Tiến sĩ ĐH Paris VII – Pháp Nguyễn Văn Huy đã luận về Xã hội Cham như thế!

[trong loạt bài: SINH MỆNH CHAM, HÔM NAY & NGÀY MAI 06. Hóa giải 2. DỌN ĐƯỜNG]

Việc Champaka xâu xé cộng đồng Cham hơn mươi năm qua, là chuyện nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Ta trầm trọng hóa nó, nên nó mới ra nghiêm trọng. Và thành vấn đề. Nói như đại sư Krishnamurti: Khi ta không xem điều gì đó là một vấn đề, vấn đề đó tự tháo dỡ.
[3 lưu ý.
– Nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc. Tôi dung chứa [và đã lập hồ sơ] mênh mông câu chuyện Cham. Qua đó, ở thế buộc, tôi làm hơn 20 “giải minh” về các sai lạc về Cham. Tôi không công bố, bởi “chiến sĩ” không thuộc “đẳng cấp” của tôi. Tôi viết, kí gửi vài nơi tôi tin tưởng, để lưu chúng cho thế hệ mai sau.
– Bài này được viết vào tháng 5-2009 nhưng chưa phổ biến, theo mạch “đi tìm”, tôi đăng ở đây như một cách hóa giải vấn đề. Chuyện tôi quan tâm không phải là CPK, không phải những gì các vị nói, mà là: sinh phận Cham bị cuốn lôi vào vòng xoáy kia.
Và để tránh mấy cày nhày không đáng, tôi chỉ nêu 1 điển hình NGOẠI về 1 vụ duy nhất. Chỉ 1 điển hình thôi cũng đủ, sau đó ta làm cuộc LÊN ĐƯỜNG, nhọc nhằn mà vui vẻ
– CPK đừng cãi, nếu cần – nhắn Nguyễn Văn Huy tranh luận trực tiếp với tôi].

*
Cứ tưởng một tiến sĩ được Pháp đào tạo phải ngon lành, hay ít ra cũng đàng hoàng, nhưng không! Cứ tưởng bạn ở ngoài nhìn vào cộng đồng Cham, viết, thì khách quan đáo để, nhưng không. Bạn vẫn có thể bậy, từ bậy đến ác – cái ác chết người.
Nguyễn Văn Huy là 1 điển hình [tiên tiến].

1. Trong bài phân tích đăng Champaka 4 (IOC, 2004, tr. 199-218): “Ngôn Vĩnh: Fulro hay là tập đoàn tội phạm”, TS Nguyễn Văn Huy vừa phê phán nhà văn Ngôn Vĩnh, vừa xác minh [qua các mệnh đề “Thật ra những người này, đặc biệt là…”, “Cũng nên biết Thuận Thị Trụ là…”] vài sự kiện liên quan đến phong trào Fulro.
Riêng về Thuận Thị Trụ, ông đưa ra nhiều chi tiết [đính kèm bình luận] sai bậy nghiêm trọng, tôi chỉ nêu một đoạn ngắn, ở đó các sai bậy ai biết đọc chữ và hiểu biết ít nhiều về thời sự Cham cũng dễ dàng nhận ra. Ở tr. 209, ô Huy viết:
Cũng nên biết Thuận Thị Trụ là vợ (…). Năm 1973 cô ta trở về Việt Nam, sau đó tham gia vào đại đội Chế Bồng Nga do Huỳnh Ngọc Sắn (sic) thành lập vào đầu năm 1975 tại khu vực Phan Rang-Phan Rí, phụ trách văn nghệ. Sau khi phong trào Fulro tan rả, cô Thuận Thị Trụ được trở về quê cũ làm giáo viên dạy học ở Trường phổ thông cơ sở Hiếu Lễ. Do đó những hiểu biết của cô Trụ về phong trào Fulro ở Campuchia rất là giới hạn…
… lời khai của Ya Duk và Thuận Thị Trụ – hai nhân vật bị bắt và chịu hợp tác…
”.

2. Lingīk tathīk lơi – Trời biển ơi! Có 5 dòng chữ mà tiến sĩ Đại học Paris VII Nguyễn Văn Huy phạm đến 6 sai lầm tệ hại với lỗi thao tác rất cơ bản. Vài câu hỏi dễ như ăn ớt đặt ra truy vấn ông:
– Ông moi từ gò mối [bboh katôic] nào rằng, Thuận Thị Trụ bị bắt? Vậy cô ta bị bắt ở đâu? Khi nào? Cơ quan nào bắt? Ông có thể thò một bằng chứng [nhỏ thôi] cho bà con Cham biết không?
– Ông còn bói đâu ra cái tin siêu hot này, rằng Thuận Thị Trụ “tham gia vào đại đội Chế Bồng Nga”? Có đến 90% anh chị em Fulro Chàm hiện còn sống, hỏi có ai thấy Thuận Thị Trụ xuất hiện ở góc xó nào trong “đại đội” kia không?
– Rằng ở đó cô Trụ “phụ trách văn nghệ”. Trong giai đoạn Cham đang thời quân quản của chế độ Cộng Sản bị siết chặt như đếm, ma nào dám/ có thể “phụ trách văn nghệ” cho Fulro? Mà cô Trụ phụ trách ở đâu?
– Nữa, “đại đội Chế Bồng Nga do Huỳnh Ngọc Sắng thành lập vào đầu năm 1975 tại khu vực Phan Rang-Phan Rí”. 4 câu hỏi đặt ra:
Ông cho “đại đội Chế Bồng Nga do Huỳnh Ngọc Sắng thành lập”, còn Ngôn Vĩnh thì do nhóm Từ Công Xuân, chính xác “ai” thành lập?
Theo Ngôn Vĩnh: Nhóm Từ Công Xuân thành lập cuối tháng 5-1975, ông thì: “đầu năm”, đâu là thời điểm cụ thể?
Ông viết “tại khu vực Phan Rang-Phan Rí”, địa điểm cụ thể là đâu?
Còn nó “tan rã” chính thức vào ngày tháng năm nào, sao ông cứ nói mò, mà không khai luôn cho bà con hay, để sau đó “cô Thuận Thị Trụ được trở về quê cũ”?
– Rồi, cô Trụ đã mọc lên từ chốn khỉ ho cò gáy nào để được yên ổn trở về?
– Sau rốt, là cái vụ “cô Thuận Thị Trụ làm giáo viên dạy học ở Trường phổ thông cơ sở Hiếu Lễ…”. Ô… ô… ô… Trong bài viết, ông mới chê Ngôn Vĩnh câu trên [“sự giả tạo trong các chứng cứ”], để rồi ngay câu dưới ông sao y bản chánh cái thông tin trời ơi do chính nhà văn công an này bịa ra (Ngôn Vĩnh, Fulro – tập đoàn tội phạm, tr. 3), là sao?! Cô Trụ bắt đầu dạy từ năm nào, ông càng không biết đăng mà nêu ra.
Thuận Thị Trụ học hết lớp Một cha bắt chăn trâu, Sở Giáo dục Thuận Hải ngu hết sao mà cho cô ta dạy phổ thông cơ sở!

3. Ừ, Ngôn Vĩnh nhà văn công an ở phía “địch” bày ra bao chuyện tầm phào để xuyên tạc người bị xem là “địch” [“địch”, là chữ dùng của Ngôn Vĩnh: “nội dung cuốn sách này chỉ giới hạn trong phạm vi miêu tả phía địch”, tr. 9].
Vả lại đây là tiểu thuyết xã hội, nhà văn có quyền hư cấu, tưởng tượng, thêm thắt để làm nên tính hấp dẫn rẻ tiền cho tiểu thuyết của mình…
Chứ ông tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Huy, hà cớ ông đi hư cấu, bịa đặt, thêm thừa cho một bài bình luận khoa học?
Trong 6 chi tiết, chỉ có 1 ông cóp lại từ Ngôn Vĩnh (“dạy phổ thông cơ sở”), còn lại toàn bộ do ông bịa ra và dựng nên.

Ngôn Vĩnh nhà văn công an viết theo trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa, sai bậy đã đành, còn ông nhà khoa học, ông lại sai trên cái sai bậy của nhà văn, là sao?
Ông là người ngoài (Việt), ở xa (Pháp) không hiểu mô tê xã hội Cham, sao lại dám viết về Cham? Hay ai đó mớm cho ông? Nếu thế, ông khờ khạo để phải tin ngay sao? Thao tác khoa học cơ bản nhất là kiểm chứng thông tin, ông chưa thuộc bài sao? Đường đường tiến sĩ sử học Pháp, ông bịa đặt độc địa để tố cáo một phụ nữ Cham để làm gì? – Các tố cáo đưa sinh linh vào tù hay bị giết như chơi. Và ông được gì khi dựng chuyện như thế? Tư cách sử gia ông để ở đâu? Cả nhân cách con người nữa, ông cất nó ở đâu rồi?

Hư cấu-tưởng tượng của câu chuyện Hi[s-]story TS-NGUYỄN VĂN HUY có thể tóm như sau:
Cô Trụ qua Cambodia làm Fulro. Fulro tan rã, cô Trụ theo chồng qua Pháp
năm 1973 chồng mất, cô Trụ trở về Việt Nam
đầu năm 1975, ông Sắng thành lập Đại đội Chế Bồng Nga, cô Trụ sung vào
ở đó cô Trụ phụ trách văn nghệ
Đại đội Chế Bồng Nga tan rã, cô Trụ “bị bắt và chịu hợp tác
cô Trụ học lớp Một mà được chính quyền CS cho “dạy phổ thông cơ sở”, thế nên…
cô Trụ đoái công chuộc tội bằng cách khai sai, khai có hại về Fulro và đồng đội cũ.
The End! Hết phim.
Quá cha tiểu thuyết viễn tưởng khoa học lịch sử. Cũng logic đáo để.

Lạ là, câu chuyện với mấy phát hiện tày rế đó được quý ngài tiến sĩ Po Dharma hồ hởi hào hứng đăng ngay vào tạp chí khoa học do mình làm chủ. Buồn không!?
Vậy, sử gia Nguyễn Văn Huy có đáng tin không? Champaka đăng các bài “khoa học” có đáng tin không?
Hỏi là đã trả lời rồi.

+
Tham khảo
1. Ngôn Vĩnh cho biết trong: Fulro tập đoàn tội phạm (1983), in lần thứ hai có sửa chữa, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, tr. 212.
Đầu tháng 4-1975, Mặt trận Fulro Champa được Huỳnh Ngọc Sắng dựng lên.
Ngày 8-4: vài “binh sĩ” thuộc Mặt trận này đi cắm cờ Fulro tại các palei Cham: Hamu Tanran, Chakleng, Hamu Crok và tháp Pô Klong Girai.
Cuối tháng 5-1975, Từ Công Xuân (Dân biểu Hạ viện) và Lê Sơn Cường (Trưởng Ty Phát triển Sắc tộc Cam Ranh) tập hợp toán người. thành lập Đại đội Chế Bồng Nga, giao cho Đạt Nhậm làm Đại đội trưởng, Xuân và Cường làm cố vấn (tr. 244).
Cuối tháng 7-1975, Từ Công Xuân trở về, Đại đội Chế Bồng Nga tan rã (tr. 251).
Như vậy, theo hồ sơ Công an, Đại đội Chế Bồng Nga tồn tại trong khoảng 2 tháng: cuối tháng 5 đến cuối tháng 7-1975.

2. Ông Châu Văn Kên kể (28-4-2017)
Tháng 5-1975, ông Bia Ông ở Văn Lâm bị giết, sau đó ông Sinh và ông Hùng ở Hữu Đức cũng bị mang lên palei Thôn thủ tiêu.
Bà con Cham vô cùng hoang mang. Con cháu Từ Công Xuân cựu Dân biểu và Thiên Thiện nguyên Xã trưởng thúc hai ông và hơn chục người “có nợ máu”, lên núi trốn.
Được hai tháng, khi chính quyền hứa không xử phạt, bà con mới kêu gọi anh em Fulro về. Tất cả bị tập trung học tập tại Trường Tiểu học Văn Lâm khoảng một tháng. Ngày bãi khóa, họ đưa xe dẫn hai ông Xuân và ông Thiện đi xuống Phan Rang.
Bà con Văn Lâm biểu tình, có băng-rôn.
Cả tiểu đoàn bộ đội bao vây làng và trường Tiểu học. Bị vặn hỏi: ai chủ trương, ai cầm đầu, ai viết băng-rôn? Anh Bá Trung Thắng, rồi anh Cân, anh Vanh giơ tay lên:
– Tôi, tôi, tôi…
Tiểu đội trưởng trừng trừng như muốn xử bắn họ tại chỗ, nhưng trước áp lực của bà con Văn Lâm, và khi ông Côi người Tàu ở Ram Ga can thiệp, họ mới cho đưa cả ba đi cải tạo.

3. Sara bình. “Đại đội Chế Bồng Nga” chỉ là danh nghĩa. Thực chất con số tập trung cao nhất chưa tới 30 người. Anh em Cham “đi làm Cá Rô”, rải rác từ các làng khác nhau, đi nhiều đợt khác nhau, và hoạt động ở nhiều vùng khác nhau, cực kì tự phát trong đó đại bộ phận không biết cả tên “đại đội” này.
Ngôn Vĩnh viết “Cuối tháng 7-1975, Từ Công Xuân trở về, Đại đội Chế Bồng Nga tan rã”, là sai. Mặt trận Fulro Champa của Huỳnh Ngọc Sắng không liên quan gì đến “đại đội” ở Tang Gê cả!
Lần cuối cùng Fulro bị càn là ở Ia Kalang thuộc vùng núi Chà Bang, vào giấc ngọ trưa mồng 1 tháng Chạp Cham lịch, nhằm thứ Hai (14-2-1977). Ở đây anh họ tôi Thạch Cở, và chú Út Cẩn (em cha), cùng Phik Wa palei Boh Bini bị bắn chết. Từ đó “đại đội Chế Bồng Nga” tan rã hẳn. Ngay sau đó, hầu hết anh chị em chiêu hồi, và nhận sự “khoan hồng” của chính quyền.
Sau đó 1 tháng, anh Chiên người Chakleng – một thủ môn nổi tiếng – lấy vợ Hiếu Thiện bị phục kích chết ở vùng Núi Đen.
Phải 3 tháng sau, chính quyền tập hợp anh chị em để học tập chính sách ở Hữu Đức: 1-7 đến 3-8-1977.

3. Liên quan đến cụm từ “đi làm Cá Rô”: nao ngak Ikān Krwak, là chữ bà con gọi Fulro Chàm, một lối chơi chữ đầy thương cảm ngậm ngùi, tôi cũng có chữ riêng của mình: Nit ia nit njuh. Trong vòng 24 ngày, tôi bị mất 3 người thân.
Tội nhất là anh Thạch Cở. Sáng hôm ấy Xã tổ chức học tập chính sách cho thanh niên Cham, ông cán bộ giảng bài sao ấy, ở dưới anh cười “dại”. Ông này bước xuống chỉ thẳng vào mặt anh, dọa cái gì đó. Tối về, anh xách ba-lô “đi Cá Rô”. 18 tiếng đồng hồ sau, anh bị bắn chết tại Ia Kalang. Nghĩa là đời Fulro của anh kéo dài chưa tới một ngày!
Tin báo, thanh niên palei dàn hàng ngang đi lên rừng tìm, mãi 9 giờ sáng hôm sau, nhờ con chó từ bụi rậm nghe động chạy ra, xác anh mới được phát hiện. Lúc đó vụ mùa vừa xong ruông khô trơ gốc rạ, trời hanh hao, gió đông thổi cực mạnh, các anh phải khiêng người chết đi theo chiều ngang suốt 7km về làng. Mẹ anh khóc, bị trên xuống nạt và dọa, bà mẹ phải để nước mắt chảy vào trong.
Mấy nỗi ấy [cùng mênh mông nỗi khác], Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy hẳn mù tịt!
Ngay tháng sau tôi viết trường ca về giai đoạn bi thương này của Cham. Trường ca đã thất lạc, tôi chỉ còn nhớ một đoạn:
Nit ia nit njuh anük nao
Anük nao bloh anük mưtai bhaw ngok ralông
Thau dôm thun amēk tapông halông
Gilaic dôm thun amēk cok bhông thal mưta…
Thương non, thương “củi” con đi
Con đi rồi con chết bhao trên non
Bao nhiêu năm mẹ nâng niu
Bấy nhiêu năm mẹ khóc đỏ hai con mắt…

Sài Gòn, 5-2009, chỉnh sửa lần cuối: Chakleng, 19-4-2017

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *