Trong cộng đồng Cham, không ít vị sở hữu tủ sách kha khá. Sở hữu và xem nó như thứ của cải, cho mình và cho con cháu. Là hay; nhưng sẽ hay hơn nếu các bác ấy biết sẻ chia, dù sách có chịu ít nhiều mất mát. Cho mượn, rồi bị “palam” – như Cham nói.
Xưa, văn hóa Cham chưa trải qua kĩ thuật in ấn, có được một tác phẩm là cực khó. Để cầm sử thi Akayet Dewa Mưno trong tay, chủ nhân phải chở qua nhà người chép sách cả xe trâu thóc đến tấn lúa. Thuở ấy không giữ riêng, mới dại.
Còn thời hiện đại, sách bát ngát sách, sao ta cứ giấu!
Cái biết rất cần được sẻ chia và lan tỏa, cho nhiều người xung quanh ta cùng biết.
Yêu văn chương Cham, tôi lang thang vào các palei Cham tìm sách chép. Hành trình đó, chưa gia đình nào từ chối tôi cả. Chép, và tôi sẵn sàng cho, để rồi khi cần – mượn chép tiếp. Chép, rồi thuộc lòng lúc nào không hay; chép, còn giúp ta khám phá ngõ ngách ngôn ngữ và kĩ thuật văn chương ông bà. Trên bước lang bạt kì hồ ấy, có đến vài ngàn trang văn chương Cham tồn tại [hay biến mất] qua chữ viết của tôi. Hiện chúng luận lạc ở đâu, tôi không biết nữa.
Làm cuốn Văn học Cham khái luận, Văn học Cham – trường ca, rồi Văn học dân gian Cham, tôi hai, ba lần chép lại bản thảo của mình để nộp nhà xuất bản.
In ra, tôi dành đến một nửa số lượng bản để biếu.
Vừa qua mang sách tặng bảy Halau Thāng Mưgīk, các bác hỏi tôi lấy đâu tiền mà in sách biếu. Tôi bảo, tôi luôn giữ cho bàn tay mình mở, để tiền đi vào bàn tay phải rồi đi ra bàn tay trái. Không vấn đề gì cả, tôi luôn đủ sống, và sống khỏe.
May, ngoài các tập thơ tôi phải bỏ tiền ra in và tặng [cần thế, thơ ca là món chơi, dám chơi thì dám chịu, chứ kêu tài trợ – nói tham thì hơi to, dẫu sao (xin lỗi) thi sĩ cũng có ăn gian chút chút], còn thì toàn bộ tác phẩm nghiên cứu của tôi luôn được nhà xuất bản, cơ quan hay bằng hữu chiếu cố. Và tôi chiếu cố lại cho bà con, anh chị em.
Văn học Cham khái luận tác phẩm nghiên cứu đầu tay in 500 bản, tôi nổi hứng mua luôn 300 cuốn cho bà con. Ariya Trường ca Cham, tôi cho in 1.500 bản, giao hết 800 bản cho sinh viên bán bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, còn lại chính tay tôi tặng các nơi. Hi vọng mỗi palei Cham ít nhất cũng có 20-30 cuốn Ariya Trường ca Cham với những Ariya Bini Cham, Ariya Cam Bini, Ariya Xah Pakei, Ariya Glang Anak có mặt trong tủ sách gia đình Cham.
Yêu – đi tìm – mượn chép – nghiên cứu và dịch – in ra [để nổi/ mang tiếng thôi cũng chưa đủ] – điều cần nhất là làm cho văn chương Cham được sống giữa lòng dân tộc.
Lan toả mọi lúc mọi nơi.
Thời gian đi tìm, lúc ngồi làm hay khi đã xong.
Trên ruộng thấp hay đồi cao, trong trường học hay giáo đường, ở diễn đàn.
Yêu, sẻ chia, để lan tỏa, là vậy.