Xương trán, răng hay tóc?
1. Một Brāhmin Hindu ở giai đoạn đầu tiên trong 4 giai đoạn của đời người – giai đoạn làm học trò phải trải qua 3 nghi lễ: Lễ thụ giáo upanāyana, Lễ hiến tế lửa yajna, và Nghi lễ trở về nhà samāvartana.
Riêng Lễ hiến tế lửa, người học trò thường được đưa đến nhìn ngắm thân xác người trong các buổi hỏa táng bị lửa phanh ra từng bộ phận để cuối cùng, thiêu rụi thành tro tàn tất cả. Chủ yếu để người học trò nhìn tận mắt, và cảm nhận sự mong manh và nỗi hư vô của xác phàm.
2. Lễ hiến tế lửa được nhìn thấy ở Cham Ahiêr qua đám thiêu. Ở đó trong khi lửa thiêu thi hài, bà con Cham còn đốt theo người mất rất nhiều của cải nữa để người thân mang theo qua thế giới bên kia [ngày nay người ta chỉ cho chúng qua hơi lửa (ppaphôl apui) để còn được dùng lại ở cõi người].
Cham tiếp nhận Hindu Ấn thì phải khác.
Ở Ấn, trong đám thiêu, nếu hộp sọ bị nổ, là điềm may: người chết vừa lên Thiên đàng; còn không, sau khi lửa tắt, người ta đập vỡ nó đi. Cham ngược lại, rất sợ sọ bị vỡ, thế nên Cham sớm lấy sọ ra khỏi giàn lửa, để “xin” 9 miếng xương trán.
Ở Ấn sau khi hỏa táng, tro tàn được rải xuống sông Hằng; cả khi chúng chưa bị thiêu rụi, những gì còn lại cũng bị cho hết xuống sông. Nếu vậy thì hư vô quá! Cham thì khác: giữ lại 9 miếng xương trán để còn vào Kut cho con cháu cúng tế về sau. Tuyệt!
3. Từ nguyên bản đến Cham, dẫu có biến thái nhưng chung quy vẫn y hệt: Cham Ahier vẫn khoái Đám Tươi, từ xưa chả có thấy ai nghe ớn cả, gớm là do người ngoài nhìn vào.
Vậy thì tụi em chiều…
Như đã phân tích, Đám Tươi là tốt, vậy thế nào cho tốt hơn, nghĩa là “văn minh” hơn?
“Chặt đầu” ngay khi lửa vừa cháy để lấy sọ là không được rồi. Dùng kĩ thuật hiện đại để “xin” 9 miếng xương trán dù lịch sự hơn, vài người cũng chả thấy ham.
Thế nên có bạn đề nghị lấy tóc: vẫn giữ được 20-30 năm để vào Kut mà không bị tiêu tán. Còn “chặt đầu” cả các vị Cả sư cũng nghe ghê, do đó có vị trộm cất mấy chiếc răng rụng thuở sinh thời để phong hờ. Nhưng “tóc” với “răng” thì nghĩa lí gì?
Gì chớ, Cham thì phải có ý nghĩa, họ mới chịu… Mà trán biểu tượng cho tư duy, cho trí tuệ; xương trán ở ngay “mặt tiền”: oai hết biết, vả lại theo khoa học: nó cứng hơn xương ở mọi bộ phận khác.
Theo bạn thế nào cho phải lẽ, phải phép mà vẫn văn minh phong vận?