Làm sao láng giềng tôi toàn người đàn ông tuyệt chiêu thế?
Trong thế giới ấy, “tuyệt chiêu”, không thể dùng ngôn từ nào khác thay thế.
Tuyệt chiêu, nhưng lạ: Họ đều tôn trọng Cả sư Dhya Hán Bằng
Họ sống ngay sát nhà tôi, bên phải bên trái, phía trước phía sau. Đó là một đặc ân lớn của tuổi thơ tôi. Ngay từ thuở nhỏ, tôi nhìn thấy họ đi đứng, ăn nói, chiêm ngưỡng họ.
Và hôm nay, tôi muốn ca tụng họ, tại sao không?
Hướng Bắc, ngay bên kia hàng rào nhà tôi, là gia đình bà Nok. Bà cụ thọ 99 tuổi, cho ra đời toàn những đứa con “trời đánh”! Trong đó, độc đáo nhất phải là Thiên Sanh Sở. Ông cao to, trắng trẻo, là một trí thức Tây học. Thuở trai tráng ông là thủ môn đội tuyển Chakleng. Lấy vợ ở Palau – quê ngoại của tôi, vẫn thường xuyên về Chakleng. “Giải phóng” về, ông trở thành Gru Adam nổi tiếng trong vùng, đồng thời là một nghệ sĩ trống Ginơng có hạng. Mươi năm trước, ông về quê mẹ mở khóa dạy trống Ginơng cho khoảng 20 học viên thuộc đủ lứa tuổi, thành phần: trai trẻ, trung niên, có cả cán bộ, giáo viên đương chức hay đã về hưu.
Sát cạnh nhà ông phía mặt trời lặn, là Kadhar Gam Muk, nghệ sĩ đàn Kanhi. Ông người Ia Li-u lấy vợ Chakleng, là “nghệ nhân” chép sách nổi tiếng trong vùng với nét chữ vừa chân phương vừa hoa mĩ ít ai bì.
Qua một ngõ chẹt là nhà ông Vạn Ca, biệt danh Tài Chánh Ca. Có lẽ ông “chuyên gia” thủ quỹ, mà thủ quỹ đất Chakleng đố ai dám rớ tới đồng xu của tập thể. Ông sở hữu tài năng đặc biệt. “Kĩ sư nông nghiệp ngoại hạng” – cái tên thuở Đệ Lục tôi đặt cho ông, tôi nghĩ rất xứng đáng với ông. Ông luôn biết cải tiến nông cụ ông bà truyền lại, tất tần tật – làm cho nó đẹp hơn và tiện ích tối đa có thể.
Bỏ qua một khuôn viên nhà “hoang” bên hướng Nam là nhà ông Bá Chương, người đạo diễn các đêm văn nghệ nhà quê palei. Ông có giọng hát trời cho, cái gien sau đó được truyền lại cho bốn đứa con trai ông: Bá Sinh Quyên, Bá Sinh Ẩn…
Tiếp, là nhà ông Chánh Gru Kalơng, thầy cao đạo. Ông cao ít nhất cũng phải 1,8m, trắng và rất đẹp lão. Chính ông trong một tối làm lễ giải hạn, đã cứu sống em Ngòi bệnh thừa sống thiếu chết. Ông đọc kinh, làm tục Ném Sọ [dừa]. Sọ Dừa được quăng đi, lăn đến cửa ngõ, nó quay lại và… ngửa. Ông tuyên: thằng này có đập đầu cũng không chết.
Về hướng Nam cách nhà tôi 3 khuôn viên là nhà ông Đạt Bình. Vị này mới ghê. Láng giềng, tôi ngán nhất ông, gần như chưa bao giờ dám xớ rớ. Ông là nghệ sĩ trống Ginơng dù không nổi tiếng như Mưdwơn Gru Tìm, nhưng là bậc kì tài. Cặp trống đôi Cham cần hai người chơi, một người “giữ” Khik, một người “hòa” Hla. Khik thì dễ, chỉ căn bản là được, còn Hla cần tới tài năng đặc biệt. Dễ thì dễ, chứ khi gặp ông Bình thì không ít người chạy làng. Do bị ông “chơi”. Mà Cham có tới 74 điệu trống, ông không thật nền tảng và bản lĩnh, chơi như kiểu ông Bình thì chịu.
Sa kaung paga cùng hàng rào với ông Bình, liên tiếp là nhà ông Phauk Dhar Cơk, Mưdwơn Gru Hán Phải, Mưdwơn Gru Thạch Tìm, các nhân vật tôi đã kể. Cuối cùng ở sau lưng nhà tôi, là nơi cư trú của Cả sư Dhya Hán Bằng. Đây là nhân vật tôi chơi thân cho đến tận năm ông đi “về”: 2011.
Tôi không hiểu sao bà Trời lại ban cho tuổi trẻ tôi các nhân vật tuyệt chiêu thế chứ? Tôi không say mê họ mới lạ.