CHAKLENG: HÀNH TRÌNH VỀ PHÍA ĐẸP, PHÍA TIẾN BỘ

05: TỪ LÀNG THỔ CẨM ĐẾN PHỐ THỔ CẨM

1. Dân số phát triển, palei Chakleng mở rộng, và thị trấn Phước Dân đi lên thị xã, là điều chắc chắn diễn ra trong 10, 15 năm tới. Ta làm gì?
Thấy trước, nghĩ trước để hành động ĐÚNG là điều cực kì quan trọng, trong phát triển kinh tế gia đình và xã hội. Kinh nghiệm của tôi: 1 thất bại + 4 thành công + 1 thất bại:
– Năm 1990: Trong khi đa số bà con Chakleng còn gùi thổ cẩm lên Churu, tôi cùng bà xã quyết mở ra hướng khác: Đi vào miền Tây. Thất bại nặng, tôi rút ra kinh nghiệm đáng đời: Thổ cẩm chỉ có thể bán cho người giàu, càng giàu càng tốt!
– Năm 1992: Từ suy nghĩ đó, chúng tôi dồn vốn mở quày Thổ cẩm tại Thương xá TAX ngay trung tâm Sài Gòn; sau đó mở rộng đại lý khắp đất nước – là điều chưa ai làm.
– Năm 1994: Khi bà con Chakleng còn bán sản phẩm thô, chúng tôi tổ chức chế biến Thổ cẩm thành hàng hóa: 300 chủng loại tuần tự ra đời được đưa ra thị trường, qua đó, Cơ sở Thổ cẩm Inrahani phất to.
– Năm 1998: Khi Thổ cẩm bị khách chê là không đều tay, hàng ra chậm không đáp ứng nhu cầu, chúng tôi ra Hà Đông nghiên cứu nâng cấp dệt bán công nghiệp, từ đó thổ cẩm Cham không còn bị chê nữa.
– Năm 2000: Khi Thổ cẩm Cham còn bán quanh quẩn trong nước, chúng tôi thành lập Cty, mở rộng thị trường Thổ cẩm ra nước ngoài: 12 nước cả thảy. Qua đó thế giới biết về hàng dệt Cham nhiều hơn, hàng bán nhiều hơn.
– 2002, tôi nghỉ kinh doanh, giao Cty cho bà xã nắm. Để rồi khi tất cả “đi đầu” kia bà con ta đã bắt kịp, tôi bày bà xã chuyển sang bán THỔ CẨM TRÊN MẠNG, bà xã [do có tuổi] không theo kịp trào lưu mới: chỉ làm cầm chừng, và thất bại!
Từ bấy đến nay, 15 năm qua, tôi chưa thấy Thổ cẩm Cham có “cải cách” quan trọng nào khác.
Kết luận: Biết và dám ĐI ĐẦU, luôn quyết định cho sự thành công.

2. Dân số tăng, palei Chakleng mở rộng và thị trấn Phước Dân phát lên thị xã, là điều PHẢI ĐẾN. Vậy ai có thể chuẩn bị đón nó? Và đón nó thế nào?
– Chakleng đã có Jaka làm HomeStay đầu tiên, vài năm tới sẽ có nhiều HomeStay khác mọc lên. Tôi nghĩ, mọc lên càng nhiều càng tốt. Buôn có bạn, bán có phường mà. Từ đó khách tập trung về, và nghỉ lai, không chỉ 2-3 đêm, mà nhiều đêm.
– Nhu cầu dạo chơi thư giãn và mua sắm, kéo theo Chakleng cần đến phố đi bộ, rồi là các Shop Thổ cẩm ăn theo phục vụ du khách.
– Bà con ta có thể trở lại dệt theo lối cũ: Hàng dệt tay sẽ mắc hơn nhiều, từ đó ta trả công cho thợ cao hơn dệt máy bán công nghiệp như hôm nay.
Làm thế nào? Ai nghĩ trước, và nghĩ hay hơn, người đó sẽ thắng.
Qua đó Chakleng sẽ thắng lớn. Yêu, bày cho bà con thấy trước như thế.

3. Ghi chú cần thiết.
Năm 2008, nghe tin Chakleng được Nhà nước đầu tư làm Làng nghề Thổ cẩm, bà xã bàn với tôi dựng Nhà Trưng bày Văn hóa Cham để “đón thời cơ”. Tôi OK, đồng thời NON.
Làm ĐẸP làng xóm – tốt lắm, nhưng TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC BÁN GÌ CẢ!
Từ khi vào Sài Gòn làm việc, tôi có suy nghĩ rất rõ: Mang tiền từ xa về tiêu ở quê, chứ không ngược lại. Và tôi làm hệt vậy.
Năm 2005, mở CÀ PHÊ SÁCH [có khai trương đàng hoàng] chủ yếu để tạo chỗ cho anh chị em hay khách xa về đọc sách: thất bại. Nguyên do: không người có tầm quản lí.
Năm 2012, Tôi tính khi làm xong khu 1-2, sẽ làm tiếp THƯ VIỆN CHO CHAM [ở khu 4, 1 lầu, 4 phòng với 5.000 đầu sách sẵn có] cuối cùng, do hụt vốn: thất bại.
Đến nay, Nhà Trưng bày Văn hóa Cham INRAHANI đẹp thì có đẹp, nhưng là một dự án dang dở. Và đang chuyển hướng rồi. Mình không thể tuh swa lột vỏ sống thay cuộc sống của con cái được.

LÀM ĐẸP, VÀ GIỮ CHO ĐẸP QUÊ HƯƠNG là nhiệm vụ của BQL Thôn, và mọi đứa con Chakleng. Kajap karô – Thug siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *