Tôi mê triết từ khá sớm, 15 tuổi, ngay ở tuổi tìm học. Mà là loại nặng: Nietzsche, Heidegger, Suzuki, Kinh Phật… Mê, tìm, và chép. Năm 1978 tôi bỏ nguyên một năm cày thuê dành tiên mua sách. Ưu tiên cho triết học, và Kinh Phật.
Heidegger, tên tuổi ngay cả các chuyên gia triết học cũng ngán chứ đừng nói Cham cùng trang lứa, vậy mà tôi đi mê. Tôi lục tung Sài Gòn tìm sách ông: tiếng Việt, Anh, Pháp.
Chuyện cũ kể lại. Năm 1977, ông thầy cũ ghé nhà tôi tại Chakleng thấy tôi đang ôm cuốn L’Être et le Temps của Heidegger, chợt nhăn nhó:
– Trời đất! Thiên hạ đang chết đói mà mầy lại đi đọc triết! Mầy sống bằng không khí à? Thế là ông thầy lên lớp tôi một hơi về phải học biết thế nào là thực tế, thực tiễn. Tôi im lặng chịu đựng, không một lời cãi lại. Đợi cho ông qua cơn thuyết giáo, tôi mới thủng thẳng hỏi:
– Thầy có biết mình đang sống dưới chế độ nào không?
– Chủ nghĩa xã hội, đương nhiên.
– Thế chế độ này do ai lập nên? Không phải Hồ Chí Minh sao?
– Thì đúng rồi!
– Mà Hồ Chí Minh là ai? Ông có phải học trò của Lênin, và học thuyết Lênin chẳng phải xây dựng trên nền tảng triết học của Marx? Mà là ai chứ? Ông ta hẳn nhiên là đại triết gia rồi…
Ông thầy nín thinh, tôi tiếp: Con người là cây sậy suy tư… Chỉ cần một làn gió cũng đủ giết chết con người. Nhưng làn gió kia khi giết chết con người, nó không hiểu, còn con người thì hiểu. Pascal – chắc thầy không quên. Đây là chế độ đang tác động đến chính cuộc sống của em và mọi người xung quanh em, em là con người, em cần hiểu nó. Hiểu đến nơi đến chốn. Vậy thôi.
Kẻ trầm tư thường bị cho là vô công rồi nghề, ăn bám xã hội. Tôi – như quan niệm nhà Phật – cho rằng, chính kẻ suy tư biện minh cho sự có mặt của con người trên mặt đất. Con người sinh ra, lớn lên, vươn dậy và té ngã, chịu bao đau khổ rồi chết, vô tăm tích. Nhà văn dày công suy tư, cật lực để làm ra tác phẩm để đời, rồi bị đời lãng quên. Dân tộc đổ ra bao nhiêu công lao, máu và nước mắt dựng lên nền văn minh, để rồi nó tiêu biến đâu không biết. Phi lí xiết bao. Kẻ trầm tư biện minh cho nỗi phi lí ấy.
Chính từ tư tưởng Nietzsche, Heidegger dẫn tôi dễ dàng đến với hậu hiện đại.
Giữa rừng già Kinh Phật, tư tưởng hậu hiện đại chiếm một góc nhỏ, nhưng là một góc sáng giá. Hậu hiện đại phi tâm hóa để những cá nhân nhìn những cái KHÁC với tâm bao dung, để các tổ chức tạo cơ hội cho mọi bộ phận NGOẠI VI, để bạt ngàn những nhỏ lẻ, yếu hèn, thiểu số không còn là là phương tiện cho bánh xe lịch sử nghiền nát phụng sự cho nỗi cao cả gì không biết.
Để mọi sinh linh – dù hiện hữu kia có phi lí đến đâu – được sống tự do trên mặt đất trầm trọng và đau thương nhưng đầy thơ mộng này.
Yêu tư tưởng, thì phải hết mình cho nó. Trích Sổ Ghi 1982:
“Tư Tưởng, nhiều khi tôi muốn từ bỏ Tư Tưởng để trở lại cuộc sống bình thường. Làm văn chương hay phấn đấu cho một điều gì đó, như mọi người. Nhưng làm sao chối bỏ Tư Tưởng, khi Tư Tưởng xộc đến, và ôm tôi vào vòng tay oan nghiệt của nó? Không phải con người chiếm hữu Tư Tưởng, để từ đó có thể lưu trì hay vứt bỏ, mà chính Tư Tưởng chiếm lấy ta, ném ta vào nỗi Cô Đơn của Huyền Tính. Tư Tưởng yêu thương ta trong vòng tay. Đó là đặc ân, một đặc ân đau đớn”.
Dẫu sao tôi cũng nhiều lần rời bỏ Tư Tưởng, để trở về với bổn phận, trách nhiệm cộng đồng. Buồn không?!