[từ truyện ngắn, đến tiểu thuyết & phim bị… bỏ hoang]
1. Các ý tưởng sáng tạo được xem là tốt nhất của tôi đều nảy ra trước tuổi 40, sau đó tôi không nghĩ thêm bất kì điều gì mới. Tất cả việc làm sau tuổi 40 chỉ là triển khai cái đã nghĩ ra trước đó.
Trong đó các Biểu tượng về Cham, là một.
Nếu “Cham Ly tán & Phân rã” là nút thắt thực tiễn, thì việc “Đi tìm một nửa Bản trường ca bỏ hoang” là nút thắt mang tính siêu hình. Tìm ra và giải mã được nút thắt này sẽ giải quyết được mọi Vấn đề Cham.
“Đi tìm Bản trường ca bỏ hoang” ban đầu là truyện ngắn, ở đó tôi bố trí một nhân vật [ở Phan Rang] đang sống đời sống bình thường, đột ngột bỏ làng, rời bỏ nhiệm sở, vào Ma Lâm đi tìm một nửa kia của bản trường ca Ariya Bini Cam bị thất lạc, bị bỏ hoang [klāk bhaw].
Chi tiết một nửa trường ca Ariya Bini Cam bị thất lạc tôi có nêu trong bài báo đăng tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1-1994.
2. Truyện ngắn “Đi tìm Bản trường ca bỏ hoang” (1995) sau đó được chế tác lại để đưa vào chương II tiểu thuyết Chân Dung Cát (2006). Trích 2 đoạn:
Đoạn 1.
“Chế Khan, sẵn sàng biến cuộc sống và bản thân thành con số 0 để theo đuổi và đắm chìm trong những “trường ca bỏ hoang” phiêu diêu, vô định.
Thế nên, dù chương “Bản trường ca bỏ hoang” viết xong và đã đăng báo như một truyện ngắn trong mắt xích liên hoàn của tiểu thuyết Chân Dung Cát để giới thiệu nhân vật đặc kì này, tôi nghĩ một sản phẩm lỡ tay của thượng đế, kẻ cư trú ngay đường biên bóng tối và ánh sáng, ru rú và lang bạt, nhát hèn và bạt mạng; kẻ dám đánh liều cuộc sống mình để làm cuộc truy đuổi bản trường ca bỏ hoang tưởng tượng hay có thật thì không chịu bó gối trong một thể loại văn chương nào bất kì. Tôi xóa nó đi”.
Đoạn 2.
“Ciêt sách trong đó có bản trường ca bỏ hoang không hiểu lí do gì đã lưu lạc tận Tuy Tịnh để cuối cùng nó làm cuộc trở về Mali vào năm 1960 bởi một người đàn ông sau này là cha Mưhuê, ông cha đi biệt vô âm tín khi đứa con gái lọt lòng đúng 3 tháng. Người nông dân Cham chạy giặc cầm lấy rựa với dắt theo mấy con trâu tốt nhất, còn trí thức mang theo mình cây trượng cùng Ciêt sách. Cứ thế họ chạy tìm mảnh đất an lành lập làng, phát rẫy và… đọc sách. Cả làng có mỗi Ariya Bini Cam nàng đang giữ là sách gốc, còn lại chép từ kí ức các cụ già. Nhu cầu hướng nguồn trong Cham rất mãnh liệt. Sách vở mất, khoa học không còn, họ tìm đến huyền sử: Biên niên sử Hoàng gia Chàm xuất hiện trên nền tảng đó”.
3. Không dừng lại ở đó, năm 2006, tôi quyết tìm người làm phim về “biểu tượng” này để lay dạy thế giới ngoảnh về sinh phận Cham.
Báo Thanh niên, ngày 13-6-2006 đưa tin:
“Đó là cái “duyên” trong bộ phim truyện nhựa đề tài về người Chăm có tên Hồn Hoang mà hai người [Minh Ngọc] cùng viết kịch bản và Song Chi sẽ dàn dựng. Đặc biệt có sự cố vấn của nhà thơ Chăm Inrasara. Hãng phim nào sẽ đầu tư cho phim này? Hai nữ nghệ sĩ mỉm cười bí mật, xin phép chưa tiết lộ…”
[Kịch bản văn học có tên Đi tìm Bản trường ca bỏ hoang, đạo diễn SC thấy nó dài ngoằng nên đổi thành Hồn hoang.
Tháng 2-2006, ba chúng tôi về Phan Rang hai ngày để xem cảnh, ngó người, và tìm chi tiết. Rất OK. Phim chuẩn bị khởi sự thì đụng sự kiện Hoàng Sa-TS với những cuộc biểu tình, đánh đập và bắt bớ… để một năm sau cả hai nữ nghệ sĩ luân lạc sang tận Âu Mỹ, và “bản trường ca” tiếp tục bị… bỏ hoang, như đinh phận của nó]