Tồn tại & Bản sắc
“Người Cham có thông minh không?” là serie bài viết của tôi đăng nhiều kì trên Inrasara.com, từ 2-2011 thu hút nhiều bình luận.
Tôi dẫn dân tộc Do Thái ra so sánh. Bởi chỉ có dân tộc này mới đạt được 3 tiêu chuẩn trên: tồn tại – sáng tạo – bản sắc. Hôm nay ở Cham, 3 câu hỏi cấp thiết đặt ra là:
– Cham có tinh thần quật khởi, để TỒN TẠI không?
– Cham có “thông minh”, để SÁNG TẠO không?
– Cham có thực sự yêu dân tộc, để lưu giữ BẢN SẮC không?
Người Cham có thông minh không? Câu hỏi đặt ra không phải để trả lời có hay không, mà đây là câu hỏi mở chờ đợi những luận giải… thông minh từ nhiều hướng. Để đi vào thảo luận thế nào là thông minh?, không thể không xét đến tinh thần Bà-la-môn, tư tưởng ảnh hưởng sâu đậm đến truyền thống văn hóa Cham và tinh thần Cham.
Đầu tiên, tạm bàn về “cứu cánh tam chúng” [từ đoạn này, các chữ, câu trong ngoặc trích từ triết học Bà-la-môn], nghĩa là sinh phận con người với mục đích thế gian phải hoàn thành: TỒN TẠI.
Bạn sinh ra đời ở đó [palei Cham], được/ bị đóng dấu là Cham trong đất nước đó [Việt Nam]. Bạn không có quyền chọn lựa. Làm thế nào bạn có thể tồn tại trong môi trường xã hội đó? Hay khi dù bạn rơi vào hoàn cảnh éo le hoặc cam go tới đâu, bị đẩy vào môi trường thiên nhiên và xã hội chống lại thân xác bạn thế nào… khi bạn vượt qua để sống còn và tồn tại, là bạn đã thông minh.
Sống giữa nhiều môi trường tự nhiên và văn hóa khác nhau, bị phân biệt đối xử, bị đàn áp và khủng bố, dân Do Thái vẫn sống sót và tồn tại – họ thông minh.
Thử xét 2 điển hình phổ biến ở xã hội Cham.
Trường hợp 1. Mới hơn nửa thế kỉ trước, chuyện một bà Tàu thất học đơn độc lạc bước vào làng Chăm chỉ với cây đòn gánh với hai cái thúng; bị chọc quê, bị rầy la hay phá phách đủ thứ, bà cứ vâng vâng dạ dạ; để rồi 5-6 năm sau thôi, bà đã là người giàu nhất làng Cham đó; đến nỗi hầu hết bà mẹ Cham chạy bữa phải qua lụy bà – là hiện tượng rất phổ biến.
Bà đã sống sót được, và tồn tại rất oách nữa, bà già Tàu đó thông minh.
Trường hợp 2. Sinh viên Cham tốt nghiệp kĩ sư hạng khá. Ra trường có việc làm ngay. Anh được phân công tréo chuyên môn, trụ 3 tháng anh bỏ. Cty khác tuyển, ở đó người điều hành anh chỉ mới qua Trung cấp; tự ái – anh bỏ sau chưa đầy tháng. Mấy công sở và công ty như thế, cuối cùng nửa đời hư, anh vẫn là kĩ sư tập sự, lương vẫn là đồng lương ban đầu. Tại sao anh không luyện tinh thần chịu đựng, chịu đựng tập sự để trì trì tấn tới, từ nhân viên quèn đến phó Phòng, lên trưởng Phòng rồi phó Giám đốc và cuối cùng là Giám đốc – biết đâu…
Thái độ anh hùng kia, chàng cử nhân Cham ấy có thông minh bằng bà già Tàu thất học trên không? Chớ vội trả lời. Hãy để câu hỏi đó mở ra với bạn.
Qua phân tích, có thể phân cấp sự tồn tại qua mấy bậc sau:
TỒN TẠI ĐỂ SỐNG QUA, để thân xác ta có mặt trên trần gian.
Tồn tại, nhưng phải “sở hữu vật chất để chu toàn những nghĩa vụ cuộc sống”: bạn phải trui luyện thân thể bạn thật vững chãi để đưa bạn vượt qua biển đời, bên cạnh học làm ra tiền để tự nuôi thân bạn.
Tồn tại bản thân chưa đủ, bạn còn trách nhiệm tạo ra các tồn tại khác để kéo dài nòi giống: bạn phải lấy vợ, sinh con đẻ cái, và làm việc để chu toàn “bổn phận chủ hộ” của bạn.
Tồn tại để phụng sự cộng đồng, gồm thâu mọi “bổn phận tôn giáo và đạo đức”.
Ở bậc tồn tại cuối cùng này, ta xác minh được ý nghĩa của TỒN TẠI CÓ BẢN SẮC.
Tại sao? Bởi nếu bạn sinh con đẻ cháu đầy đàn, nếu bạn giàu có, giỏi giang mà bạn không xác định mình là Cham – thì vô nghĩa. Có thể ở một hoàn cảnh nào đó, bạn thể hiện sự lanh trí bằng cách chối gốc gác mình để “sống sót”, thì không sao. Bạn còn được gọi là thông minh nữa. Nhưng khi bạn đã qua cơn “sống sót” mà bạn đánh mất cả bản sắc mình – bạn đã đủ thông minh chưa?
Qua trận bão táp lịch sử, không ít Cham đã sống sót, đã tồn tại. Nhưng tồn tại như thế nào? Hỏi có bao nhiêu Cham đủ giàu có để có phương tiện làm cuộc trở về nguồn cội? Có bao nhiêu Cham còn nhớ nguồn cội để trở về? Và có bao nhiêu Cham nhận ra rõ ràng nguồn cội đích thực của mình?
Người Cham có thông minh không? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngõ…
Thế nào là thông minh? Thông minh chính là khả năng ứng phó ở thời điểm quyết định nhất của đời người, của lịch sử dân tộc, một phản ứng đầy thông minh, từ đó ta có thể Tồn tại như là Tồn tại, qua đó Phát triển và Vượt thắng ở cấp độ toàn cục.
Đến đây, ta tạm minh giải một phần câu hỏi: tồn tại và bản sắc. Dù luân lạc tận đâu đâu, con dân Cham vẫn tồn tại, cho dù:
“Nước non Chàm không bao giờ tiêu diệt
Tháng ngày qua vẫn sống trong đêm mờ (thơ Chế Lan Viên).
Nhưng, thử đặt cạnh dân tộc Do Thái…
Cham lưu lạc tận Hải Nam xa xôi thời gian Lưu Kì Tông làm vua Champa cuối thế kỉ thứ X, bao nhiêu người còn dám nhận mình là Cham? Mấy vạn tù binh Cham hai đợt ra Bắc vào thời Lý, con cháu họ có tìm về nguồn cội? Cham ở Thái Lan sau biến cố Minh Mạng… có ai còn nhớ đến Cham? Rồi khi Cham lai giống, con cháu họ có ai đã từng nhận mình là Cham không?
Bạn hãy nhìn sâu vào câu hỏi và tự tìm cho mình câu trả lời. Vậy: Người Cham có thông minh không?