Yêu có nghĩa là ưu tư, chăm sóc.
1. Tôi yêu Tagalau là cái chắc rồi. Bởi không yêu thì không thể kham nổi nó. Thế nào là yêu? Là ưu tư về mang nặng đẻ đau, là chăm sóc dưỡng nuôi cho khôn lớn.
Khởi động làm Tagalau, tôi chuẩn bị tư thế của phụ nữ sắp sinh con so: Làm số đặc biệt về Cham trên Văn nghệ Dân tộc & Miền núi của Hội Nhà văn VN, sau đó chuyển chuyên đề về tạp chí Văn nghệ Bình Thuận, rồi tạp chí Văn hóa Dân tộc. Ba kì liên tù tì như thế Tagalau mới ra số đầu tiên để đón Katê đầu thế kỉ XXI.
Dù không ít vị Cham cảnh giác về nhiều thứ, có vị còn không hi vọng về tuổi thọ Tagalau, nhưng rồi qua 3 kì kí thác ở ba mảnh đất khác nhau, tôi nhìn ra lối đi. Tôi biết Cham có người viết, có người đọc, có cái để viết, và tôi tự tin có thể thu hút các cây bút Cham, lẫn ngoài Cham viết cho Tagalau. Còn tiền bạc ư? – không là vấn đề.
Nghĩa là Tagalau hi vọng có đất sống. Và tôi quyết.
2. Thế làm sao để Tagalau sống sót?
Vạn sự khởi đầu nan. Mấy số đầu, tôi đảm tất tần tật: Từ thu gom bài vở [đánh máy, in rồi chuyển cho tác giả sửa] cho đến lo tiền, từ chạy giấy phép cho chí in ấn và phát hành, từ A đến Z – như thiên hạ nói.
Tiền, tôi chưa hề xin cá nhân hay tập thể nào. Bà con hoặc Mạnh Thường quân hiểu, thương Tagalau, và cho. Do đó, dù tiền không là vấn đề, mỗi kì tôi phải bù lỗ 7-8 triệu [tương đương một cây vàng]. Mãi từ số 7 trở đi, Tagalau mới hết chịu lỗ, ở đó có vài số Tagalau tác giả còn được nhuận bút nữa.
Trải mấy gập ghềnh, đúng như thân phận của nó: Từ chối hay dọa cắt, không cho tên Tagalau có mặt trên trang bìa, buộc bỏ chữ Akhar thrah, kể cả tin đồn thu hồi vĩnh viễn cũng không chừa, Tagalau vẫn sống.
Làm sao Tagalau có thể sống sót? – Khi Tagalau còn được tác giả và độc giả tin tưởng. Nghĩa là, chủ biên phải biết “chăm sóc khách hàng”.
– Với tác giả và Mạnh Thường quân: Ngay khi Tagalau ra khỏi lò in, 3 ngày sau sách đã đến địa chỉ cần đến. Chính tay chủ biên qua bưu điện gửi; và để chắc ăn, tôi phone hỏi thăm sức khỏe của bưu kiện khiêm tốn ấy.
– Cùng thời gian, Tagalau xuất hiện ở các đại lí và hiệu sách. Dẫu bán chậm, Tagalau luôn có mặt kịp thời phục vụ người đọc. Và dù thu hồi vốn khó [lắm lúc không thu hồi được], tôi nghĩ miễn sao Tagalau đến tay độc giả đúng vụ, là hay rồi.
– Chuyện công khai tài chính cũng không thể bỏ qua. Dù đa phần tiền là tiền túi [hay của Cty Thổ cẩm bà xã], sau mỗi kì Tagalau tôi vẫn có “Thư Tagalau” in ra gửi tận tay người liên quan, và đăng trên website Inrasara.com. Để cuối rốt ở hôm bàn giao, tôi giao khoản tiền và ẩn phẩm Tagalau thừa cho thế hệ kế cận cũng kha khá.
3. Yêu Tagalau tới đâu, tôi chưa bao giờ chịu… họp.
Tôi đến gặp và tham khảo từng người một – khoảng 20 người, và tôi luôn cho [và khiến] họ là nhân tố quan trọng, quyết định sự sống còn của Tagalau.
Không họp, nhưng tôi rất chịu mời. Vô phân biệt, và không chừa ai. Cho dù Bà Trời cho tôi cái tính không mời ai lần hai, riêng với ba vị tiến sĩ [KHXH] Cham, tôi hạ cố đến ba lần. Ba bận họ hứa, để ba bận buông.
TS Phú Văn Hẳn chẳng hạn, luôn tự nhận em Phú Trạm, vẫn chưa một lần nhập cuộc Tagalau. Ngược lại, chỉ cần một lần anh nhắc, tôi đóng góp ngay cho cuốn Văn hóa Xã hội Chăm ở TPHCM… của anh 2 bài, vô điều kiện. Chịu chơi thế chứ!
“10 năm Hành trình Tagalau” ở Chakleng chỉ là tổng kết, chứ không phải họp. Tổng kết, tiệc tùng, và vui. Còn lại – trước/ trong quá trình làm Tagalau, tôi đến gặp từng người, và song thoại. Tôi chủ động tất cả. Có khi người này không cần biết ý kiến người kia.
Tôi hiếm khi bình luận về Tagalau, tôi càng không bình luận về những bình luận. Tôi im lặng nghe, thấu hiểu, và làm. Cả sau khi nó được giao cho chủ biên kế cận.
Dĩ nhiên thái độ quá quắt kia mấy bận khiến anh chị em phiền lòng, nhưng chịu. Buổi sơ kết bàn giao cho thế hệ mới, tôi cũng “trốn”, bởi trước đó tôi đã gặp “riêng” Jalau Anưk, và công việc bàn giao đã đâu vào đấy.
Thế mà lại hay!
4. Yêu còn có nghĩa là chịu đựng. Như bà mẹ chịu đựng đứa con trong những ngày thương khó.
Bên ngoài thì rõ rồi, tôi lắm lúc còn phải chịu đựng sự công phá Tagalau ngay từ nội bộ Cham. Chê bai hay trù ẻo, xuyên tạc hay cáo giác cũng không chừa. Nhưng có bà mẹ nào kể khổ về nỗi cưu mang đứa con yêu? Dẫu sao, may mắn là Tagalau vẫn được đại bộ phận cộng đồng nâng niu trìu mến.
5. Yêu, và… “dù gì đi nữa vẫn luôn giữ phong thái của kẻ sắp lên đường từ biệt, như chúng ta sống mà vẫn luôn luôn từ biệt”.
Chứ không bám ghế Tagalau. Thế nên ngày từ Tagalau 7, tôi đã đánh tiếng rút lui…
Trích “Câu chuyện Tagalau” (trong Tagalau 20):
Đối thoại ngắn: Tagalau có ngon không?
Cận Tết 2005, với bạn thân lâu ngày gặp lại trong một quán bia hơi, tôi thao thao về Tagalau. Về những cây bút đầy triển vọng của Tagalau và về tôi. Hi vọng Cham và kì vọng tôi. Chìm dưới tuyệt vọng đen rồi trồi lên đầy dũng mãnh, tiếng xấu và lời khen tặng, văn chương và văn hóa, hiện tại với tương lai… Đột ngột, anh bạn ngắt lời tôi:
– Mi chớ tưởng mình ngon, Tagalau không có gì ghê gớm lắm đâu!
– Không có gì ghê gớm còn đỡ, mình thấy nó chả là gì cả!
– Không là gì cả à? Mi nói thật?
– Ừ… thì mình có nói giả bao giờ đâu!
– Tao không hiểu quái mi cả! Không là gì sao mi bỏ cả công sức hay tiền bạc ra làm?
– Đấy, phi lí vậy đó. Cứ sống cho hết nỗi sự phi lí ấy, rồi hiểu!
Vậy thôi, anh bạn nín thinh. Anh bạn không chịu nổi giọng kể khoái hoạt của tôi. “Khi thắng không khoe khoang, khi thua luôn luôn vui vẻ”, – bài học lớp Tư, tôi nhớ.
Tôi thì khác. Thua thì dễ thương, thắng lại rất dễ ghét! Thua, tôi kêu lên: ông thật cừ, có tầm lắm; thắng, tôi gáy: mới vận dụng nửa công lực thôi mà bồ liểng xiểng rồi thì làm sao mà chơi!