01. Giải định kiến: “Không ai giàu 3 họ”
Vừa đọc qua cái tít bài viết của Nguyễn Văn Tỷ bàn về kinh tế Cham đăng Tagalau, không ít người dè bỉu: “Ông Tỷ làm ăn chẳng nên thân mà đi dạy người ta làm kinh tế”. Là một phát ngôn hơi bị bậy. Tại sao? Đâu phải huấn luyện viên nào cũng là ngôi sao bóng đá, đâu phải nhà kinh tế nào cũng là triệu phú, hoặc một nhà phê bình thơ xuất sắc đâu cần ông ta biết làm thơ, hoặc làm thơ hay?
Hôm nay tôi bày Cham làm kinh tế, sẽ không bị vạ kia, không khó hiểu: Tôi đã từng 2 lần tay trắng làm nên – một ở nông thôn Cham, và một ngay trung tâm Sài Gòn.
Loạt bài làm thành serie, vừa lí thuyết vừa cụ thể về thực tiễn các palei Cham. Mời bà con và các bạn theo dõi.
01. Giải định kiến: “Không ai giàu 3 họ”
Cham cần giàu thì rõ rồi. Cham cần có nhiều người giàu – càng đúng. Và ngay cả anh láng giềng có cái mặt chả ưa nổi sống sát nhà ta, ta cũng cầu cho nó giàu.
Còn thấy người giỏi hơn ta, làm được hay giàu hơn ta mà ta sanh tâm ganh ghét, ta nói xấu, ta nảy ý làm hại, thì chỉ tổ tự chứng tỏ ta… KHỜ, không là gì khác. Tại sao?
Chuyện thuở 25 tuổi tôi ý định giao tư liệu ngôn ngữ cho Hẳn, và tư liệu văn học cho Đảo, không phải tôi tốt, tôi cao thượng chi chi, mà chỉ vì tôi muốn họ hỗ trợ tôi về văn hóa Cham. Là muốn cho cái chung. Nhiều người cùng làm, tầng sâu của nền văn hóa sắp tiêu vong ấy sẽ được khai vỡ nhanh, nhiều và đầy đủ hơn. Phần tôi đỡ nhọc hơn.
Cộng đồng Cham, có nhiều người giỏi, đạt nhiều thành tựu thì tốt, qua đó ta có tài liệu tham khảo. Trong một palei, có nhiều người giàu, ta được nhờ vả không cái này thì cái khác.
Ở một gia đình cũng hệt, nếu anh chị em ai cũng làm ăn khấm khá cả, thì không ai phải nhờ vả ai. Ta tránh được tình trạng Ia bblung dung gaup: Chết đuối níu nhau chết chùm.
Người Việt nói: “Không ai giàu 3 họ”; người Cham tin vậy, không phải không đúng. Bởi kinh nghiệm lịch sử rành rành đó. Thời gian gần đây cũng không khác: mấy điển hình cứ là tiên tiến.
Ta giàu, xung quanh ta khốn khó, ta không thể không giúp họ ít nhiều: của cải ta bị sứt mẻ.
Ta giàu, ta mở quán, không ai đến mua: quán bị ế, ta thu nhập thấp.
Ta giàu, ta cho con cháu ta học, con cháu xung quanh “mất dạy”: ta khó mà giáo dục người nhà theo ý ta.
Ta giàu, ta gặp tai nạn mà quanh ta toàn người nghèo, ta phải tự lo liệu.
Ta giàu, làm ăn xui rủi, anh chị em bà con ta nghèo xơ xác nên dù rất muốn, nhưng không ai có khả năng hỗ trợ ta để quật khởi trở lại: ta thành khánh kiệt.
Chương trình tiếp tục…
Vậy, muốn giải định kiến “Không ai giàu 3 họ”, nhiều người trong anh chị em ta phải giàu, phần đông bà con ta cần khấm khá, hàng xóm láng giềng ta đa phần có của ăn của để. Dù họ chẳng giúp gì ta, nhưng ta hiểu: Họ không bám ta, ta biết ta còn có đất để dựa mà vững tâm làm ăn.
Thử nêu một điển hình gia đình Cham [xin miễn nêu tên], dù không phải “tiên tiến” nhưng là một ví dụ có thể đánh bạt định kiến này.
Trước 75, ông bố có học, làm lớn, gia đình khấm khá [so với Cham].
Sau 75, ông đi tù, nguy cơ nghèo rình rập; may! anh chị em ông làm ăn khấm khá: ổn.
Ra tù, do con cái ông được học hành tử tế [CÓ GIÁO DỤC], lần hồi ông quật khởi trở lại.
Sau đó ông tiếp tục… giàu. Và tôi tin gia đình này còn giàu đến 4-5 đời sau đó.
Tại sao không?