THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR-AWAL 71

Adhya, sự kiêu ngạo sang trọng

Có lối kiêu ngạo thô lậu nhố nhăng, cũng có sự kiêu ngạo sang trọng…
1. Adhya [còn viết tắt là Dhya] nguyên gốc Sanskrit ādya là bậc cao nhất thuộc tầng lớp Paxeh, giáo sĩ Bà-la-môn. Đạo sĩ đạt đến cấp Adhya phải trải qua nhiều tu luyện khổ ải, gian nan. Cả thể xác, tri thức lẫn tinh thần.
Vừa thuộc tầng lớp cao nhất trong 4 đẳng cấp trong hệ thống Bà-la-môn giáo, vừa được đào tạo và tự đào tạo như thế, nên Adhya rất kiêu ngạo, cái kiêu ngạo sang trọng.
Tuy nhiên sau khi xong giai đoạn Đồ đệ làm Nghi thức về nhà, ông phải lấy vợ để chu toàn giai đoạn thứ hai của đời người; đụng vào thực tế, ông cũng “suy thoái” ít nhiều. Và nhất là thân phận Cham sau khi đất nước tan rã, người giỏi nhất bỏ đi để sót lại những sinh linh “ralang kajōng”, cái tinh túy nhất cũng mất đi nhiều.
Dẫu sao, chất kiêu ngạo sang trọng vẫn tồn đọng ở thẳm sâu ông, chúng biểu hiện ra ngoài. Ikan klah kakah dōk gam: Cá sẩy vẩy còn lưu (Rồng đi vết hãy còn).

2. Thử kiểm 3 thứ tiêu biểu:
Adhya không đụng đến Đam dar (đám chôn). Chuyện trần gian kia đã có Gru Kalöng lo, tôi chỉ đảm nhiệm vụ việc thuộc thế giới khác: linh hồn siêu thoát ở Đam cuh (đám thiêu), hay chỉ lối họ về nhà ở Ba talāng tamư Kut: Lễ nhập kut.
Po dang di dwa gūk bira: Đấng Cao Cả ngự trên hai vai.
Do đó, Adhya không cho phép ai/ mình đặt bất cứ thứ gì lên vai. Đẩng cấp ông không phải làm việc tay chân, ở thế buộc bị đẩy vào hoàn cách kiếm sống, dùng đến cái rựa, cái cuốc – ông phải xách. Vai đã vậy chứ đụng đến vùng đầu, thì phải làm lễ tẩy uế Ngak Thawbah (tục còn gọi là Ngak Pabah) cho ông.
– Cham chất nghệ đầy tràn tâm hồn, Adhya không phụ trách chuyện trần gian, và để đỡ ghiền – trong các lễ Rija, ông vẫn có thể chơi Ginang ở ngoài lễ Lingiu Adat.

3. Athal patao bimao amưh: Giòng vua, vòng nguyệt quế bằng vàng.
Giòng vua đã thế, Adhya còn ở trên vua chúa một bậc, họ kiêu ngạo mới phải… phép. Thế nên sự nối dõi là rất nghiệm ngặt trong việc truyền đời và phong chức ở đẳng cấp Paxeh Bà-la-môn.
Adhya Hán Bằng là bác họ tôi. Thuở Đồ đệ, ông là thứ dữ, đến hàng xóm phải đặt bài vè. Lên cấp Baic rồi Adhya ông thay đổi hoàn toàn, triệt để. Hết “ăn bạo”, rời bỏ ngôn từ tục tằn, tuyệt không nói xấu ai sau lưng, đến nỗi ông thành kẻ cô đơn – một nỗi cô đơn sang trọng.
Càng già càng đẹp và sáng. Già mà không lú lẩn. Già mà đầu óc sẵn sàng cho mầm “cách mạng”: Ông đã thay đổi được vài điều hệ trọng của thế giới tôn giáo tín ngưỡng Cham Ahiêr (tôi sẽ kể sau).
Những năm cuối đời, mỗi bận Sài Gòn về quê – tôi hay đến với ông, gần gũi và an ủi.
Có ai hiểu nỗi cô đơn kiêu hãnh của ông không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *