CHAKLENG: HÀNH TRÌNH VỀ PHÍA ĐẸP, PHÍA TIẾN BỘ

03: HẦM MỸ & LỜI CẢM ƠN GỬI TỚI ANH DĨNH
Photo Inrajaya.
1. HẦM MỸ là “quà tặng” lính Mỹ ban cho Chakleng, một quà tặng vô giá.
Hầm Mỹ gắn bạt ngàn kí ức với mọi đứa con Chakleng, riêng tôi sở hữu bao nhiêu là kỉ niệm cùng Hầm Mỹ.
Hầm Mỹ, tôi cùng anh Đạm mấy buổi sáng chạy thục mạng lượm rác Mỹ trong đó có xi măng thừa, để cha làm cái thành sau nhà trụ suốt vài chục năm.
Hầm Mỹ – những chiều thơ mộng, cho cặp bò gặm cỏ ở đầu bên kia hầm, tôi nằm dài trên thảm cỏ nhìn mây trời bay và nghe hoang vu của nỗi đời. Một phần trường ca “Lãng Tử, Tình Yêu & Quê Hương” được viết ngay tại đây.
Hầm Mỹ đi vào nhiều đoạn phim về tôi, về palei Chakleng, về nhiều đứa con Chakleng khác.
Hầm Mỹ là “nhân vật” chính cho truyện vừa của tôi. Viết xong năm 2014, tôi dùng luôn tên Hầm Mỹ đặt tít truyện.
Hầm Mỹ – thất bại những chuyến buôn bán miền Tây trở về, ngày ngày tôi xách cần câu qua Hầm Mỹ mang đám cá rô phi về kho, giải quyết tiền chợ.
Cá nhân tôi thôi đã vậy, với mấy ngàn sinh linh Chakleng, Hầm Mỹ… ôi thôi, miễn kể.
Hammy-Dep03
2. Hầm Mỹ là di tích palei, không đáng sao?
Thế nên ta cần giữ, để cho HM vừa đẹp vừa có ích…
Từ sau 75, HM đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống dân làng, như: Cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho các hộ gia đình trong khu vực; cung cấp nước uống cho trâu bò, dê cừu trong những tháng hạn; là nơi tạo cảnh chụp ảnh, quay phim về đất văn vật Chakleng; cạnh đó, HM còn là nơi cho dân làng câu cá giải trí hay phục vụ đời sống.
Nhưng lạ, khi Hầm Mỹ bị xâm hại, ta nín thinh!
Một ví dụ nhỏ: Hè năm 2015 Phan Rang khô hạn, HM2 sắp cạn nước, hai cha con ông Yôn ở đẩu đâu cưỡi ngựa về chài lưới. Chỉ qua một mẻ, coi như xong: Sạch sành sanh cá! Trong khi hàng ngày con cháu Chakleng qua HM kiếm cá, trong khi chính Jaka mỗi chiều cũng qua đó ngồi câu tạo dáng. Vậy mà KHÔNG AI có một tiếng nói, còn rủ nhau đi xem, và nhe răng ra cười nữa.
TA KHÔNG NGẠC NHIÊN, đó chính là điều đáng nói nhất.
Ta xem đó là chuyện thường, của chung, ai có lưới thì có quyền chài. Là SAI TO.

3. Rồi khi anh Lưu ngọc DĨNH lấn/ lấp HM làm rau muống, ta cũng xử sự y hệt. Nếu ta biết NGẠC NHIÊN, và nhắc ngay lúc anh khởi công, thì hay biết bao!
Mãi có người lên tiếng, anh Dĩnh mới hiểu ra – VÀ THÔI. Theo tôi, lỗi ở đây là do bà con ta LƠ LÀ thì nhiều, chứ rất ít là do anh Dĩnh. Một nông dân, thấy đất trồng, ai mà chả ham?
Tôi xin nói lời cảm ơn anh ở đây, là vậy: Biết mình sai, và sửa. Thế mới là người biết, là con dân Chakleng chính hiệu con nai vàng. Cham có câu:
Dak lihik kabaw yau dōk hơn di mưlau bbōk:
Thà mất cặp trâu còn hơn mất mặt. Vụ này, 3 tình huống có thể xảy ra:
– Biết sai và sửa sai, thì không có gì mất mặt cả. Còn xứng danh anh hào nữa!
– Còn đợi cho làng xử thua [chuyện chắc chắn], mới mất mặt.
– Đáng xấu hổ hơn nữa, khi ta cứ lì đó. Hàng ngày dân làng qua lại, mỗi người nói một tiếng, thì tiêu. Cham nói: Lek di pabah di dalah [Rơi vào miệng lưỡi người đời] còn khốn đốn hơn. Con cháu ta lớn lên nhìn thấy không dưng lòi ra đám rau muống ngay HM, họ cũng xấu hổ lây.

Chuyện đã qua, và đã êm. Lần nữa karun BQL Thôn đã kịp thời giải quyết, karun anh chị em đã nhập cuộc, và cả Lưu Ngọc Dĩnh nữa!
LÀM ĐẸP, VÀ GIỮ CHO ĐẸP QUÊ HƯƠNG là nhiệm vụ của BQL Thôn, và mọi đứa con Chakleng. Kajap karô – Thug siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *