốc tại chỗ luôn. Thổ cẩm Chakleng hay Gốm Bàu Trúc cũng làm như thế.
GIẢI QUYẾT ĐƯỢC GÌ?
– Phục hồi uy tín Nghề thuốc nam Cham, và cả cho cộng đồng Cham.
Xưa ta từng mang tiếng palei Pabblāp bán thuốc cứt dê, mới đây có thêm vụ lừa người phải hầu tòa, ảnh hưởng cho làng nghề lẫn cho Cham nói chung.
– Giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, đời sống con cháu từng bước ổn định.
– Nhà nước thấy ta làm được, và quyết tâm làm chứ không còn mang ý định rày đây mai đó qua ngày, chắc chắn họ sẽ đầu tư. Khía cạnh này, có thể lấy Thổ cẩm Chakleng làm điển hình ta nói theo: “Dân đi trước, Nhà nước đi sau”.
Thug siam!