Hiểu thì yêu hơn
Phúc Âm: “Đừng phán xét, để các con không phải bị phán xét”.
Tin cho biết, Buổi gặp mặt giải hòa Vụ Thầy Nguyễn Văn Tỷ – PGS-TS Thành Phần vào sáng Chủ nhật 26-2-2017 vừa qua, đã thất bại; nếu gọi là thắng, thì mỗi người giành “thắng lợi tinh thần” riêng. Buồn thay!
Stt thử minh giải sự vụ ở phía ngoại vi, không gì hơn là giúp sinh linh Ahier-Awal hiểu, và có thể tháo mở vấn đề ở một khía cạnh khác.
1. Về một sự việc [kiện], trình độ khác nhau, đứng ở góc nhìn khác nhau, ta có nhận định hoàn toàn khác nhau. Với sự việc là vậy, với con người thì mươi lần khó hơn.
Ví dụ gần nhất [liên quan đến chủ đề đang bàn].
Cũng con người ấy [PGS-TS Thành Phần] làm mấy công việc đó [hoạt động văn hóa Cham], mà có 2 cách nhìn hoàn toàn trái ngược nhau.
Phê phán “buôn văn hóa” [Tuyen Tai], bênh vực “co bao nhieu nguoi lam duoc nhu T.S Thanh Phan?” [Mylan Che]. Cả hai là người có học, đều rất tự tin trong phán xét.
Nhận định về hai phán xét này vừa khó, vừa không khó.
Con người luôn bị THAM-SÂN-SI với hỉ nộ ái ố chi phối. Phán xét về con người cũng khó tránh khỏi bị chi phối bởi nỗi ấy.
2. Mục đích ở đây là ý hướng tìm hiểu. Tìm để hiểu.
Ông Nguyễn Văn Tỷ là thầy dạy tôi [ở Pô-Klong], thủ trưởng tôi [lúc tôi làm ở BBS Sách chữ Chăm], và hiện là bạn vong niên của tôi. PGS-TS Thành Phần, anh với tôi cũng không xa lạ.
Thêm, thời gian theo dõi các sự vụ Cham Awal từ Ghur Darak Neh (7-2013) cho đến Xuk Yơng (2-2017) tôi rành câu chuyện như rành bàn tay mình. Biết, hiểu, và có trong tay đầy đủ “hồ sơ” gốc. Nữa, tôi là người tiếp nhận “thư” Nguyễn Văn Tỷ chỉ sau người đầu tiên một ít, trước cả Xuk Yơng Bauh Dơng.
Dẫu thế, tôi chưa dám chắc mình đã “hiểu” hai sinh linh Cham này. Chưa hiểu, nên không đưa ra phán xét. Tôi nghiên cứu “thư”, và viết “phản biện”.
Tôi gửi phản biện này đến 7 Cham khác nhau, xin ý kiến. Sau đó, trong 3 ngày liền, tôi đi qua 5 palei Cham gặp nửa trăm người thuộc nhiều thành phần khác nhau, lứa tuổi khác nhau, “phe nhóm” khác nhau – để trao đổi, tìm hiểu. Tôi tuyệt đối tránh phán xét.
3. Và tôi hiểu. Hiểu thì yêu hơn – yêu Cham hơn bao giờ.
Ở tầm nào bất kì, con người vẫn bị THAM-SÂN-SI chi phối, tác động. Từ đó, phát ra hành vi, ngôn từ. Và con người KHỔ.
THAM [lam] dẫn đến hành vi = khổ. SÂN [giận] phát ra ngôn từ = khổ. Nếu có khoái lạc, thì khoái lạc đó vẫn chìm trong địa ngục tâm của khổ [trá hình]. (Ví dụ, có kẻ chưởi người khác, nhưng vẫn thấy sướng).
Sinh linh Cham có cái khổ không giống ai của nó.
Nhà văn là kẻ lưu trữ kí ức dân tộc. Tôi ghi nhận, và lưu trữ kí ức này.
Tiếng run rẩy đầu tiên hắn đặt vào trang giấy, là tiếng của một thiên thần bị thương: tiếng KHỔ. Henri Miller: The first quivering word he puts to paper is the word of the wounded angel: Pain.